Khi cha già “đi bước nữa”...

Chia sẻ

Nghe tin bố phải mổ dạ dày, dù đang Covid-19, từ nước ngoài bay về rất khó khăn, nhưng Hùng vẫn gắng tìm mọi cách. Bố đã gần 80 tuổi, Hùng rất lo. Hùng là con trai cả, nhưng sống ở châu Âu mấy chục năm, nhiều lần anh muốn đón bố qua sống, nhưng ông Đức không chịu.

Nhất là từ khi bố anh “đi bước nữa” với cô vợ trẻ hơn ông 20 tuổi và có chung một đứa con gái...

Khi Hùng bay về đến Hà Nội thì bố anh đã ra viện. Anh bước vào nhà, thật xót xa khi thấy bố già nằm chèo queo một góc giường, trong nhà vắng ngắt, không có bóng bà vợ trẻ và cô con gái đâu. Bố anh ngày trẻ cao lớn lừng lững, đẹp trai lồng lộng, mà bây giờ chỉ là bộ xương hom hem, thoi thóp trong tấm chăn mỏng.

Biết con trai về, ông Đức cố gắng, nhưng không ngồi dậy được. Hùng ào đến ngồi xuống góc giường, nắm chặt bàn tay chỉ còn xương của bố: “Bố cứ nằm nghỉ. Con về thăm bố dài dài, bố không lo con vội đâu”. Rồi anh cố nói đùa: “Bao giờ bố khỏe, con đưa bố ra Hàng Điếu ăn bún bò giò heo cho đỡ nhớ”. Ông Đức cười, hàm răng rụng gần hết móm mém: “Món đó con thích từ hồi nhỏ. Bố giờ cắt gần hết dạ dày, không ăn được nữa rồi”. Dù bố cười, nhưng Hùng cảm thấy mình đã ôn kỷ niệm vui lại thành vô duyên. Hàm răng bố rụng hết thế mà bố không làm nổi một bộ hàm giả, vừa dễ ăn uống, vừa đẹp hơn. Nghĩ xót xa cho bố quá... Anh quay ra hỏi thăm cô Tính vợ trẻ của bố và con bé Hoa đi đâu mà nhà vắng vẻ vậy. Ông Đức trả lời qua quýt: “Cô ấy về bên nhà ngoại. Con Hoa là sinh viên nên nó ở trọ luôn gần trường. Chủ nhật nó mới ghé về một lúc”. Hùng ngạc nhiên: “Từ nhà mình đến trường em học chỉ hơn chục km, sao phải trọ?”. “Úi dào, nó đua chúng bạn. Không thích ở nhà với bố già, bạn nó trêu trông như ông nội nó”...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe câu chuyện của bố có vẻ buồn quá, Hùng quay sang hỏi bố ăn gì để con mua hoặc nấu? Ông Đức bảo anh nấu chút cháo thật loãng, vì bố chỉ mới uống được nước cháo và chút sữa, dạ dày giờ chỉ còn 1/3, bác sĩ bảo ăn nhiều bữa, dần dần mới tăng lượng lên sau. Hùng bắc nồi nấu cháo, lại hỏi bố là cô Tính và em có về ăn cơm thì để con nấu bữa tối, cả nhà cùng ăn cho vui. Bố anh bảo: “Chả có ai về ăn đâu. Con nấu cơm, bố ăn cháo, 2 bố con ta ăn với nhau là vui rồi”. Hùng nghe bố nói khá bình thản, nhưng anh cảm thấy có cái gì đó gợn gợn mà bố anh cố giấu. Anh cũng không muốn ông buồn, nên xoay qua kể chuyện cuộc sống của anh ở Đức. Tuy không giàu có gì, nhưng công việc mở hàng ăn của vợ chồng anh cũng đều đều và cuộc sống được đảm bảo.

Bố anh nghe kể chuyện một lúc thì ngủ thiếp đi với tiếng thở mệt nhọc. Hùng nhẹ nhàng rửa dọn bát đĩa. Lúc này anh mới quan sát thấy mọi thứ xung quanh đều mốc meo mốc thếch. Anh nhẹ nhàng đi lên các phòng trên tầng 2 tầng 3, đều bụi phủ. Điều này chứng tỏ cô Tính và cái Hoa chả quan tâm gì đến bố anh cả. Không ai chăm sóc, không ai lau dọn, chắc họ đã bỏ mặc ông từ lâu lắm rồi. Nhưng bố anh chưa bao giờ hé lời kêu ca nào với anh, chắc ông thương anh đã ở xa quê hương, cũng phải lo kiếm sống nuôi con cái ăn học, nên mỗi lần anh gọi điện về hỏi thăm thì ông vẫn nói mọi chuyện bình thường, mọi người đều khỏe cả. Gần đây, ông có ngỏ lời xin anh mua cho cái Hoa một đôi giày thể thao bên Đức, vì đã mua cho nó một đôi, nhưng đi được mấy hôm nó chê hàng nội, muốn hàng ngoại cơ. Hôm nay Hùng có đem theo đôi giày đó về cho em. Nó biết anh về nhưng vẫn ở lại nhà trọ với bạn bè, chả quan tâm đến ông anh cùng cha khác mẹ, Hùng thấy cũng hơi không vui. Nhưng nghĩ lại nó mới 20 tuổi, chấp làm gì.

Tuy thế, con gái anh ở Đức cũng mới 18 tuổi, nhưng biết bố chuẩn bị về thăm ông, liền gửi bao nhiêu là quà, thứ này biếu ông, thứ này biếu bà trẻ, thứ này tặng cô Hoa. Thế mà anh về, nhà “vắng như chùa bà Đanh”. Chả ai quan tâm đến việc anh về. Chắc chỉ có bố mong gặp anh. Và chắc cũng chỉ có anh chăm sóc ông, còn mẹ con cô vợ trẻ có lẽ đã bỏ rơi ông từ lâu rồi...

Nghĩ lại, 20 năm trước, khi bố anh đương chức, không may mẹ anh mất vì bạo bệnh, bố anh được bạn bè giới thiệu cho cô Tính, tuy kém bố anh đến 20 tuổi, nhưng cũng đã là “gái ế” vì xấp xỉ tuổi 40. Bố hỏi ý kiến Hùng, anh thấy mình ở xa cũng khó chăm sóc bố được khi tuổi già, mà nhiều lần đề nghị khi nghỉ hưu bố sang Đức sống với anh thì ông không nghe, vì vậy anh cũng tặc lưỡi “tùy bố”. Thực ra lúc đó bố anh vẫn thường qua lại với cô bạn gái cũ cũng góa chồng. Hùng mong 2 người thành đôi thì tốt bao nhiêu, vì họ thương nhau thực lòng từ hồi còn trẻ nhưng do hoàn cảnh chia cắt không lấy được nhau, về già ở cùng nhau thì rất hợp. Bà cũng là lớp cán bộ có học vấn, cuộc sống của bố anh sẽ vui hơn. Nhưng cô bạn của bố chỉ đồng ý 2 người qua lại, có thể ăn cơm, ngủ lại cùng nhau, nhưng bà có cháu nội cháu ngoại đông vui nên bà không muốn chính thức đăng ký hay cưới xin gì nữa. Bố anh thực sự lại cần một phụ nữ bên cạnh hàng ngày cho bớt hiu quạnh, nhất là còn ít năm nữa ông nghỉ hưu. Cô Tính thì ở vùng ngoại thành, tuy làm nông nhưng chưa có gia đình lần nào nên không vướng chuyện “con ông con tôi” vốn hay gây ra mâu thuẫn, chắc cô sẽ gắn bó, chăm sóc, chia sẻ với ông hơn.

Suy nghĩ vậy, nên ông Đức quyết cưới cô Tính. Cưới rồi, cô tha thiết có con chung. Hiềm nỗi, so với tuổi sinh đẻ thì tuổi cô cũng khá cao, ông Đức phải đưa vợ đi khắp đông tây y, chỗ nào có bác sĩ hay thầy lang giỏi, đều nhờ chẩn trị cho vợ. Bao nhiêu tiền bạc tiết kiệm trong đời công tác của ông bay vèo vèo. Cũng may, 2 năm sau cô sinh được cái Hoa. Hùng cũng như mọi người đều mừng cho cô và bố, vì ai cũng nghĩ có đứa con sẽ gắn kết hạnh phúc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng ông Đức không ngờ, sau khi sinh được đứa con, cô Tính đạt được mục tiêu của cuộc đời rồi, cô chỉ lo chăm con. Mà cô cũng đủ sướng rồi, vì lấy một ông chồng có lương, kể cả lương hưu, có tiết kiệm, còn có nhà và vài mảnh đất ông góp chung mua với bạn hữu, gọi là có “của ăn của để”. Nên cô Tính không còn phải chân lấm tay bùn cày cấy, chỉ việc nhận tiền lương của chồng và nuôi con. Lạ là, khi xác định rằng 2 mẹ con “ăn theo” vào khoản lương và các thu nhập có được từ ông chồng thì phải ra sức mà chăm cho ông, không hẳn là vì tình cảm, thì cũng vì ông là “cây tiền” cho cô rút chứ. Nhưng không, cô bỏ mặc ông chồng, muốn ăn tự nấu, muốn sạch tự dọn. Lúc mới nghỉ hưu, ông Đức còn trẻ khỏe, và cô vợ còn lo chửa đẻ, nuôi con nhỏ, thì đã đành. Nhưng sau này con bé lớn lên, đi học, ông phải đưa đón con cả học chính lẫn học thêm, nhưng việc nhà ông vẫn đảm đương tất, vì vợ ông chỉ làm những việc liên quan 2 mẹ con cô. Ông Đức vốn tính cũng thoáng và có sức khỏe, bản thân cũng tham gia Thiếu sinh quân từ nhỏ, nên ông không chấp nhặt, vẫn lặng lẽ làm, không kêu ca oán thán gì.

Nhưng sai lầm của ông Đức chính là ông không có phản ứng gì nên cái sai của vợ dần đã trở thành cái sai của con gái. Nó lớn một chút là đã học thói ăn chơi của mấy đứa con nhà buôn bán, mà đã ham ăn chơi thì ít ham học hành. Lắm hôm mẹ con nó dắt nhau đi mua những bộ áo quần lòe loẹt, kêu là “mốt”, ông thấy “ngứa mắt” nhưng góp ý thì bị cãi lại gay gắt, dần dà ông cũng tự kìm hãm bản thân, không ý kiến ý cò gì nữa cho bớt bực mình. Khi con gái mới ra đời, ông cũng mừng, nên đã mua một gói bảo hiểm nhân thọ, nộp phí mấy triệu một năm, để khi con tròn 18 tuổi thì đáo hạn, tặng cho con. Mấy triệu lúc đó cũng bằng cả tháng lương của ông chứ không ít, nhưng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái thì có bao giờ phải tính toán. Tiếc là khi nó mới 17 tuổi, nó đã đòi bố phải mua cho nó iphone đời mới nhất, ông bảo bố không có nhiều tiền như thế, nó nói ngay: “Con có bảo hiểm đó, bố vay tiền mua iphone xong khi nào được rút tiền thì bố trả người ta”. Con gái đã hư thế mà mẹ nó còn bĩu môi: “Bố mày ki bo với cả con gái thế, chứ làm gì mà không có tiền”. Ông Đức ngậm đắng nuốt cay đáp ứng iphone cho con gái, nhưng ông dặn con: “Điện thoại đắt tiền, ra đường dễ bị cướp, sẽ nguy hiểm tính mạng. Nên con tuyệt đối không được nghe điện lúc đi đường”.

Sau khi có iphone được ít lâu, con gái lại đòi mua xe SH. Ông Đức trố mắt: “Xe SH to kềnh càng, thanh niên trai tráng nó đi, chứ con gái đi gì? Vả lại nó hàng trăm triệu đấy!”. Con Hoa bảo: “Con mua SH Việt Nam lắp, chưa đến 100 đâu. Bố cứ mua rồi khi lấy được tiền bảo hiểm, bố trả nợ”. “Cái bảo hiểm đó có 80 triệu, mày đã mua iphone mấy chục triệu rồi! Mày cứ đẩy bố vào nợ nần mãi à? Mà mày đã đủ 18 tuổi đâu, ra đường Công an bắt đấy”. “Nợ thì bố bán bớt đất cát đi mà trả. Con chả sợ Công an bắt, bố không cần lo hộ”... Ông Đức im lặng, không nói lại nổi với vợ con. Ông im lặng bán đi mảnh đất chung với bạn, vừa mua xe SH cho con gái, vừa có chút gửi tiết kiệm chi tiêu cho cái gia đình 3 người.

Tất cả những đau khổ như vậy dồn nén, có lẽ thế nên ông Đức phát bệnh đau dạ dày. Ông cũng chán chả quan tâm gì đến bản thân như trước. Viêm loét lâu không chữa trị đến nơi đến chốn, nên khi bệnh quá nặng, ông nhập viện thì BS bảo phải cắt bỏ 2/3 dạ dày để tránh hậu quả xấu biến chứng về sau. Thấy tình hình nghiêm trọng quá, nên ông Đức mới alo cho con trai ở Đức, chứ ông cũng không muốn phiền lụy đến con. Vừa xa xôi mà thời covid đi lại cũng khó khăn. Nhưng bây giờ con trai ông đã về đây, anh cũng cần biết rõ tất cả để giúp bố. Ông Đức thở dài: “Giá như bố đừng đi bước nữa thì đã không làm khổ cho con”...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.