KHI ĐÀN ÔNG KHÓC

Chia sẻ

                   (Viết nhân ngày Đàn ông, 19/11)

Khi đàn ông khóc
Nước mắt lặn vào trong.
Tuy khóc không thành tiếng
Mà tim nhỏ máu hồng!

Khi đàn ông khóc
Nước mắt lặn vào trong
Tuy khóc không thành tiếng,
Mà sấm dậy bão giông!

Khi đàn ông khóc
Tiếng nấc ở trong tâm.
Tuy nấc không thành tiếng,
Mà vọng đến mênh mông!

Khi đàn ông khóc
Đàn bà biết hay không?

                                 24/11/2018
                                 NGUYỄN VĂN THU

VẪN TIN VÀO NƯỚC MẮT
Cách nay hơn 30 năm, tôi được xem một bộ phim của Liên – Xô, có tên Mat - xcơ- va vẫn tin vào nước mắt (Giải thưởng Điện ảnh Quốc tế Osca, 1985). Chuyện kể về ba cô gái từ tỉnh lẻ lên thủ đô lập nghiệp. Nhưng mỗi người có những ngã rẽ số phận không giống nhau, cũng chan đầy nước mắt, cay đắng ngọt bùi đủ cả. Thông điệp nghệ thuật của tác phẩm gửi đến khán giả: Hạnh phúc không bao giờ bày đặt sẵn cho bất kỳ ai, có nó rồi thì phải biết cách gìn giữ... Các nhân vật nữ trong phim đã hơn một lần gạt nước mắt, có khi cố giấu đi để sống, để mưu cầu hạnh phúc. Đàn bà khóc là thường tình như chuyện thường ngày ở huyện. Ai đó nói họ khóc vì yếu mềm, vì là phái không mạnh. Đúng có chỉ một nửa. Trong thời kỳ chiến tranh biết bao cô gái đã ra chiến trường cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chung. Đó là thời “Chia tay không rơi nước mắt/ Nước mắt dành cho ngày gặp mặt”, thực sự là những “Cuộc chia ly màu đỏ” (nhan đề một bài thơ của Nguyễn Mỹ).

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dễ thường trong cuộc sống đàn ông không bao giờ khóc chăng? Con người đâu phải là gỗ đá, dù là đàn ông. Chỉ có điều đàn ông ít khóc hơn đàn bà, nhưng khi đã khóc thì sự thể không còn đơn giản, tình thế không còn bình thường. Trong tác phẩm của Nam Cao (trước 1945) chúng ta nếu để tâm sẽ nhận ra khi nào nhân vật đàn ông khóc thì bi kịch xuất hiện (Chí Phèo, Lão Hạc...). Tôi có đọc thơ của phái nam không ít nhưng gặp một bài thơ Khi đàn ông khóc như của Nguyễn Văn Thu thì không nhiều, nếu không nói là hiếm hoi. Bài thơ vỏn vẹn có mười bốn câu (dòng). Nén chặt không thể nào chặt hơn, tiết chế không thể nào tiết chế hơn. Đọc thơ, cảm nhận về một người đàn ông rất can trường, nhẫn nhịn. Nhưng khi người ấy đã khóc thì... Tuy nhiên đàn ông có kiểu khóc khác đàn bà: “Khi đàn ông khóc/ Nước mắt lặn vào trong/ Tuy khóc không thành tiếng/ Mà sấm dậy bão giông”. Người đàn ông đang khóc già hay trẻ? Không thể trẻ được, cũng chưa quá già, có lẽ đang độ quá trung niên, trải qua ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”. Ở độ tuổi ấy họ mới biết kiềm chế cảm xúc để cho nước mắt lặn vào trong. Họ cố nén tiếng nấc để không thành tiếng (có thể ảnh hưởng đến người xung quanh). Nhưng sự kìm nén này cũng không thể xoa dịu được trạng thái “bão giông”, thậm chí “tim nhỏ máu hồng” của nỗi niềm. Chưa nói là một sự khủng hoảng hay bế tắc cao độ trong tâm cảm của người đàn ông. Nếu thế thì dễ rơi vào con đường cùng. Ở đây có thể là những may rủi, hoạn nạn đôi khi khó tránh trong cuộc đời (chuyện làm ăn, chuyện công tác, chuyện thăng tiến hay gia cảnh rối ren, hay tài chính bí bách...). Nhưng tôi đồ rằng, trong trường hợp này khi đàn ông khóc, có lẽ rơi vào trạng huống tinh thần nhiều hơn vật chất. Bởi vì: “Khi đàn ông khóc/ Tiếng nấc ở trong tâm/ Tuy nấc không thành tiếng/ Mà vọng đến mênh mông”. Nếu để ý sẽ thấy “tiếng nấc ở trong tâm” đã ánh phản, khúc xạ một trạng thái phải nói rất nặng nề khi “tâm” và “thân” trong người đàn ông không còn là khối hữu cơ thường thấy. Cuộc đấu tranh giữa “tâm” và “thân” ở mỗi người, nhất là với đàn ông, thường rất phức tạp, đôi khi rối ren. Khi một người đang trong bĩ cực, nếu bị cô lập, biệt lập thì tình trạng ngày càng xấu đi. Tôi cảm thấy, qua đọc thơ, người đàn ông này đang rất cô đơn, cô độc, vì hình như bên cạnh anh ta không có người thân thiết, đặng có thể chia sẻ: “Khi đàn ông khóc/ Đàn bà biết hay không?”. Câu thơ cuối là một câu hỏi lớn, không dễ có câu trả lời, nếu người đàn ông này không có tri âm tri kỷ. Nhưng sống trên đời đâu phải ai cũng dễ/ sẵn có tri âm tri kỷ! Có thể cất công tìm kiếm nhưng đôi khi vô vọng, cũng là chuyện thường tình. Bá Nha đâu phải lúc nào cũng có Tử Kỳ!

Bài thơ về tiếng khóc của người đàn ông gợi nên ở độc giả một nỗi niềm muốn được giãi bày, chia sẻ, cảm thông trong đời sống. Người ta nói nỗi buồn được chia sẻ sẽ giảm thiểu, niềm vui được san sẻ sẽ được nhân lên. Bài thơ không thể hiện trạng thái của một cá thể (đàn ông) nào mà là của giới mày râu. Đừng nghĩ họ là phái mạnh. Mạnh hay yếu cũng có lúc soán ngôi. Vì thế, khi đọc bài thơ Khi đàn ông khóc của tác giả Nguyễn Văn Thu, tôi thử ướm mình vào vị trí (vai) đó để xem xem sự thể như thế nào. Nghĩa làm một cuộc thí nghiệm/ trắc nghiệm tâm lý với những giả định/giả thuyết. Nghệ thuật luôn hướng tới “cái khả nhiên” (cái có thể xảy ra). Nghệ thuật (thơ) giúp chúng ta thêm kinh nghiệm/ cách thanh lọc tâm hồn là vì thế.

Hà Nội, 17/11/2020
Nhà văn Bùi Việt Thắng

Tin cùng chuyên mục

Mẹ già

Mẹ già

(PNTĐ) - Một năm trước, khi sắp kết thúc thời gian nghỉ sinh, Thoa bàn với chồng: “Mình thuê người trông con thêm đôi tháng. Em tính khi con được ngoài năm thì gửi con đi trẻ. Gần nhà mình cũng có địa điểm trông trẻ nhỏ anh ạ”.
Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

(PNTĐ) - Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.