Khi đứa trẻ đi trước mâm cau

Chia sẻ

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều nếp sinh hoạt và nhịp sống của mọi người, trong đó có cả việc cưới hỏi. Nhiều cặp đôi “không chờ được” tới ngày nới lỏng, “bình thường mới” nên đã “vượt rào”, có con trước ngày cưới, dẫn đến đám cưới có thêm cả thành viên nhí chứng kiến, tạo nên một trào lưu cưới hỏi mới trong giai đoạn dịch bệnh.

Bùng nổ những đám cưới “được cả trâu lẫn nghé”

Đang tổ chức đám cưới, cô dâu Quỳnh Trang (SN 1998, trú xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) bất ngờ chuyển dạ nên được xe hoa chở luôn đến viện để sinh con. Một bé trai kháu khỉnh chào đời đúng ngày cưới của bố mẹ.

Chồng của Quỳnh Trang, anh Xuân Thức kể rằng, cứ định tổ chức đám cưới thì dịch lại bùng phát phức tạp nên đành phải “nán” lại khi nào dịch ổn định mới tổ chức được. Vậy là sự kiện quan trọng nhất cuộc đời anh chị được tổ chức khi cô dâu đã gần đến ngày dự sinh. Nhưng họ cũng không nghĩ đến tình huống, em bé sẽ chào đời vào đúng ngày cưới của bố mẹ.

“Lúc đó mình bất ngờ quá. Mọi người lật đật chuẩn bị đồ áo lên xe hoa đi thẳng xuống bệnh viện. Đến bệnh viện, mọi người thấy đi xe hoa mà lại đi sinh con nên ai cũng ngạc nhiên”, chú rể Xuân Thức chia sẻ. Đến đêm cùng ngày, vợ anh Thức đau bụng dữ dội và chỉ ít giờ sau, một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh chào đời. Câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ nhận được nhiều sự chúc phúc của mọi người và cộng đồng mạng, rất hiếm những bình luận chỉ trích họ “ăn cơm trước kẻng”. Thay vào đó, nhiều người cho rằng, sự trùng hợp đáng yêu này chỉ đơn giản là do sự cố của dịch bệnh. Gia đình có thêm niềm vui mới, mẹ tròn con vuông, càng khẳng định thêm sự bền chặt của tổ ấm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyện cô dâu trở dạ ngay trong ngày cưới có thể là hi hữu, nhưng trong thời gian dịch bệnh, các cô dâu chú rể phải liên tục hoãn ngày cưới dẫn đến có bầu, thậm chí sinh con trước khi tổ chức lễ cưới, tổ chức đầy tháng cho con trước cả ngày cưới đã trở thành… bình thường. Nhiều chủ tiệm ảnh viện áo cưới xác nhận điều này. Anh Thái Học, quản lý một ảnh viện áo cưới trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy cho biết, các cô dâu bầu dưới bốn tháng bụng còn nhỏ không thống kê được, còn những cô dâu lộ bụng chiếm 1/3 lượng khách tìm đến ảnh viện trong tháng qua. Trên một nhóm facebook dành cho các cô dâu sắp cưới, chủ đề váy cưới bầu được quan tâm nhất. Có đến 1/3 số bình luận trong một bài viết về chủ đề váy cưới là ảnh của các cô dâu đang mang bầu.

Một xu hướng khác có lẽ hợp ý với người lớn trong nhà hơn, đó là để đỡ khó ăn nói với người ngoài về việc con mình “ăn cơm trước kẻng”, nhiều gia đình quyết định tổ chức đám cưới trong phạm vi nội bộ, giới hạn khách khứa, như một cách thông báo chính thức hai con trở thành vợ chồng, sau đó khi dịch bệnh ổn định, sẽ làm đám cưới quy mô lớn sau. Xu hướng này được gọi là intimate (đám cưới thân mật), với khách từ 20 đến dưới 100 người, thậm chí elopement (đám cưới bí mật) chỉ gồm dâu rể và chủ hôn. Giống như câu chuyện của Minh Hoa và Anh Tú (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Khác với nhiều gia đình, tin Hoa có bầu là một đại hỷ, bởi hai vợ chồng đã nhiều tuổi và bố mẹ hai bên đã thúc giục quá lâu rồi. Vì vậy, họ động viên đôi trẻ dọn về ở chung, tổ chức một buổi tiệc nhỏ để ăn hỏi, trao vàng, đón dâu, “du kích” thật nhanh theo yêu cầu phòng, chống dịch, và hứa hẹn chờ ngày em bé chào đời sẽ làm một lễ cưới thật hoành tráng.

Có xâm phạm, ảnh hưởng tới truyền thống?

Thực tế, không phải gia đình nào cũng thoải mái chấp nhận con dâu có bầu hoặc có con trước ngày cưới, vì nó đi ngược lại với những giá trị đã và đang tồn tại về chuyện cưới xin suốt thời gian qua. Theo lẽ thường, kết hôn rồi mới sinh con, nay đảo lộn hết cả, biết ăn nói thế nào với tổ tiên, làng xóm? Nhiều gia đình có suy nghĩ như vậy, nên giữa hai thế hệ mâu thuẫn trong việc tổ chức lễ cưới. Thậm chí, không ít gia đình cho rằng, khỏi phải tổ chức đám cưới nữa vì “chửa rồi, cần gì phải cưới!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, vấn đề “có bầu trước khi cưới” là điều rất bình thường trong sự phát triển cuộc sống. Ông không đánh đồng việc ủng hộ lối sống buông thả, có con trước khi cưới của giới trẻ ngày nay, tuy nhiên chúng ta phải nhìn những mặt tích cực của việc có con trước khi cưới. Nhất là khi ngày nay tỷ lệ vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ngày càng cao bởi những nguyên nhân chủ quan hay khách quan dẫn đến việc vô sinh. Thế nên trong xã hội hiện đại việc có con trước khi cưới là sự kết nối tình cảm, gắn liền với trách nhiệm của những cặp vợ chồng trẻ. Không ít đôi đã phải chia tay bởi vì sau khi cưới không có con, chịu áp lực rất nhiều từ gia đình và xã hội.

Nói về xu hướng “được cả trâu lẫn nghé” mùa dịch, vị chuyên gia này cho rằng, đó là điều tất yếu bởi lẽ nó hợp với tình hình thực tế và thích ứng an toàn của thời dịch bệnh.

Sinh con là quyền của mỗi người, không pháp luật nào quy định phải có hôn nhân hay đám cưới mới được sinh con. “Tuy nhiên, theo tôi, đám cưới có hoặc không, to hay nhỏ không quá quan trọng, nhưng để đi đến hôn nhân, bất cứ cặp đôi nào cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kinh tế, sức khỏe và tình cảm…”, ông cho biết.

Và hơn cả, khi một em bé sắp chào đời, rất cần một gia đình hạnh phúc và đầy đủ tình yêu thương của tất cả mọi người.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chấp nhận được, nhưng đừng dễ dãi!

Theo chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, những người cổ vũ cho quan hệ tình dục trước hôn nhân là một cực đoan, khi quá đà sẽ thành dễ dãi, buông thả. Những người cổ vũ giữ gìn trinh tiết cho đến ngày cưới lại cũng là một kiểu cực đoan mà khi “bám víu” vào tư tưởng này quá mức, sẽ biến mình thành cổ hủ, lạc hậu. Bởi vậy, tuỳ vào hoàn cảnh, quan điểm, sự tự chủ, trách nhiệm, nhận thức mỗi người mà lựa chọn quan điểm sao cho phù hợp. Mỗi quan điểm đều có cái hay riêng của nó, và nó phù hợp với từng người. Trong điều kiện dịch bệnh bị cản trở nhiều thứ, nếu đôi lứa yêu nhau thật lòng, thật sự muốn đến với nhau, thì chuyện “trót” lỡ mang bầu khi chưa kịp tổ chức đám cưới, cũng là điều hoàn toàn chấp nhận được, và gia đình nên xem đó là niềm vui.

Tuy nhiên, một thực tế vẫn đang diễn ra là giới trẻ bây giờ có phần dễ dãi về tình dục trước hôn nhân, điều này khiến nhiều bạn trẻ bị cuốn vào dòng xoáy thỏa mãn tình dục hơn là tìm kiếm và xây đắp một mối quan hệ tôn trọng, thấu hiểu, hòa hợp, tri kỉ với đối phương. Vì thế, chuyện “dính bầu” có khi không phải là kết tinh của tình yêu mà chỉ là một lần “nhỡ”. Điều này thật sự không có lợi cho họ khi kết hôn, bởi khi tình yêu chưa chín muồi. Mặt khác, vẫn có nhiều bậc cha mẹ muốn con cái đi theo lộ trình truyền thống “đám cưới - sinh con”. Nhiều cô gái vì lỡ dính bầu mà ở vào tình thế mất điểm trước nhà chồng vì mang tiếng “dễ dãi”.

Vì vậy, chỉ cần cả hai xác định và quyết định xây dựng hôn nhân dựa trên tình yêu thì lúc đó có con trước hay sau đám cưới đều không sao cả. Nhất là với các bạn nữ, dù chuyện gì xảy ra, hãy yêu và trân trọng bản thân mình trên hết!

HÂN CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.