Khi hôn nhân không “chính chủ”

BÙI VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) -Một lần, cả khu phố tôi đang nghỉ trưa thì bị đánh thức bởi tiếng huyên náo. Khi mọi người chạy ra thì thấy một chị gái mặt đỏ gay, miệng gào thảm thiết, tay đang kéo ông tổ trưởng dân phố lôi đi. Mọi người vây xung quanh vừa nói chen vào vừa hò hét, cười cợt hoặc rút điện thoại ra chụp ảnh…

 Thấy thế, tôi tóm lấy một ông bạn gần nhà hỏi chuyện: “Này, ông tổ trưởng khu phố mình gây chuyện gì à?”. Nghe xong, anh hàng xóm giãy nảy: “Ôi không, không phải mà là ông ấy sợ phải giải quyết vụ này lắm”. Tôi thắc mắc: “Sao lại sợ, có gì khuất tất ư? Cứ phân minh mọi việc”. Anh ta thấy tôi không hiểu bèn giảng giải: “Là cô ta kéo ông tổ trưởng đi bắt gian phu dâm phụ. Nhưng vấn đề là… có chính chủ đâu mà bắt. Cô này hơn cô kia là có hai con “vịt giời” thôi… hết!”. 

Khi hôn nhân không “chính chủ” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tưởng đó là chuyện hi hữu nhưng ai ngờ gần đây, thêm một lần nữa tôi lại được chứng kiến cảnh chị em uất ức vì “không chính chủ”. Trong cuộc sống vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều cuộc hôn nhân chỉ có đăng ký kết hôn mà thiếu đi tiệc cưới, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Cô dâu không được lên xe hoa cũng là điều đáng tiếc trong ngày trọng đại nhất cuộc đời, bạn bè không được đến nâng ly chúc mừng đôi trẻ. Tuy nhiên, về mặt pháp lý họ cũng đã tuân thủ pháp luật và có một hôn nhân hợp pháp. Nhưng ngược lại, không ít phụ nữ lại đang coi thường thủ tục này, họ coi tờ giấy đăng ký kết hôn không có giá trị bằng đứa con hay sự quyến rũ của mình. Lúc “cơm lành, canh ngọt” chẳng nói làm gì nhưng khi giữa hai người gặp chuyện chẳng lành như “nàng” sinh toàn “công chúa” gặp anh đầu óc phong kiến, ham con trai, chàng lô đề cờ bạc thì mọi giao ước tình cảm giữa hai bên đều trở lên vô nghĩa. Thay vào đó là cái lí lẽ bạc bẽo: Anh/cô có là gì của tôi đâu?

Dần dà tìm hiểu người viết mới thấy: Hóa ra, phụ nữ nghĩ về hôn nhân khá đơn giản và thường ít ngờ rằng mình mới chính là người yếu thế. Hôm rồi, Yến - cô hàng xóm nhà tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Những tưởng trên đời này người ta chỉ mất xe, mất đất vào tay người khác vì “không chính chủ” nhưng Yến lại mất cả chồng “hờ”.

Khi hôn nhân không “chính chủ” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chuyện là, ngày trước Yến là hoa khôi khiến khối anh lượn lờ tán tỉnh. Người chồng của cô cũng rất mực cưng chiều. Nhưng, từ ngày Yến sinh đứa con gái thứ hai, “oppa” đẹp trai của cô bắt đầu có biểu hiện chán bà chủ bếp bởi “món” mỡ bụng quá “ngấy”. Hơn nữa, trước khi tiến tới hôn nhân, họ có khoảng thời gian yêu quá ngắn, chưa đủ để có những sẻ chia ngọt bùi yêu thương gắn kết. Chồng của Yến vốn là con trai duy nhất của một gia đình khá giả, lại được cha mẹ nuông chiều từ bé và sống ích kỷ. Chán vợ, cậu ta tìm cách “phát tín hiệu” để tán tỉnh các cô gái trẻ và rồi đã có “hồi âm”. Ban đầu, họ còn giấu giếm lén lút, sau khi đã nắm chắc phần thắng, với nhà cửa, xe cộ được tình nhân cho, cô gái trẻ kia bắt đầu ngang nhiên khiêu khích Yến. 

Vốn là con gia đình buôn bán ở chợ, Yến cũng đâu phải tay vừa. Hết răn đe dọa nạt các kiểu cho đến khi không kìm chế được cô rủ bạn đến đánh ghen. Hành động thiếu kiểm soát ấy chẳng đi đến đâu bởi cả hai người phụ nữ đều là vợ hờ, bao tiền bạc, công sức chăm sóc của Yến đều như nước đổ lá khoai. Như người chơi cá độ sau một đêm mất trắng, Yến uất ức định nhảy cầu tự vẫn nhưng được người nhà biết và can ngăn. Những ngày sau đó cô sống trong trầm uất và đau khổ. Ai cũng thương Yến, sống vì gia đình, hết mực cưng chiều, chăm chút chồng con nhưng chẳng thể làm gì để lấy lại sự công bằng cho cô được.

Khi hôn nhân không “chính chủ” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Xung quanh chuyện của Yến cũng thật lắm ý kiến. Mấy người hàng xóm của tôi cho rằng cô bồ kia trơ trẽn, người lại nói rằng do Yến quá hiền, quá yếu kém trong nghệ thuật giữ chồng. Nhưng suy cho cùng, đằng sau sự thất bại của cuộc hôn nhân đó là sự không chính danh. Như người xưa từng lấy câu nói trong Nho giáo ra làm bài học “danh chính ngôn thuận” (danh có chính thì ngôn mới thuận), khi chưa có điều gì ràng buộc nhau, dù có thích thú, ham muốn đến đâu cũng chưa tạo ra mối quan hệ có tinh thần trách nhiệm giữa hai người được. Hay nói cách khác: Tờ đăng kí kết hôn là điều kiện cần cho mọi cuộc hôn nhân. 

Những bi kịch này cũng xuất phát từ lối sống của khá nhiều bạn gái trẻ hôm nay. Nhớ lại trước đây, Yến cũng từng được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng. Nhưng, mới học chưa xong cấp III, khi chưa đủ tuổi kết hôn, cô đã bỏ học theo anh chàng này với cái bụng sớm lùm lùm. Chính cách lựa chọn của Yến khiến cô mất đi vị thế trong hôn nhân vì cả ngày cô chỉ ở nhà chăm con, không đi làm. Khi cãi nhau, cô bị chồng hắt hủi: “Ai bảo ngày đó mày chạy theo tao?”. Ngẫm ra, vừa bực, vừa thương một cô gái như thế. Vừa không có sự ràng buộc về pháp lý vừa đánh mất vị thế trong cuộc sống.

Khi hôn nhân không “chính chủ” - ảnh 4
Ảnh minh họa

Quanh đi quẩn lại, hôn nhân chỉ có ngần ấy câu chuyện éo le mà để lại bao suy ngẫm, bao oan trái. Phụ nữ bao giờ cũng là những người chịu thiệt thòi trong hôn nhân nhưng bản thân họ nhiều khi cũng phải tự trách mình vì sự chủ quan, nhẹ dạ. Hơn ai hết, họ phải là người ý thức được sự nghiêm túc trong mối quan hệ này. Không biết sau những va vấp đó, có bao giờ họ tự hỏi: Mình đã làm gì sai để thất bại trong hôn nhân? Người viết tin rằng dù muộn còn hơn không, khi xây dựng hạnh phúc mới họ sẽ rút được bài học kinh nghiệm như thế để không bao giờ còn là người chịu thiệt thòi vì “không chính chủ”.

Suy cho cùng, mọi danh nghĩa thủ tục trong hôn nhân chỉ là yếu tố cần, để đủ cho một hạnh phúc còn cần rất nhiều điều. Nhưng, đó lại là yếu tố tiên quyết, là lớp “hàng rào” vô hình bảo vệ hạnh phúc của tổ ấm. Bởi lẽ, trong thời đại văn minh, con người không chỉ sống theo cảm xúc, cảm giác mà còn luôn phải tôn trọng luật pháp và sự công bằng cho tất cả chúng ta…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.