Khi mẹ chồng chăm lo quá mức

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vất vả chăm chút cho con, cháu từng bữa ăn giấc ngủ, nên khi nghe những lời con dâu nói bà Phượng rất buồn. Thế nhưng khi nghe ông Huân phân tích, bà hiểu ra mình cần phải thể hiện yêu thương đúng cách hơn.

Vốn là người quen bận rộn với công việc nên những ngày đầu mới nghỉ hưu bà Phượng cảm thấy khó chịu, buồn tay chân. Nếu như ông Huân tìm thú vui với những ván cờ cùng những người bạn trong câu lạc bộ hưu trí, thì bà Phượng chỉ quanh quẩn với dọn nhà, nấu ăn, còn lại thời gian rảnh ngồi xem tivi, nên mãi bà cũng thấy buồn chán.

Ông bà có hai người con đều đã lập gia đình. Cô con gái lấy chồng Sài Gòn, chỉ có dịp lễ Tết hoặc nghỉ hè mới cho cháu về chơi với ông bà. Còn anh con trai lớn thì ở thành phố, cách ông bà chưa đầy trăm cây số nhưng vì bận việc nên chẳng mấy khi về thăm nhà. Những lúc buồn, rảnh như thế này, bà Phượng lại ước chi có đứa cháu ở gần để chăm bẵm, bế bồng cho vui cửa, vui nhà.

Thỉnh thoảng, ông bà lại sắp xếp thời gian để lên chơi với cháu vài ngày rồi lại về quê, bà không muốn ở lại lâu vì sợ nhà chung cư chật chội. Sau khi bán mảnh đất ngoài thị trấn, ông bà cho con mỗi người một phần, một phần làm sổ tiết kiệm, còn lại bà bàn với ông mua một căn hộ nhỏ trên thành phố, gần với nhà con trai để dễ dàng đi lại và tiện chăm sóc các cháu. 

“Tôi nghĩ mãi rồi ông ạ, tiền để tôi và ông dưỡng già cũng ổn, lại còn lương hưu hàng tháng nữa. Nên trích một phần ra mua căn hộ ở gần vợ chồng thằng Nam để có gì còn giúp đỡ chúng nó. Chứ tôi thấy chúng bận quá, con cái suốt ngày đón về muộn, trong khi ông bà ở nhà thì chẳng có việc gì làm” - bà Phượng nói với ông Huân.

Ban đầu ông không đồng ý, bởi ông muốn cuộc sống thảnh thơi, thoải mái ở quê sau bao năm làm việc mệt nhọc. Thế nhưng, vì bà Phượng thuyết phục nhiều và nghĩ đến con cháu, cuối cùng ông đồng ý với quyết định của bà.

Từ ngày chuyển lên thành phố sống, lúc nào bà cũng bận rộn vì lo cơm nước, dọn dẹp cho cả nhà con trai, còn ông thì có trách nhiệm đi đón hai cháu mỗi buổi chiều. Con dâu gửi tiền hàng tháng để bà mua sắm, nấu nướng hàng ngày, vì thế sáng nào bà cũng đi chợ thật sớm để lo bữa sáng cho ông, rồi lại sang bên nhà để lo cho các cháu. Bà khéo nấu ăn lại hay đổi bữa nên nhìn nụ cười của cháu, bà Phượng quên hết mệt mỏi, lại có động lực để chăm chút nhiều hơn.

Khi mẹ chồng chăm lo quá mức - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngày trong tuần cũng như cuối tuần, bà đều sang nhà rất sớm, gọi con cháu dậy để ăn sáng. Bà đưa ra nguyên tắc “ăn phải đúng giờ, không nên ngủ nướng”. Lâu dần, điều này dường như làm con dâu bà không thoải mái, bởi cả tuần làm việc mệt mỏi, đến cuối tuần cô chỉ muốn nghỉ ngơi nhiều hơn, chứ không phải lại dậy chỉ để ăn sáng.

Hơn nữa, nhiều khi con dâu nhờ bà đổi thực đơn nhưng bà đều gạt đi vì cho rằng ăn nhiều món chiên, rán không tốt cho sức khỏe. Bà lên thực đơn theo ý mình, chủ yếu là các món luộc, hấp khiến cả nhà ăn mãi đều thấy ngán.

Một ngày cuối tuần nọ, bà Phượng mua lỉnh kỉnh đồ thực phẩm để đãi con cháu món phở bò. Bà đang cắm cúi chuẩn bị trong bếp thì con dâu từ trong phòng ngủ bước ra với vẻ mặt khó chịu: “Mẹ làm gì mà sáng sớm đã ồn ào vậy ạ? Ngày nghỉ bọn con muốn ngủ thêm chút nữa mà mẹ toàn đánh thức như vậy, mệt thực sự”.

Khi mẹ chồng chăm lo quá mức - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bà Phượng hơi bất ngờ vì thái độ của con dâu nhưng vì nhìn cháu đang háo hức chờ thưởng thức món phở bò nên bà đành nén tiếng thở dài để nấu cho các cháu ăn sáng. Sau đó, bà lặng lẽ dọn dẹp rồi ra về. Sáng hôm sau, bà không mua đồ ăn sáng nữa mà chỉ qua đưa chút đồ để ông bà về quê. Chưa kịp bước vào nhà thì bà thấy tiếng vợ chồng con trai đang nói vọng ra.

- Hôm qua em thái độ như vậy làm mẹ giận nên hôm nay không sang nữa đấy. Sướng không biết đường mà sướng. Dậy thì muộn, con cái ăn mì tôm vội vàng đi học, em nhìn xem như vậy có được không? - con trai bà gắt gỏng.

- Hôm nay em quên hẹn giờ nên dậy muộn thôi, còn trước đây không có bà em vẫn lo chu đáo hết. Còn hôm qua em nói có gì sai à? Em không thấy thoải mái vì ngày nghỉ cứ bị đánh thức dậy sớm. Hôm nào em sẽ gặp mẹ để nói rõ hơn về việc này. Với lại, việc bà nấu ăn, dọn dẹp giúp là tốt nhưng mà em cũng phải góp ý là bà nên thay đổi thực đơn, chứ mình ăn mà cứ theo ý bà thì không ổn. Giờ em cứ nhìn món luộc và hấp là sợ rồi đây này. Anh cũng thế mà sao anh không dám nói với mẹ?

Khi mẹ chồng chăm lo quá mức - ảnh 3
Ảnh minh họa

Bà Phượng nghe thấy cuộc nói chuyện của con trai và con dâu nên quay về nhà. Nhìn thái độ của bà, ông Huân đoán ngay ra được sự tình.

- Bà suy nghĩ làm cái gì. Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi bà không nghe. Bà giúp con thì chúng nó đỡ vất vả nhưng mà cũng chăm chút vừa thôi để nó có thời gian nghỉ ngơi riêng tư chứ. Đằng này ngày nghỉ bà cũng sang gọi dậy từ sáng sớm, muốn ăn gì bà cũng không cho. Nói thật, chỉ có tôi mới chịu được như vậy thôi - ông vừa cười vừa nói với bà.

- Mình mất công, mất sức lo cho chúng nó mà bị coi là làm phiền. Vậy từ giờ tôi không thèm quan tâm nữa - bà Phượng nói giọng giận dỗi.

- Không phải thế, các con, cháu vẫn cần có bà, chỉ có điều bà rút kinh nghiệm hai điều tôi vừa nói là hoàn hảo. Bây giờ chúng ta về quê mấy hôm, sau đó lên bà chỉ giúp ngày trong tuần, còn lại ngày nghỉ kệ chúng nó. Nấu ăn thì bà nấu đơn giản thôi, còn muốn đổi bữa thế nào thì cái Mai vào bếp mà làm. Chuyện chỉ có như vậy, đảm bảo là mẹ con sẽ thoải mái với nhau ngay thôi mà ông Huân ôn tồn tiếp lời.

Nghe chồng nói có lý, bà Phượng cũng gật gù thuận tình. Ông bà sau khi về quê còn đi du lịch hơn một tuần để thay đổi không khí. Bà nhận ra ngoài thời gian dành lo cho con cháu, cũng cần phải trải nghiệm những thú vui của tuổi già.

Bà Phượng về quê mấy hôm rồi gọi con trai với con dâu sang nhà nói chuyện. Bà nhẹ nhàng trải lòng và nhận lời xin lỗi của con dâu. Từ hôm đó, bà lại qua nhà nấu cơm cho con trai, con dâu và không khí gia đình trở nên thoải mái, vui vẻ vô cùng.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.