Khi nào có thể sinh con sau khi điều trị ung thư vú?
(PNTĐ) -Ung thư vú chủ yếu gặp ở phụ nữ với độ tuổi trung bình khoảng 45 tuổi. Tuy nhiên cũng có tỉ lệ ung thư vú ở tuổi trẻ, đặc biệt độ tuổi mắc bệnh ở các nước châu Á thường trẻ hơn các nước châu Âu và Mỹ.
Ung thư vú là gì?
Theo đó, ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước. Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi.
Khi có các đột biến gen xảy ra, hội tụ đủ các điều kiện đặc biệt để vượt qua được hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường. Đó là các khối u ác tính tại vú, hay còn gọi là ung thư vú.
Những tế bào này có khả năng xâm lấn vào mạch máu, mạch bạch huyết xung quanh và di chuyển đến những vùng xa vị trí khối u ban đầu, tạo ra các khối di căn.
Với bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi sau điều trị, câu hỏi thường gặp về việc có thể sinh con không? Việc sinh con có làm tăng tỷ lệ tái phát? Thời điểm nào là hợp lý để sinh con và các thuốc nội tiết đang điều trị có thể ảnh hưởng đến con không?
Ung thư vú sau điều trị vẫn có thể sinh con
Đối với bệnh nhân ung thư vú, việc điều trị có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của bệnh nhân. Ví dụ thuốc hóa chất có thể làm suy giảm chức năng buồng trứng, các biện pháp điều trị như ức chế buồng trứng, thuốc nội tiết kéo dài 5 năm có thể ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng cũng như quá tuổi sinh sản.
Tuy nhiên nhiều bệnh nhân ung thư vú sau điều trị vẫn có thể sinh con. Nếu bệnh nhân có nguyện vọng muốn sinh con sau điều trị, cần thông báo với bác sĩ điều trị để có phương án điều trị hợp lý bảo vệ tối đa chức năng buồng trứng.
Khoảng 30% bệnh nhân ung thư vú sẽ tái phát trong vòng 15 năm sau điều trị, và khoảng thời gian tái phát thường gặp nhất là trong 5 năm đầu, đặc biệt năm đầu sau kết thúc điều trị. Vì vậy các chuyên gia khuyên bệnh nhân nên đợi ít nhất 2 năm sau điều trị để theo dõi bệnh có tái phát hay không trước khi quyết định sinh con.
Việc có thai, sinh con trong khi bệnh tái phát không những ảnh hưởng tới việc lựa chọn các phương pháp điều trị hợp lý mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề tâm lý, xã hội, vì với bệnh nhân ung thư vú di căn, hiện chưa thể chữa khỏi, mục đích điều trị là kéo dài thời gian sống và việc điều trị thường kéo dài liên tục.
Điều trị ung thư vú khi mang thai như thế nào?
Các phương pháp điều trị hóa trị, điều trị đích, thuốc nội tiết đều gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Vì vậy nếu bệnh nhân có ý định sinh con, cần thông báo với bác sĩ điều trị để có hướng điều trị hợp lý, và cần dừng các thuốc điều trị nội tiết ít nhất 3 tháng trước khi có thai.
Đa số các thuốc điều trị ung thư vú đều được khuyến cáo không được tiếp tục sử dụng khi cho con bú. Vì vậy nếu bệnh nhân đang cho con bú mà điều trị ung thư thì cần thông báo với bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc có thai hay cho con bú không ảnh hưởng tới việc tăng khả năng tái phát bệnh ung thư. Cũng không có bằng chứng cho thấy các trẻ em được những bệnh nhân ung thư vú sinh ra có bất thường về tỷ lệ tử vong cũng như dị tật.
Vì vậy bệnh nhân ung thư vú có thể sinh con sau khi điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân cần được sự tư vấn, theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên về ung thư trước khi có ý định có thai, trong và sau quá trình sinh con.