Khi người phụ nữ chấp nhận hy sinh

Chia sẻ

Người ta nói, trong cuộc sống, nếu phía trước có hai con đường, một sáng, một tối, thì người khôn ngoan sẽ chọn con đường sáng để đi. Tuy nhiên, nếu phía trước chỉ có những con đường tối, gập ghềnh, lầy lội, thì người khôn ngoan nên chọn con đường đỡ tối nhất để bước tiếp.

Điều này thật đúng trong câu chuyện của người phụ nữ ấy, người đã đến văn phòng tư vấn tâm lý trong một ngày gần đây.

Chị sinh ra, lớn lên, đã thấy chung quanh mình nào bàn ghế, giường tủ khảm trai, sập gụ tủ chè và đủ các loại… đồ gỗ mỹ nghệ khác. Chị cũng giống như nhiều bạn gái ở làng nghề, không được bố mẹ cho học lên cao, bởi học xong cũng chỉ lấy chồng và rồi lại nối tiếp làm nghề truyền thống của gia đình mình hoặc gia đình bên chồng. Chị lấy chồng năm 19 tuổi, về làm dâu út trong một gia đình có 5 anh em trai. Gia đình chồng cũng giống gia đình chị, cũng vừa sản xuất, vừa kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, nên cuộc sống sau lấy chồng cũng không có gì là bỡ ngỡ, chỉ là chuyển chỗ ở từ nhà mình sang nhà chồng, với khoảng cách hơn một cây số.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm năm đầu, cuộc sống vợ chồng diễn ra êm ả. Bố mẹ chồng cho ăn riêng, tạo điều kiện để có cửa hàng kinh doanh riêng, nên kinh tế cũng ổn định. Hai mươi năm trước, kinh tế xã hội bắt đầu phát triển. Những gia đình khá giả bắt đầu lựa chọn những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ để dùng và trang trí cho ngôi nhà của mình. Nhà anh chị vừa tự sản xuất, thuê thợ về làm tại nhà, rồi đem lên Hà Nội ký gửi vào các cửa hàng đồ gỗ. Cũng có những khách đến tận nơi chứng kiến cách sản xuất, rồi đặt làm theo yêu cầu. Năm năm mà chị sinh liền hai đứa con, một mình anh xoay sở, vậy mà kinh tế gia đình vẫn ổn, có của ăn, của để, có tiền đầu tư thêm cho sản xuất, lại có một vài trăm triệu gửi tiết kiệm phòng khi khó khăn…

Từ năm thứ sáu, khi con cái đã lớn, chị gửi con đi nhà trẻ, mẫu giáo ở làng, rồi cũng lao vào làm ăn với chồng. Chị vốn tháo vát, nên nhanh chóng nắm tay hòm chìa khoá, tính toán mọi nguồn thu chi, lỗ lãi. Anh được rảnh đôi chút, tham gia chủ yếu vào khâu chào hàng đi các tỉnh và… đòi nợ khi có khách chây lì, chậm trả.

Bẵng đi vài năm. Đùng một cái, có một nhóm người ăn mặc hầm hố, mũ cối, kính đen, đi xe phân khối lớn từ đâu đó đến nhà chị thông báo: Chồng chị vay lãi hơn một tỉ, đã đến ngày phải trả mà anh ấy không có khả năng trả, nên gia đình liệu thu xếp trả thay anh ấy, nếu không sẽ bị tịch thu nhà, xưởng và giữ người để “giải quyết”. Chị sững người, tưởng người ta nhầm vì chồng chị vốn không phải là người chơi lô đề, cờ bạc, cá độ để đến mức phải nợ nần nhiều như vậy. Nhưng khi người ta đưa ra những tờ giấy vay nợ do chính tay chồng chị viết và ký, chị mới tin. Tuy nhiên, chị nói những người đến đòi nợ hãy cứ về, để chị trao đổi với chồng và gia đình, để nắm rõ sự tình, rồi sẽ hẹn họ đến “làm việc” sau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tối hôm đó có cuộc họp gia đình, gồm bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ của chị, 4 ông anh trai và vợ chồng chị. Trước toàn thể gia đình, anh thú nhận có chơi lô đề, cá độ, đầu tiên chơi nhỏ, sau chơi lớn dần, đầu tiên cũng được, sau chỉ có thua. Lúc đầu anh chỉ chơi cò con bằng tiền “rút lõi” của vợ, sau phải vay mới đủ tiền “chơi quả lớn”. Khi đã chơi, thua lại càng hăng hái muốn chơi tiếp để gỡ gạc. Có hôm anh đã vay cả trăm triệu để đặt vào một con đề mà anh đã “kết”, nhưng cuối cùng cũng trượt. Tiền vay của nhiều mối, nhiều lần khác nhau và rải rác trong gần ba năm rồi. Con số hơn một tỉ là đúng, đó là chưa kể vay của bạn bè, anh em với số tiền mỗi người chỉ vài chục triệu. Bố mẹ đẻ chị chỉ khóc, thương con rể, con gái sẽ phải còng lưng trả nợ. Bố mẹ chồng vừa chửi, vừa lao vào đánh chồng chị vì ông bà vừa xót của, vừa thất vọng vì trong 5 anh con trai, có mỗi chồng chị vướng vào chuyện này, còn 4 anh lớn đều chăm chỉ làm ăn, ai cũng khá giả, sống đơn giản, lương thiện. Mấy ông anh trai mắng em vài câu, rồi kết luận “ngu thì chết”. Mọi người cũng tuyên bố, anh em chỉ giúp nhau khi khó khăn, ốm đau, bệnh tật hoặc làm ăn thua lỗ, chứ chuyện lô đề, cờ bạc, vay nợ… không ai giúp được, vợ chồng tự giải quyết.

Khi được mọi người “trao quyền tự quyết”, chị đã suy nghĩ một tuần, không cần tham khảo ý kiến của ai, quyết định sẽ bán nhà, thu hồi vốn, trả nợ cho chồng, còn bao nhiêu đưa nhau vào Nam “bắt đầu lại từ đầu”. Nơi anh chị lựa chọn là Kon Tum, nghề anh chị lựa chọn vẫn là nghề “gia truyền”. Tuy nhiên, anh chị cũng điều chỉnh mặt hàng, chất liệu gỗ... cho phù hợp với người sử dụng miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam. Thấy vợ xử lý tình huống đẹp, không mắng chửi mình nhiều, nên chồng chị rất nể vợ, chăm chỉ làm ăn, vợ bảo gì nghe ấy. Hai đứa con, một trai một gái khoẻ mạnh, học chăm. Chuyện quá khứ được chôn vùi, coi như một bài học để chồng chị quyết tâm sống tử tế, làm lại từ đầu, gây dựng lại từ hai bàn tay trắng ở một miền đất mới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi đứa con trai lớn của anh chị vào học cấp ba, chị bắt đầu phát hiện anh có mối quan hệ bên ngoài. Chị nói thì anh cãi rằng đó chỉ là mối quan hệ làm ăn, mối quan hệ khách hàng. Chị nhắc anh sống sao cho đúng với lương tâm, đừng để con nó biết, nó khinh. Anh hứa. Được một thời gian chị được người ta mách rằng anh có cặp bồ với một người phụ nữ đã bỏ chồng. Lần theo địa chỉ mọi người cho, chị tìm đến nhà, gặp người phụ nữ kia, cố gắng bình tĩnh để nói chuyện “như hai người phụ nữ”. Chị sẽ nghĩ rằng nếu người phụ nữ ấy phủ nhận hay cãi, chị sẽ thấy nhẹ lòng vì mình nhầm lẫn, nghi oan cho chồng. Nhưng không, chị ấy kể hết tất cả. Người phụ nữ ấy thú nhận yêu chồng chị, anh cũng có tình cảm với chị ta, hai người rất hợp nhau. Người phụ nữ ấy tuyên bố cũng sẽ không lấy anh ấy, bởi chị ta cũng đã từng có chồng, có con và đã chán đàn ông lắm rồi. Tuy nhiên, khi gặp chồng chị, anh ấy đã làm cho chị ta thích thú, nên quyết tâm sẽ phải có anh ấy “cho đỡ buồn”. Chị ta cũng nói thẳng chị ta không cần tiền, nên chị không phải lo anh ấy lấy tiền cho gái, chị ta chỉ cần anh ấy tuần vài lần, rồi lại thả cho anh ấy về với gia đình.

Tối đó, chị và anh lại có cuộc họp riêng, không để cho các con biết. Chị kể về nội dung cuộc gặp gỡ hôm nay với người phụ nữ mà anh “đầu gối tay ấp” trong bao lâu nay. Anh thú nhận có tình cảm với chị ta, ở bên chị ta anh thấy hăng hái, vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, anh cũng bảo không chê trách gì vợ, vẫn yêu thương các con. Anh nói sẽ không bỏ bên nào, anh cần cả hai, để cuộc sống đầy đặn hơn. Chị đồng ý hay không cũng sẽ như vậy. Chị nấc lên một tiếng, nhưng cố không khóc. Chị bảo, được, anh thích thế nào sẽ được thế ấy.

Nửa tháng sau, đúng dịp các con đã được nghỉ hè, chị lại “khăn gói quả mướp”, dắt hai con trở lại quê nhà ở ngoài Bắc. Chị nói với các con trong đó làm ăn đã khó khăn, nên chỉ để bố ở lại kiếm tiền. Hơn nữa ông bà nội ngoại đều đã già, yếu, cần con cháu ở gần gũi, tiện chăm sóc, trông nom. Đặc biệt, ở ngoài quê dạo này cũng dễ làm ăn… Chị tưởng các con không biết gì, sẽ tin chị, nhưng cậu con trai đã lớn, hiểu biết, nó biết lý do mẹ rời xa bố, nhưng ủng hộ quyết định của mẹ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị về Bắc được ít lâu thì đơn phương làm đơn ly hôn. Trong đơn, chị nêu rõ hôn nhân không còn hạnh phúc, chồng đã thay lòng đổi dạ, nhưng vẫn muốn “một bến hai thuyền”. Chị không chấp nhận cuộc sống chồng chung ấy. Bởi về lý, đó là cuộc sống vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình. Và chị cũng không muốn mình biến thành “đồng phạm” trong việc vi phạm pháp luật ấy, chỉ cố gắng giữ vỏ gia đình trống rỗng. Về tình, chị không muốn các con lớn lên bị ảnh hưởng bởi cuộc sống “một bến hai thuyền đó”. Con trai chị sẽ bị ảnh hưởng lối sống đa thê, vi phạm pháp luật của bố nó, còn con gái sẽ bị ảnh hưởng mà cam chịu kiếp sống chồng chung. Vòng quay bất hạnh đó sẽ lặp lại, tương lai của các con chị cứ thế chôn vùi trong cuộc sống hôn nhân bế tắc. Nếu chị chọn cách chấm dứt hôn nhân, các con lớn lên sẽ hiểu và có cái nhìn đúng đắn về hạnh phúc, tôn trọng bạn đời.

Đúng như chị dự đoán, từ khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy, cuộc sống của chị không còn quẩn quanh bế tắc. Điều làm chị an lòng nhất là hai đứa con bình yên lớn lên và học hành, thành đạt, hiếu thảo với đấng sinh thành. 

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.