Khi “tục ngữ” bị dung tục

Chia sẻ

Kho tàng thành ngữ, tục ngữ và những lời răn dạy của các thế hệ cha ông để lại cho con cháu chúng ta phong phú vô cùng. Phần lớn trong đó là những kinh nghiệm sống, những điều tai nghe mắt thấy, trải qua hàng trăm (thậm chí hàng nghìn năm) mài giũa để gói gọn lại trong vài câu từ hàm súc.

Chỉ đáng tiếc, ngày nay, trong nhịp sống hiện đại, người ta đang phớt lờ đi những giá trị đích thực, những hàm ý chân thiện mỹ mà các cụ đã cố gắng gửi gắm, khiến các câu tục ngữ bị hiểu sai lệch hẳn đi với ý nghĩa ban đầu. 

Chắc hẳn phần đông trong chúng ta đều không lạ gì câu nói thuộc hàng kinh điển ”Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Cũng như những câu tục ngữ hay thành ngữ khác, thật khó để nói chính xác thời điểm ra đời hay tác giả cụ thể của phép so sánh đầy ẩn dụ này. Dù vậy, mọi người đều đồng ý với quan điểm đây là một câu khẳng định với ý nghĩa: Hoa thì để hái, mà gái thì tất nhiên để trêu.

Không chỉ cánh đàn ông dùng để bao biện cho hành động không hề đẹp mắt của mình, mà ngay cả hội chị em cũng bảo nhau: Thôi, làm gái mà, cứ cho chúng nó trêu đi. Nếu như hai câu này là của giới trẻ thời hiện đại “chém” cho vui nhằm mục đích giao lưu trên mạng xã hội, thì thôi cũng đành nhắm mắt cho qua. Nhưng nếu thực chất đây là trí tuệ người xưa, thì lẽ nào các cụ nhà ta lại ”nông cạn” đến thế? Không, đây không phải là câu khẳng định, mà ta phải hiểu đúng tinh thần, rằng đây là hai câu cảm thán, mang ý nghĩa thực tế rằng: “Thương thay cho hoa khi bị người ta hái, đáng thương cho cánh phụ nữ bị người ta trêu” (mà không phản kháng lại được, mà không có ai bảo vệ, không có ai đứng ra lấy lại công đạo cho mình). Để tiện cho các cháu học sinh nhỏ cũng có thể hiểu được, tôi xin được phép viết lại câu này đi kèm với dấu chấm than để làm nổi bật tính cảm thán của đoạn văn bản như sau:

“Làm hoa cho người ta hái! Làm gái cho người ta trêu!”

Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng nhiều lần đề cập đến thân phận người phụ nữ trong những tác phẩm của mình, nổi tiếng nhất có lẽ là hai câu: “Đau đớn thay phận đàn bà – Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”. Thời xưa, khi những giá trị của người phụ nữ ít được coi trọng, nhiều khi chỉ bị coi như những món đồ, thì câu thơ trên tưởng như là một câu khẳng định vô tình, nhưng thực chất lại mang hàm ý cảm thông sâu sắc.

Khi “tục ngữ” bị dung tục - ảnh 1

Một câu ca dao khác cũng quen thuộc không kém và vẫn đang được trích dẫn hàng ngày hàng giờ qua hàng trăm những kênh thông tin đại chúng, khắp cửa miệng người đời, nhất là mấy anh chồng vẫn hay ngâm nga: “Dạy con từ thuở còn thơ – Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.

Công bằng mà nói, thì mấy anh đàn ông vẫn hiểu đúng vế đầu tiên: “dạy con” ở đây đúng là “dạy” theo nghĩa chỉ dạy, răn dạy theo chuẩn sư phạm, vì trẻ con phải được dạy dỗ, chỉ bảo cái đúng cái sai, phải uốn nắn nề nếp gia phong, và điều này phải được thực hiện từ sớm, từ lúc ”còn thơ” để đưa trẻ vào khuôn phép. Tuy nhiên, vế thứ hai ”Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, thì chữ ”dạy” ở đây không mang ý nghĩa dạy kiểu thầy - trò. Để hiểu đúng, ta phải nhìn ngược lại bối cảnh xã hội thời xưa, thời điểm ra đời của câu cao dao này: Ngày ấy, con gái sau khi lấy chồng sẽ về ăn ở sinh hoạt tại nhà chồng và được coi như một thành viên trong gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc vai trò của người chồng rất quan trọng, khi anh ta sẽ phải hướng dẫn, giúp đỡ vợ mình hòa nhập với cuộc sống mới tại một nơi xa lạ.

Cô con dâu sẽ phải học cách nấu ăn hợp khẩu vị với cả nhà, phụng dưỡng bố mẹ chồng, chăm lo cho các thành viên trong gia đình, chưa kể các dịp lễ Tết giỗ chạp phải biết chào hỏi họ hàng, nấu cơm soạn cỗ. Nói chung là đủ thứ việc. Thế nên, “dạy vợ” ở đây mang hàm ý đồng hành, giúp người vợ nhanh chóng hòa nhập, tránh cảm giác “bơ vơ” khi một thân một mình đến ở gia đình mới. Trong văn hóa công sở xã hội hiện đại, điều này cũng tương tự việc các nhân viên cũ sẽ giúp đỡ một nhân viên mới gia nhập làm quen với công việc và môi trường mới. Tóm lại, ý nghĩa của câu ca dao ”Dạy con và dạy vợ” ở trên muốn nhấn mạnh đến những vai trò, trách nhiệm của người chồng, người cha, người đàn ông trụ cột của gia đình: Vừa phải biết dạy con cư xử, biết điều hay lẽ phải, vừa phải chăm sóc, là chỗ dựa cho vợ trong gia đình, chứ không như nhiều ông vẫn cố tình hiểu theo nghĩa “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” rồi cứ bô bô là các cụ nói thế.

Hai câu ca dao tục ngữ nói trên mới chỉ là những ví dụ rất nhỏ trong hàng chục hàng trăm những điều vô lí vẫn đang tồn tại. Có những thứ chúng ta đã biết nhưng không cải thiện được, nhưng cũng có những điều ta đang cổ xúy việc hiểu sai, hiểu lệch theo kiểu bao biện. Chỉ mong rằng, thế hệ ngày nay có thể hiểu đúng những lời thâm thuý từ ca dao, tục ngữ ngàn năm của dân tộc cũng là một cách “học” những điều hay, lẽ phải đúng đắn ở đời.

Ca Ca

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.