Khổ sở vì chồng “nghiện” điện thoại

Công Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tuấn - chồng Dương hội tụ gần như tất cả đức tính tốt đẹp của một ông chồng mẫu mực, chỉ duy nhất một điều không chấp nhận được: Anh nghiện điện thoại tới mức khủng khiếp!

Một ngày của Tuấn bắt đầu bằng việc nhìn vào điện thoại, và trước khi đi vào giấc ngủ, mắt anh cũng chỉ dán vào chiếc điện thoại ấy. Dương nghĩ, chồng cô xem điện thoại như một thứ thuốc trợ… thở, mà nếu không có nó thì Tuấn sẽ ngừng thở luôn. Đến nay, sau 5 năm yêu và cưới nhau, rồi có cô con gái 3 tuổi, đi làm về đến nhà là đều như vắt chanh, Tuấn cắm mặt vào điện thoại. Vợ con, bố mẹ và mọi thứ xung quanh lúc ấy chỉ là... phù du. Đi lấy quần áo để tắm, anh cũng cầm điện thoại. Vào nhà tắm cũng không nỡ rời điện thoại. Nếu có phụ vợ cơm nước thì cũng vừa nấu, vừa xem điện thoại. Bữa cơm nào chỉ có hai vợ chồng ở nhà thì vừa ăn, Tuấn vừa lướt lướt, còn lúc nào có bố mẹ cùng ăn thì anh chỉ nhanh nhanh chóng chóng ăn xong để xem điện thoại ngay. Thậm chí, khi Dương nhờ chồng trông con, Tuấn không ngần ngại vứt cho con cái ipad để mình rảnh rang… xem điện thoại.

Lắm lúc, Dương nghĩ, nếu bây giờ cô giấu chiếc sạc pin đi, thì đời Tuấn chắc sẽ khổ sở lắm, vì hết pin, không có điện thoại anh bảo sống bằng cái gì? Nhưng Dương lại nghĩ, để không phải khốn khổ vì thiếu điện thoại, biết đâu Tuấn sẽ chạy ngay ra cửa hàng bán điện thoại để mua một con máy mới về dùng luôn cũng nên! Chán cái cảnh đó lại làm Dương nhớ về những ngày xưa, khi cô “không hiểu ăn phải bùa mê thuốc lú” gì mà vẫn quyết tâm theo Tuấn về làm vợ. Nhưng, đúng là ngoài cái tật nghiện điện thoại kia ra, còn lại, Tuấn đều toàn điểm tốt.

Anh luôn ủng hộ những việc vợ làm, kể cả lúc hai vợ chồng túng tiền, anh không ngần ngại là người đi vay rồi lăn ra làm để trả nợ, không để vợ phải ngỏ lời vay ai. Ngoài ra, Tuấn cũng rất được lòng nhà vợ. Anh biết hỏi han, quan tâm bố mẹ Dương và những người thân của cô. Nhưng - lại là nhưng - dù có bao biện thế nào thì tật nghiện điện thoại kia của anh cũng khiến cô điên đầu suốt mấy năm trời mà không tài nào tìm ra cách cứu vãn!

Không thể đếm nổi bao nhiêu lần Dương nhắc nhở chồng, nhẹ nhàng có, tâm sự có, bực tức lớn giọng cũng có, trách móc có và đến cả nhờ bố mẹ chồng nói hộ, Dương cũng đã làm rồi. Có nhiều lần bố chồng Dương quát Tuấn và nói rất khó nghe nhưng đâu vẫn vào đấy, Tuấn không sửa được. Những lúc bị cuốn vào công việc, con cái, Dương tập xem thói hư đó của chồng như một thói quen, rồi nhắm mắt cho qua, coi như bình thường. Vậy mà Tuấn đâu có hiểu được, đã vậy tình trạng nghiện điện thoại ngày càng nghiêm trọng. Dương rất muốn “cứu” chồng nhưng bất lực, khiến cô buồn bực.

Khổ sở vì chồng “nghiện” điện thoại  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hậu quả thấy rõ là đã lâu rồi Dương không nhận được chút quan tâm nào từ chồng. Vợ chồng Dương cũng không nhớ là từ khi nào, không còn tâm sự hay chuyện trò với nhau nhiều nữa. Ban ngày cả hai cùng đi làm. Dương còn bận hơn Tuấn vì quãng đường cô đi - về đến gần 50 cây số. Về tới nhà, chưa kịp nghỉ ngơi thì đã phải lo cho con cái, đã vậy cái điện thoại còn làm tiểu tam chiếm hết thời gian của chồng cô. Có chồng bên cạnh, mà nhiều khi Dương và con toàn tự chơi với nhau, coi như không có mặt bố ở bên.

Dương chơi cùng con cả những trò mà nhẽ ra, nó dành cho Tuấn. Dạy con học cũng chỉ có mình Dương. Có lúc, cô xin chồng “em chỉ mong anh dành ra 30 phút mỗi tối để chơi với con thôi, còn em không cần gì cả!”. Nhưng Tuấn không làm được.

Không hiểu vì sao cái điện thoại - một thứ vô tri vô giác lại có thể “cướp” chồng mình một cách ngoạn mục như thế, Dương trước giờ chưa từng đụng chạm vào đồ cá nhân của chồng, nay quyết định lén xem chồng mình thực chất đang bị u mê vì cái gì.

Cô chờ mãi, chờ mãi, đúng 2 giờ sáng chồng cô mới chịu ngủ, tay cầm điện thoại buông ra, chiếc điện thoại rơi đánh “cạch” xuống sàn nhà. Chờ thêm một lúc nữa để chắc chắn chồng ngủ say, Dương mày mò tìm vào facebook, zalo của chồng, những mạng xã hội mà ngày ngày vô tình nhìn thoáng qua, cô vẫn thấy chồng mình năng vào đó nhất. Facebook không có gì đặc biệt, chỉ toàn tin nhắn quảng cáo game, nhưng zalo mới là nơi con người thật của Tuấn được phơi bày.

Khổ sở vì chồng “nghiện” điện thoại  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tuấn có một nhóm chat gồm anh và 3 người bạn nữa. Dương từng gặp những người bạn này rồi. Họ lập nhóm chat, đặt tên là “Sống thật trong sạch” (Dương nghĩ bụng, đúng là chém gió, sạch cái nỗi gì). Đúng như cô nghĩ thật, mở nhóm chat ra, điều đầu tiên đập vào mắt Dương là hình một cô gái ăn mặc cực kỳ thiếu vải! Dương lướt tin nhắn từ dưới lên trên. Có rất, rất nhiều tin nhắn. Nhưng tất cả chỉ có duy nhất một nội dung: Chê vợ, và bàn về gái gú!

Dương sững sờ, rồi thất vọng hoàn toàn. Hóa ra, thứ mà chồng cô đam mê tới mức bỏ bê, vợ con để nhất nhất quan tâm chỉ tầm thường đến thế. Trong khi rất lâu rồi, Tuấn chưa từng khen vợ, động viên vợ, thì trong nhóm chat, anh rất năng nổ: “Em này xinh đấy”, “10 điểm”, “phải mục sở thị thì mới biết được”… Như một bầy thú háu đói, Dương chẳng nghĩ được gì hơn về chồng và bạn của chồng.

Nhưng biết làm thế nào để kéo chồng ra khỏi vũng lầy này đây - Dương day dứt, khổ sở. Cô vẫn còn yêu chồng lắm chứ. Đúng lúc ấy, một chuyện lớn bất ngờ xảy ra. Con gái Dương bỗng có dấu hiệu hay cáu bẳn, chỉ thích xem điện thoại, ipad, không được xem là quấy khóc, không chịu ăn, đạp đổ đồ ăn khi được đút. Không chỉ vậy, cháu còn đảo mắt, nháy mắt liên tục. Dương nghĩ có lẽ những biểu hiện này đã có từ lâu, nhưng tới bây giờ nó mới hiển hiện rõ và tần suất nhiều như thế.

Khổ sở vì chồng “nghiện” điện thoại  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán con gái Dương có dấu hiệu của tự kỷ, vì xem điện thoại quá nhiều. Không cần biết bệnh có nặng hay không, chỉ cần nghe tới hai từ “tự kỷ”, trái tim người mẹ của Dương đã như bị bóp nghẹt. Sự tức giận và ân hận nổi lên, cô về nhà và lao đến trước mặt chồng, không nói không rằng, giằng lấy điện thoại của Tuấn, dùng hết sức lực ném nó vỡ nát trên sân.

Khi Tuấn đang bàng hoàng, còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, Dương đã ném phiếu khám bệnh của con vào mặt chồng. “Anh là thằng đàn ông tồi, anh làm con tôi ra nông nỗi này đây”, Dương oán chồng. Phải đến khi bố mẹ chồng ra sức can ngăn, dỗ dành, cô mới nguôi được cơn giận. Dương bỏ ăn, bỏ làm, nằm lì trong phòng đến chiều tối mới gượng dậy đi đón con. Dắt xe ra sân, cô thấy chiếc điện thoại vỡ tan tành vẫn nằm đó. Tuấn đã đi đâu rồi. Dương không buồn hỏi.

Chỉ tới khi mẹ chồng bảo: “Nó đi đón con bé rồi! Cả chiều nó ngồi ngoài sân!”, Dương mới vỡ lẽ ra rằng, nguyên cả một buổi chiều nay, Tuấn không sờ vào điện thoại.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.