Khổ vì vợ chỉ thích... tiền

Trần Ngọc Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cả ngày đi làm đã mệt mỏi, hôm nay về nhà, Toàn lại gặp bộ mặt lạnh te, giận dỗi của vợ. Toàn biết ngay Thảo vừa gặp chuyện gì đó không bằng lòng.

Quả nhiên, trong bữa cơm, Thảo giận dỗi nói với Toàn: “Nhà bác cả vừa đổi cái xe ôtô mới, anh tính thế nào thì tính”.

Toàn đáp: “Tính gì mà tính: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhà bác có tiền thì bác mua xe, đổi xe. Nhà mình khó khăn thì đi xe máy. Em cứ phải nhòm sang nhà khác làm gì cho mệt đầu”.

“Anh đúng là kiểu người không có ý chí phấn đấu”, Thảo vùng vằng, đặt luôn bát cơm xuống bàn. Hai đứa con thấy bố mẹ vặc nhau trong bữa ăn, sợ quá liền òa khóc theo.

Toàn chán, chả buồn dỗ vợ, nịnh con. Năm ngày ba trận, vợ chồng anh lại cãi nhau. Và nguyên nhân đều đến từ việc Thảo tị nạnh, ganh tị nhà nọ nhà kia giàu sang hơn nhà mình.

Toàn nhớ ngày xưa yêu nhau, Thảo, vợ Toàn không ham vật chất như bây giờ. Cô nhí nhảnh, dễ thương, vô tự lự. Còn bây giờ, Toàn thấy vợ mình đã biến thành người khác. Trong đầu Thảo hình như đã không còn chỗ cho bất cứ cái gì khác ngoài tiền. 

Hai vợ chồng Toàn cùng đi làm cơ quan Nhà nước, tổng thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu triệu đồng. Sống giữa Thủ đô, với số tiền đó, gọi là đủ cũng được, mà thiếu cũng chẳng sai. Toàn thường dặn Thảo liệu cơm gắp mắm, chi tiêu làm sao để cuộc sống ổn thỏa là được. Toàn đâu có yêu cầu Thảo tối tối phải đãi mình các món sơn hào hải vị, cũng chẳng bắt Thảo phải sắm sửa cho anh đồ hiệu nọ kia. Vào bữa cơm, chỉ cần có vợ con sum vầy, Toàn ăn cơm với muối cũng ngon miệng. 

Nhưng Thảo thì không nghĩ thế, cô cứ luôn tự đặt ra kỳ vọng cho bản thân, để rồi không đạt được thì thất vọng tràn trề. Nhà hai người lớn đã có 2 cái xe máy tay ga, cơ quan, nhà ông bà nội ngoại đều ở gần, chỉ đi mấy bước là tới. Xét về nhu cầu, vợ chồng Thảo chưa cần đến ôtô, mà xét về điều kiện kinh tế việc mua ôtô cũng hãy còn quá sức. Toàn chả nghĩ thứ hạng của một con người phụ thuộc vào mấy thứ xe cộ. Đâu phải cứ mua được xe ôtô là đẳng cấp hơn đâu. Toàn vẫn thấy vui khi được đèo vợ con đi chơi trên chiếc xe máy tay ga. 

Song, vẫn lại là Thảo bị cái xe làm cho khổ sở. Suốt ngày cô dằn vặt Toàn vì không mua được ôtô cho vợ con để vợ con phải chịu nắng gió. Bạn bè của Thảo, ai mà có xe ôtô là Thảo hạn chế quan hệ luôn vì cô nói, đi với người ta cô “xấu hổ không chịu được”.

Khổ vì vợ chỉ thích... tiền - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi Thảo suốt ngày lướt facebook, đọc các thông tin về trường quốc tế có mức phí hàng tháng hàng chục triệu đồng rồi thèm khát được gửi con vào đó. Thảo thích con phải được xe ôtô đón đưa, học với người nước ngoài, chương trình học cũng phải nhập ngoại. Nhưng, khi không trả lời được câu hỏi lấy tiền đâu để đóng phí cho con thì Thảo lại bị bực tức trong người.

Thấy chồng nhà người ta mở công ty, kiếm bộn tiền, Thảo về nhà cũng giục Toàn khởi nghiệp. Nhưng, Toàn thấy mình không thích hợp để kinh doanh buôn bán. Công việc ở cơ quan Nhà nước, mức lương tuy không quá cao nhưng ổn định, và quan trọng nhất là phù hợp với Toàn thì sao anh phải bỏ việc? Khởi nghiệp nếu thất bại, có khi anh còn đẩy cả gia đình vào chỗ nợ nần chứ hay hớm gì. Toàn đã nhiều lần giải thích vậy mà Thảo vẫn không nghe ra. Đến nỗi, cô chán anh, còn chán luôn cả đồng lương anh đưa về cho cô mỗi tháng. Cô luôn thấy số tiền đó sao mà ít ỏi, chẳng giúp cho đời vợ chồng cô đổi đời. Thái độ ấy của Thảo khiến Toàn cảm thấy mình không được tôn trọng. Dù ít, dù nhiều, thì đó cũng là mồ hôi nước mắt của anh, là đóng góp anh dành cho gia đình. 

Toàn biết, người phụ nữ nào khi lấy chồng cũng mong có được cuộc sống sung túc. Nhưng, định nghĩa thế nào là sung túc, giàu có thì cũng vô cùng lắm. Người ta sở hữu  2, 3 cái nhà vẫn không bằng người có 4, 5 biệt thự. Người kiếm được vài trăm triệu một tháng vẫn là “nghèo” so với người làm ra cả bạc tỷ. Nếu  nhìn lên vợ chồng Toàn đúng là chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống, thì cũng đầy người mong ước có được cuộc sống như vợ chồng anh. Hai vợ chồng Toàn đã có một ngôi nhà của riêng mình với sổ đỏ đàng hoàng. Toàn cũng không thấy việc con học “trường làng” là có vấn đề bởi hai đứa đều ngoan ngoãn, học giỏi. Vậy tại sao, có nhiều người đang khó khăn hơn mà họ vẫn hạnh phúc, bình yên còn vợ chồng Toàn thì lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa”, cuộc sống hôn nhân dần nhuốm màu bi kịch.

Đòi hỏi chồng thay đổi không được, Thảo quay ra lạnh nhạt với anh. Cô mặc kệ anh muốn đi đâu thì đi, về lúc nào thì về. Đôi khi đi với các đồng nghiệp nam, thấy ông nọ, ông kia có vợ gọi điện, nhắn tin hỏi han, Toàn lại thèm điện thoại của mình cũng đổ chuông như thế. Mấy đồng nghiệp thì vỗ vai bảo Toàn vậy mới tốt số, chứ suốt ngày bị vợ kiểm soát chẳng sung sướng gì. Toàn biết vậy, nhưng việc phải làm người vô hình trước mắt vợ cũng mệt mỏi lắm.

Khổ vì vợ chỉ thích... tiền - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tuần trước, giữa Toàn và Thảo lại xảy ra cuộc chiến. Chẳng là bố mẹ Toàn năm nay đã 80 tuổi, có mong muốn được vào miền Nam thăm họ hàng một chuyến lúc cuối đời. Ông bà mới chỉ chia sẻ với các con, chứ chưa yêu cầu các con phải đóng góp. Lúc đó, vợ chồng anh trai Toàn đã đề xuất để các con cùng đóng góp kinh phí cho ông bà đi chơi dối già. Toàn khẽ liếc nhìn sang Thảo, thấy gương mặt cô chảy dài thì đã biết ý cô như thế nào. Quả nhiên, vừa về tới nhà, Thảo đã sừng sộ với Toàn, còn nói không thể có tiền đóng góp. Toàn thừa biết, vợ chồng cô không dư dả nhưng vẫn có chút tiền dự trữ, việc trích ra biếu bố mẹ một ít là có thể được. Vậy là hai vợ chồng nói nhau một trận, sau đó thì Thảo dỗi dằn với chồng. Toàn đau lòng quá, anh không ngờ người phụ nữ ngày xưa rất biết quan tâm tới mọi người giờ đã hóa thế này, ích kỷ và lạnh lùng. Cô chỉ thích có thật nhiều tiền, tới mức không thể chia sẻ tiền với ai, dù cho đó là bố mẹ. 

Nhà nội đã vậy, với nhà ngoại Toàn cũng chẳng bằng lòng cách Thảo ứng xử với bố mẹ. Bao năm qua, Thảo luôn biến vợ chồng anh thành những con người yếu thế, lúc nào cũng phải nhờ nhà ngoại viện trợ. Vợ chồng Thảo đã chẳng báo hiếu được mà tháng nào, Thảo cũng kêu ca, phàn nàn để đợi “bòn rút” của bố mẹ. Việc cho các con đi học, nuôi con khôn lớn là trách nhiệm của hai vợ chồng. Vậy mà dù tiền trong ví vẫn còn, Thảo cứ dày mặt xin bố mẹ tháng này cho tiền học, thêm tiền sữa cho các con. Ông bà ngoại chỉ có lương hưu, nhưng thấy con gái kêu vậy chẳng đành lòng, nên lại lấy tiền dấm dúi cho con để lo cho gia đình. Toàn góp ý thì Thảo nói đây là bố mẹ của cô, anh đừng can thiệp vào. Anh không kiếm được nhiều tiền thì cô mới phải làm vậy. Vì vợ ứng xử như vậy mà Toàn lúc nào cũng mặc cảm, ngại ngần mỗi khi về nhà ngoại.

Với những người khác, sau một ngày dài là được về với tổ ấm thân thương. Còn với Toàn, nghĩ tới nhà là anh chùn bước. May mà còn có hai đứa nhỏ làm chất keo gắn kết, chứ không, có lẽ vợ chồng anh đã đường ai nấy đi từ lâu. 

Toàn biết phải làm gì đây để cải thiện tình hình. Nếu như Thảo vẫn còn quá khổ sở về tiền bạc hay là cô cảm thấy những ước mơ cao xa của mình mãi không thành hiện thực như hiện nay, thì Thảo sẽ sớm biến ngôi nhà trở thành tổ lạnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.