Khoảng sân nhà

Chia sẻ

NGÔ NỮ THÙY LINH

Chị ngồi lặng lẽ bên khoảng sân, ngay cạnh bậu cửa, tay vuốt ve mái tóc bé con tìm những hạt sạn nhỏ xíu trên cái đầu ướt rượt mồ hôi của nó. Con bé thì thào:

- Bao giờ thì ba về hả mẹ?

Chị dịu dàng:

- Chắc là gần rồi con à, con cố gắng học giỏi thì ba sẽ nhanh về đấy!

- Hôm qua con được 3 điểm 10 cơ mà mẹ.

- Ừ, mẹ biết… mẹ biết.

Chị dịu dàng vỗ vào vai đứa trẻ, mắt nhìn vòng quanh khoảng sân trước mặt. Khoảng sân chẳng tròn cũng chẳng vuông, lõm sâu ở giữa vì ngày láng sân anh say rượu. Anh hát say sưa bài “hành khúc ngày và đêm”, rồi xoay xoay cái tay cầm, thoa mấy thoa giữa sân. Lúc đó mọi thứ trong đầu anh lộn tung lên, anh cứ miết, miết giữa sân cho tới khi có tiếng sấm ì ùng. Lúc đó chị bảo anh vào nhà ngày mai hẵng làm, thế nhưng anh không nghe, anh cứ xoay vòng mãi giữa mảnh sân nhỏ. Anh giận chị, giận bố mẹ không chia cho anh mảnh đất lớn để anh làm cái sân rộng cho đứa con sắp ra đời của anh được chơi đùa chạy nhảy.

Cũng chính từ khoảng sân này, anh đã ghen tuông mù quáng, đánh chị đến chảy máu chân. Cứ say là anh lại kêu hận đời, hét toáng lên rồi vào nhà lấy roi mây ra đánh chị. Chị cam chịu, chỉ chạy vòng quanh sân và nhiều lần ngã quỵ gối. Đứa con đầu lòng của anh chị cũng vì thế mà mất tại khoảng sân này.

Lúc anh nhận ra mọi sai trái của mình, chị đã gầy như một nhánh củi khô. Anh uất hận. Cái ngày khoảng sân khô ráo, trơ ra một vũng nước mưa ở giữa, anh lặng lẽ tìm xi và vôi về trát lại chỗ hõm. Nhưng vũng sâu nó vẫn còn đó, méo xẹo bởi vết gắn, anh lại lui cui bới lên. Vậy là từ ngày có khoảng sân, trong lòng anh chị, mỗi người đã có một vết hằn, đau nhói.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

***
Anh tự hứa với bản thân sẽ bù đắp cho vợ sau những lỗi lầm cục cằn anh gây ra. Ngoài việc làm đoàn xã, anh thường xuyên lui tới nhà mẹ vợ, hỏi han chuyện chăm sóc thai phụ và chăm cho vợ nhiều hơn. Anh chạy giữa trưa tìm lá sắc thuốc cho chị, tìm mọi cách chữa lành vết thương trong lòng chị.

Ngày vui chưa kịp đến, anh lại điên cuồng khi thấy chị tỉ mẩn xếp những phong thư vào chiếc hộp gỗ. Chẳng biết đó là thư gì, chỉ thấy những dòng chữ nắn nót trên phong bì là anh lại như có lửa đốt, cồn cào ruột gan. Ai bảo với anh là chị đẹp cơ chứ! Anh không chút suy nghĩ ôm lấy vợ, vò nát những phong thư mặc dù chẳng biết đó là của ai, gửi chị hay là thư quan trọng gì nữa.

Sau này, khi tĩnh tâm trở lại, anh không dám đối mặt với chị. Anh sợ ánh nhìn buồn rười rượi, tội nghiệp của chị như thấu ruột gan mình. Anh biết những lá thư là của ai nhưng mở miệng để nói câu xin lỗi chị, anh thấy khó vô cùng. Anh quyết định bỏ ngôi nhà nhỏ xinh ra đi, để thấy lòng nhẹ nhõm. Để chị được giữ vẹn nguyên hình ảnh anh như ngày đầu. Và để khoảng sân trống cùng những giày vò trong lòng chị được nguôi ngoai. Ngày anh đi, đứa trẻ trong bụng chị tròn ba tuần tuổi…

***
Giọng bé con ngây thơ lại hỏi chị:

- Mẹ ơi, ba có đẹp không? Ba có giống như lời ngoại con kể không?

- Có chứ con, ba của con đẹp nhất mà.

- Thế sao ông nội bảo con không giống ba, con có đôi mắt buồn như mẹ? Có phải ông nội không thương ba, không thương mẹ và con không?

Mắt chị ầng ậc nước, chị ôm con gái vào lòng thì thầm:

- Ai cũng thương con nhất, không ai ghét con hết.

Chị vỗ về đứa con ngây thơ, cho nó ngủ trong lòng mình. Chốc chốc chị lại đưa mắt nhìn quanh khoảng sân. Chị mong mỏi ngày anh trở về, mong anh bế đứa con nhỏ chạy quanh khoảng sân này biết nhường nào.

***
Tiếng mở cổng lạch cạch. Chị nghiêng đầu nhìn ra. Con chó nằm yên, không sủa một tiếng nào. Thì ra là anh Quang, anh đến đột ngột quá. Chị vội lau nước mắt, quát con chó :

- A, tao nuôi mày bằng không à? Sao khách đến mà mày không sủa lấy một tiếng.

Con chó sợ chủ mắng, cụp đuôi chạy vào trong nhà. Anh Quang từ ngoài ngõ nhẹ nhàng bước vào sân, anh đỡ lời chị:

- Sao thế em, anh cũng là khách quen, có gì đâu mà em phải thế!

Chị lặng lẽ không đáp, chị đứng dậy bế con vào phòng. Quang đứng ở phòng khách bối rối. Anh lặng lẽ bước ra bậu cửa. Không biết đây là lần thứ mấy chục anh bị bỏ rơi ngay tại ngôi nhà này. Cảm giác cái hố lõm sâu trước sân như kéo anh xuống. Nhiều lần anh tự hỏi:

- Liệu anh đã đủ tư cách để bước chân vào ngôi nhà này chưa?

Gạt bỏ ngay ý nghĩ đó, anh nhẹ nhàng vào nhà, đặt túi roi lên bàn. Anh lên tiếng:

- Nhà có mấy quả roi anh vừa hái, anh mang sang cho cháu Na, em cất trong tủ tí nữa cháu dậy thì cho cháu ăn nhé!

Con chó từ đâu chạy tới quấn quýt bên chân Quang làm anh thêm sượng sùng. Anh mắng nhẹ:

- Con vàng, mày hư thế!

Chị chưa kịp phản ứng thì ngoài ngõ tiếng mẹ chồng chị đã oang oang:

- A, hôm nay nhà có khách quý hử, thế mà mình không biết, lại nhỡ chân bước sang đây!

Chị đỡ lời mẹ chồng:

- Anh Quang hàng xóm nhà mình chứ ai mà xa lạ mẹ.

Mẹ chồng chị nguýt dài một cái không đáp, hỏi một câu gọn lỏn:

- Cháu tôi đâu?

- Dạ, cháu còn ngủ trong phòng, con vừa cho cháu ngủ xong ạ!

- Thế hử? anh chị tâm sự nhé, tôi vào với cháu tôi không lại nhỡ mất câu chuyện.

Quang đỏ rần rần mặt, anh lắp bắp chào mẹ chồng chị rồi ra về. Chị bối rối tiễn anh, trong lòng hối hận vì đã tiếp khách một cách quá nhạt.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

***
Ngày… anh gửi thư về, một lá thư dài dằng dặc, những thương nhớ, hờn giận chị suốt 5 năm trời. Những hối hận vì lòng ích kỷ của một người chồng. Anh không biết ở nhà bé Na đã ra đời như thế nào, cũng chẳng biết có một đứa con đang mong ngóng ba mình trở về. Trong những dòng giận dỗi, anh bảo anh sẽ lấy vợ, sẽ yêu để hiểu được chị đã từng yêu như thế nào, hiểu được những gì chị câm lặng trải qua. Anh bảo bao giờ hết giận chị thì anh về. Lá thư ướt nhẹp, chị nghẹn ngào trong đau khổ.

Tình yêu và khoảng sân, chị đã dành tất cả nó cho anh và con, hình như anh không hiểu, anh không biết những gì chị dành cho anh và con. Chị đọc xong lá thư, lau nước mắt rồi dấu nhẹm nó trong ngăn tủ khóa lại kỹ càng. Chị sợ một lần nữa mẹ chồng lại mang chị ra mà đánh, mà chửi, mà đuổi chị ra khỏi ngôi nhà nhỏ xinh này như ngày đầu tiên anh bỏ đi lặng lẽ.

***
Chiều nay chị cắp rổ ra chợ bán mớ sen vừa hái lúc sáng trong ao. Chợ vãn khách, chị đội nón chui vào tận sâu trong. Thấy chị hôm nay đột ngột có sen bán, mấy bà hàng bên cạnh đon đả chạy sang mua. Mỗi người một giá, người trả đắt, người trả rẻ, nhưng chị vẫn tươi cười bán nốt số sen trong rổ. Bà bán hàng khô nửa đùa nửa thật với chị:

- Sen đẹp thế này, người đẹp thế kia, sao mãi cứ thấy đi bán sen nhở?

Chị cười:

- Nhà cháu có sen, cháu đi bán sen chứ cháu bán gì được hở cô?

Bà bán mắm tôm thêm vào:

- Cái nhà cô này, thật thà đến thế. Cô không bán sen thì cô thuê ở chợ một cái ki-ốt, buôn bán nhỏ lẻ, người như cô bán hàng đến là duyên còn gì. Sen được một mùa, giá lại rẻ, cô lấy gì nuôi con.

Chị lại cười hiền hậu:

- Cháu cũng đang tính thế, nhưng đợi bé con nhà cháu lớn thêm chút nữa, cho cháu vào trường tiểu học rồi cháu đi, ở nhà mãi sao được hả cô.

Khoảng tầm chiều chiều, mớ sen đã hết, chị chào mọi người, vào trong chợ mua vài thứ đồ lặt vặt trong nhà rồi lại tất tả về. Tiện đường chị qua nhà mẹ đẻ xin một ít gừng tươi. Hôm nay bán được sen chị mua một chục vịt lộn cho đứa con nhỏ.

Thấy chị ngoài ngõ mẹ chị đã run run giọng:

- Sao dạo này gầy thế con, bé Na lại quấy con à?

Chị lặng lẽ:

- Không mẹ ạ, công việc đồng áng, một mình con lo nên cũng hơi mệt.

Mẹ chị giàn giụa nước mắt:

- Tao đã bảo rồi, mày kiếm lấy tấm chồng đi con ơi, thằng chồng nó bỏ đi biền biệt, không thư, không từ, có phải chiến tranh đâu mà mày chờ hả giời?!

Chị im lặng không nói, vén tay áo lau những giọt nước mắt tròn xoe trên má. Chị ôm lấy mẹ, vai rung lên như hệt như ngày xưa chị đã từng sợ bà đánh đòn. Chị chỉ nói vỏn vẹn một câu:

- Con chờ được anh ấy về!

***
Rồi chị cúi đầu lặng lẽ cầm mớ gừng tươi từ tay mẹ trở ra cổng. Lại sấm ì ùng. Chị cảm nhận rõ tiếng sấm vẫn quen thuộc như ngày nào anh lui cui làm cái sân cho tổ ấm gia đình. Chị cắp chiếc rổ lao đi trong những hạt mưa lất phất đổ xuống đầu. Chị khóc…

Khi chị cúi xuống, áo đã ướt nhẹp. Chiếc áo bó lấy thân hình gầy nhom của chị, nhưng hai bắp tay thì vẫn tròn lẳn, bộ ngực căng tràn sức sống như nhô ra thách thức. Chị úp chiếc rổ trước ngực, cố che đi phần tuổi xuân đang phô ra giữa cơn mưa chiều. Chị sợ lạnh, sợ tiếng sấm, sợ nước mưa chảy tràn vào khoảng sân bé nhỏ của nhà mình. Sợ một ngày anh sẽ dẫn một ai đó vào ngôi nhà nhỏ xinh mà anh và chị đã từng vun đắp nên. Sợ khoảng sân nhỏ bé nhà mình không đủ sức để chịu thêm sức nặng của những đứa trẻ. Trong cơn mưa, chị chạy thật nhanh, chạy như để xua tan ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu. Nước mắt hòa lẫn nước mưa, chị chạy như thể muốn trốn tránh một điều gì đó khủng khiếp.

Dưới đường, những người nông dân trong làng cũng đang vội vã đánh trâu, kéo cày về nhà. Tiếng giục trâu inh ỏi, tiếng người thi nhau chạy trên bờ đê. Mọi âm thanh đổ dồn lên tai chị nhưng dường như chị chẳng nghe thấy gì. Trong đầu chị, tiếng sấm cứ ì ùng mãi. Khúc hát “hành khúc ngày và đêm” lại vang lên. Chị lấy tay đè chặt ngực trái, cúi đầu chạy tiếp. Một vài người hàng xóm tò mò nhìn chị, chưa bao giờ họ thấy chị chạy nhanh như thế. Họ hiểu nỗi đau giày vò trong chị nhưng không hiểu được tình yêu mà chị dành cho anh nó lớn nhường nào.

***
Khi chị dừng lại trước cổng nhà, thở dốc thì cơn mưa đã ập đến nhanh chóng. Chị định đẩy cổng bước vào nhưng chợt khựng lại khi nghe tiếng trẻ con cười lanh lảnh. Là bé Na.

Chị đứng tần ngần trong tiếng sấm, nhìn vào khoảng sân. Ở đó, anh đang múc từng gáo nước dội lên người cho bé Na. Anh ngồi bệt ngay giữa chỗ hõm sâu, tay khoát khoát những chiếc lá trôi trên mặt sân. Trong mưa, tiếng bé con lanh lảnh:

- Ba ơi, tắm mưa ở sân mình thích lắm ba ơi!...

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.