Khơi dậy tiềm năng, vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thời kỳ mới

Chia sẻ

Thu hút phụ nữ tham chính, phát huy nguồn lực trí tuệ của phụ nữ là một trong những chiến lược quốc gia quan trọng được Nhà nước quan tâm. Việc phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung, đồng thời là tiền đề để thực thi các quyền con người khác.

Tỷ lệ phụ nữ tham chính ngày càng tăng

Quyền tham chính của phụ nữ được hiểu là “quyền của phụ nữ trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội (bao gồm tất cả các yếu tố cấu thành của nền hành chính công trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, hiệp hội chuyên môn, nhóm, cộng đồng…) mà không gặp phải trở ngại, cản trở hay phân biệt đối xử nào” (Công ước CEDAW).

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực trong việc thúc đẩy phụ nữ tham chính. Bên cạnh nỗ lực của Nhà nước trong thực thi chính sách luật pháp để tạo cơ hội thuận lợi cho phụ nữ tham chính, phụ nữ cũng đã thay đổi nhận thức về vai trò và vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội, cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều phụ nữ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, mạnh dạn, năng động trong hoạt động kinh tế, chủ động, tự tin và bản lĩnh trong quản lý lãnh đạo… theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính. Tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung. Điển hình, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cùng các nữ đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sáng 27/1/2021. ảnh: PNVNChủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cùng các nữ đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sáng 27/1/2021. (Ảnh: PNVN)

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là vai trò tích cực của Hội LHPN Việt Nam và Uỷ ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, công tác cán bộ nữ nói chung và sự tham gia của phụ nữ vào các cấp uỷ, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nói riêng trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong hệ thống chính trị các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ, công chức nữ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Nhiều cán bộ nữ được giao trọng trách, giữ cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, chính trị-xã hội khác. Nhiều cán bộ nữ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, nhạy bén, năng động, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm cao trong công việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26% (vượt chỉ tiêu đề ra là 30% và cao hơn so với nhiệm kỳ trước 3,54%). Đây là lần thứ hai tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đạt trên 30% trở lên (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%). Trong đó, nữ đại biểu Quốc hội trẻ nhất là Quảng Thị Nguyệt, SN 1997, dân tộc Khơ Mú (tỉnh Điện Biên). Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII, kết quả bầu cử cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội cao là sự cố gắng có ý nghĩa, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có Hội LHPN các cấp.

“Tôi hy vọng, các nữ đại biểu Quốc hội khoá XV sẽ thực hiện đúng cam kết của mình khi vận động bầu cử, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Các nữ đại biểu Quốc hội thực sự là những đại biểu của dân, hãy đặt mình vào vị trí của dân để xem xét và đưa ra quyết định cho mọi vấn đề. Đồng thời thể hiện bản lĩnh của mình trong việc đưa ra các chính sách, văn bản pháp luật… thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền cần tạo điều kiện, khích lệ họ để họ phấn đấu nhiều hơn nữa” – PGS.TS Bùi Thị An mong muốn.

Tạo điều kiện để phụ nữ tham chính

Tiến sỹ Vương Thị Hanh, Trung tâm hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (Cepew) khẳng định, ngoài những rào cản, nguyên nhân khách quan hạn chế quyền tham chính của phụ nữ như định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, tính gia trưởng của nam giới vẫn còn ngự trị trong văn hóa truyền thống; tư tưởng an phận, tự ti, thiếu động lực vươn lên của bản thân người phụ nữ; chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; vai trò quyết định về công tác cán bộ của cấp ủy Đảng và người đứng đầu… thì một trong những yếu tố hạn chế quyền tham chính của phụ nữ, đó là vẫn còn những khoảng cách từ chính sách đến chỉ đạo trong thực tế.

Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: PNVNCác nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: PNVN)

Cụ thể, trong tổ chức bầu cử, đa số nữ ứng cử thuộc loại cơ cấu kết hợp (đại biểu nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi, tôn giáo đa phần ở cấp địa phương) thường giữ vị trí lãnh đạo ở những đơn vị cơ sở. Do phải gắn cơ cấu khác, nhiều ứng cử viên nữ có vị thế thấp về trình độ chuyên môn, vị trí công tác, kinh nghiệm hoạt động, vì vậy khó trúng cử. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bầu cử không đảm bảo sắp xếp danh sách nam nữ ứng cứ tương đồng về trình độ, vị trí và kinh nghiệm công tác cũng dẫn đến nữ không trúng cử.

Trong công tác cán bộ, ThS Lê Quỳnh Mai, giảng viên khoa Luật, Học viện An ninh cũng cho rằng, yếu tố giới chưa được lồng ghép trong quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ. Điều này đã làm cản trở cơ hội đào tạo và thăng tiến của phụ nữ. Ví dụ như quy định độ tuổi lần đầu tham gia cấp ủy, quy định độ tuổi cán bộ cử đi học cao cấp lý luận chính trị - hành chính, quy định điều kiện đào tạo cán bộ, công chức sau đại học đã không tính đến những đặc điểm khác biệt của nam và nữ. Từ đó có những chính sách điều chỉnh, phù hợp với thời điểm và điều kiện có thể của phụ nữ, tạo cơ hội cho nữ đi đào tạo… “Chính yếu tố giới lại trở thành rào cản đối với phụ nữ về cơ hội thăng tiến và trong công tác đào tạo cán bộ.

Do đó, Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn vấn đề về giới, lồng ghép giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình xây dựng chính sách và luật; kế hoạch bồi dưỡng cán bộ nữ trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của nam giới trong khu vực nhà nước để đảm bảo nam giới cùng đảm nhiệm vai trò trong gia đình, hỗ trợ nữ giới theo đuổi sự nghiệp” – Ths Lê Quỳnh Mai cho biết.

Để hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cần đẩy mạnh bình đẳng giới để xóa bỏ rào cản đối với phụ nữ khi tham chính. Cụ thể như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho toàn xã hội. Cần xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học từ mầm non đến đại học. Đồng thời nêu gương điển hình về sự cống hiến của những nữ chính khách, nữ tri thức trong hoạt động tham chính; hoàn thiện luật pháp, chính sách bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu, bầu cử, chính sách cán bộ, hệ thống chỉ tiêu (bảo đảm tính pháp lý, ràng buộc của các chỉ tiêu, thay cụm từ “phấn đấu đạt được” bằng cụm từ “yêu cầu đạt được”…

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.