Không có chồng... không chết

Chia sẻ

Vừa là phụ nữ kiên cường, có tính tự lập, tự trọng cao, vốn trước đây cũng từng là cán bộ phụ nữ ở địa phương, thấm nhuần tinh thần “nam nữ bình đẳng”, không chấp nhận thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ của người chồng, chị đã chọn phương án ly hôn.

Ba mươi năm trước, người phụ nữ khi đó đã gần 30 tuổi cùng chồng bồng bế đứa con gái bé bỏng rời một vùng quê xứ Bắc còn nghèo khó vào lập nghiệp ở một tỉnh Tây Nguyên. Ngày ấy đất đai còn rộng rãi, thoải mái, cộng với tính chịu thương chịu khó, hay lam hay làm của người gốc Bắc, nên đời sống của gia đình anh chị ngày một ổn định và trở nên khá giả. Bận rộn làm ăn kinh tế, nhưng anh chị cũng có thêm 3 đứa con gái nữa, tổng cộng là 4 cô.

Tuy nhiên, chồng chị là “con trai duy nhất”, nên cả đại gia đình bên chồng cũng như chồng ra nghị quyết rằng chị phải chọn một trong ba phương án: Cố đẻ con trai, đồng ý để anh “gửi người khác” đứa con trai hoặc ly hôn để anh lấy vợ khác. Vừa là phụ nữ kiên cường, có tính tự lập, tự trọng cao, vốn trước đây cũng từng là cán bộ phụ nữ ở địa phương, thấm nhuần tinh thần “nam nữ bình đẳng”, không chấp nhận thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ của người chồng, chị đã chọn phương án 3 là ly hôn.

Ly hôn xong, chị lao vào làm ăn kinh tế. Hết thu gom đất đồi, đất rừng, chuyển đổi mục đích kinh doanh, trao đi, bán lại… chẳng mấy chốc chị đã là “đại gia bất động sản của núi rừng Tây Nguyên”. Rồi những lô đất, khu đất của chị tự nhiên nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, đường quốc lộ kéo dài, mở rộng, tổng tài sản của chị ước chừng vài chục tỷ!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau khi ly hôn, chị quyết tâm cho các con gái học hành tử tế, để chứng minh cho đời và cho gia đình chồng biết rằng “con gái cũng hái ra lộc”, nên chị cũng quên đi chuyện tình cảm riêng tư của mình. Không ít người đàn ông, kể cả những người chưa từng có vợ, muốn quen biết chị, nhưng chị đều gạt ra hết. Chị không muốn đi bước nữa, sợ lại sinh đẻ, lại sa sút kinh tế, lại khổ các con. Nhưng giờ đây, ở cái tuổi 58, chị mới “giật mình”. Những bữa ăn cơm một mình, chị thất thần nghĩ “tiền nhiều để làm gì”? Các con gái đều khá giả, không thèm nhờ mẹ, không đứa nào ở với mẹ. Chị nghĩ đến một ngày nào đó sẽ có tuổi, sẽ ốm đau, cần có người tâm sự, nấu cho bát cháo, mua cho bát mì, viên thuốc.

Thế là chị bắt đầu mở lòng, kiếm “bạn trăm năm”. Cũng có nhiều người đến với chị, nhưng chẳng đâu vào đâu…

Anh thứ nhất là sĩ quan quân đội về hưu, cứ nằng nặc bảo phải cho anh ấy đứng tên chung trong các cuốn sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) anh ấy mới cưới. Anh thứ hai, vợ bỏ đi theo người đàn ông khác lâu rồi không về. Một mình anh nuôi thằng con trai lớn tuổi, nhưng chưa khôn, chưa tự lập. Chưa đâu vào đâu thằng con lớn của anh ấy đã đến hỏi “vay cô 1 tỷ” để mua ô tô, chở thuê, kiếm tiền, sẽ trả cô sau.

Người đàn ông thứ ba chị ưng ý, tuy anh ấy hơn chị khá nhiều tuổi, năm nay đã 72 tuổi rồi, con cái trưởng thành, một mình sống độc lập. Tuy nhiên, “giao lưu kết bạn” được một một thời gian, chị phát hiện “ông ấy” vẫn có những người phụ nữ khác. Chị đòi chia tay thì “ông ấy” nói rằng vì chưa thực sự kết hôn, nên chị không có quyền bắt “ông ấy” từ bỏ những người phụ nữ khác, hơn nữa anh ấy khoẻ, chắc một mình chị không đủ “đáp ứng”, nên “ông ấy” sẽ vẫn phải “có thêm” ngay cả khi thành vợ chồng thực sự. Chị đau buồn, vật vã cả tháng trời, cuối cùng cũng dứt ra được.

Rồi trong một lần đi mua căn hộ chung cư ở thành phố, chị gặp một anh bảo vệ toà nhà, nơi chị vừa mua một căn rộng rãi chỉ để làm “của để dành”. Anh tâm sự rằng anh là người Bắc, bị vợ “cắm sừng” nên đã ly dị vợ, con cái theo mẹ, một mình anh vào Nam vừa kiếm việc làm, vừa muốn chôn vùi nỗi buồn quá khứ. Anh sống độc thân 7 năm, ăn ở luôn toà nhà này, không anh em, họ hàng gì. Trò chuyện qua lại, hai người thấy hợp nhau, thương nhau. Chị cũng đã mơ về một “đám cưới ấm cúng”. Chị để cho anh lên ở căn hộ của mình, khi nào có ca trực mới xuống tầng 1, lễ tân để làm việc. Chị thỉnh thoảng chạy qua chạy lại ở với anh ít ngày, chăm sóc cho anh ăn uống tử tế, dẫn anh đi mua đồ để “tân trang chú rể tương lai”.

Đang tràn đầy hy vọng đây là “người đàn ông cuối cùng” của cuộc đời, người có thể chung sống với mình đến hết cuộc đời. Vậy mà sau đợt về quê ăn Tết vừa rồi, thái độ của anh đối với chị quay ngoắt 180 độ. Anh nói rằng anh cần giãn cách chị để có thời gian suy nghĩ về quyết định của mình. Anh trả chị chìa khoá căn hộ, dọn đồ xuống phòng bảo vệ toà nhà để ở như trước đây. Chị khóc gần cạn nước mắt, không biết tại sao chị lại gặp trắc trở như vậy hoài?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe hết câu chuyện của người phụ nữ, chúng tôi trao đổi với chị thật sự cởi mở, chân thành. Chúng tôi nhắc để chị biết chị đang có những thứ vốn liếng mà đa số những người phụ nữ ao ước mà không có được. Đó là kinh tế khá giả, con cái học hành và công tác yên ổn, độc lập, sức khoẻ của chị còn tốt dù cũng đã sắp bước sang tuổi lục tuần. Chị lại có sự tự do, muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi, không phải nhìn trước, ngó sau hay xin phép người này, người khác. Vậy chị mong đợi gì việc kết hôn? Chị nói rằng cho đỡ buồn tuổi già và sau này có người nấu cho bát cháo, mua cho viên thuốc khi ốm đau. Chị cũng nói rằng chị không quan trọng “chuyện đó” nữa, mặc dù chị vẫn có thể “làm được” khi gặp đối tác mà chị có cảm mến.

Chúng tôi nhắc chị nghĩ lại về việc nhất định phải kết hôn. Thứ nhất, đừng kỳ vọng hôn nhân thì “vui vẻ”. Những đôi bạn trẻ kết hôn, chung sống với nhau còn không dám nghĩ lúc nào cũng “vui vẻ”, huống chị ở lứa tuổi của chị và hơn nữa. Ai cũng có tuổi, có quá khứ, đôi khi là qúa khứ đau buồn, ai cũng tiềm ẩn trong mình những căn bệnh của người lớn tuổi. Vài năm nữa thôi là những bệnh như huyết áp cao, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, gút… sẽ xuất hiện. Người già cũng khó tính và khó thay đổi thói quen, lại khư khư giữ cái tôi đã rất lớn của mình, chưa chắc cuộc sống chung có vui vẻ như mong đợi.

Thứ hai, cũng đừng hy vọng “ông ấy” chăm sóc chị lúc chị ốm đau. Biết ai sẽ phải chăm sóc ai? Chị ốm yếu, anh ấy cũng chẳng khoẻ, thân anh ấy chưa chắc đã tự lo được cho mình, ai dám nghĩ đến việc chăm vợ. Chưa kể, điều kiện kinh tế khá giả của chị cũng có thể làm nảy sinh tính tham lam, vụ lợi ở một vài đối tượng đến với chị, chưa hẳn vì yêu thương, gắn bó.

Vậy hãy khai thác những gì mình có, để làm cho cuộc sống của mình vui vẻ và hạnh phúc. Đừng nghĩ rằng “tiền nhiều để làm gì”, mà hãy nghĩ rằng tới đây làm việc gì cũng cần có tiền. Hãy quản lý tài sản của mình thật tốt, phân chia tài sản thành nhiều dạng khác nhau như bất động sản, tài khoản tiền gửi ngân hàng, ngoại tệ, vàng bạc, chứng khoán…

Hãy chăm sóc bản thân thật tốt, luyện tập, sử dụng thực phẩm sạch, bổ sung thực phẩm chức năng, mục đích kéo dài tuổi thanh xuân, hạn chế ốm đau, bệnh tật. Rảnh rỗi thì đi du lịch, thăm các con, các cháu, về quê chơi. Nếu thấy cần có người sớm hôm cơm nước cùng, có thể thuê người giúp việc, quản gia. Nếu gặp người đàn ông nào không vướng bận gia đình, cả hai có cảm mến nhau, cứ cởi mở, giao lưu, không nhất thiết phải đặt mục đích kết hôn hay gắn bó mãi mãi. Sống hết sức thoải mái khi còn khoẻ. Sau này, lúc yếu đau, mình có tiền, có con cháu, chắc chắn sẽ “thuê” được những dịch vụ tốt nhất. Nói chung, ở tuổi của chị ấy, không có tiền mới khổ chứ không có chồng cũng… không sao.

Sau khi trò chuyện với các chuyên viên tư vấn tâm lý, người phụ nữ ấy đã nói: “Em nảy sinh ra ý định này. Em sẽ gom một số tiền nhất định, sẽ về Sài Gòn mua nhà, sẽ mở cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh cái gì đó, vừa là cho vui, vừa gần gũi con gái và các cháu ngoại. Ở thành phố có điều kiện hơn để vui chơi giải trí, tập luyện, bảo vệ sức khoẻ, giao lưu hội nhóm. Em cũng vẫn sẽ duy trì việc kinh doanh vốn có của mình. Có lẽ em cũng phải bớt kỳ vọng ở việc kết hôn, mà cởi mở hơn trong chuyện giao lưu tình cảm với các “bạn nam””.

Rất có thể dự định của người phụ nữ không thực hiện được, nhưng chúng tôi tin chị ấy đã có chút thay đổi tư duy, rồi từ đó có những quyết định đúng đắn cho cuộc đời của chính mình. Đấy mới là nhiệm vụ, sứ mệnh của những người làm công tác tư vấn hôn nhân, gia đình.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.