Không đề

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Như chớp mắt như chiêm bao

Vừa thơ ngây đã chớm vào già nua

Mắt đeo kính, tóc rụng thưa

Gặp người yêu cũ muốn vờ rằng quên

Thôi rồi cái thuở anh em

Thôi rồi một thoáng êm đềm ngày xưa

Thôi rồi bím tóc đung đưa

Thôi rồi nũng nịu câu đùa trẻ con

Xin đừng bước lại gần hơn

Xin đừng gửi kẹo cho con ở nhà

Xin đừng trò chuyện gần xa

Xin đừng điện thoại, đừng qua trước thềm

Ôi người yêu thuở hoa niên

Đâu còn cái tuổi mắt nhìn toàn hoa

Trẻ trung thuở ấy đã xa

Cuộc đời thực với dưa cà cần lao

Với bao đau đớn ngọt ngào

Đẹp hơn mọi giấc chiêm bao giã từ...

                                         Phan Thị Thanh Nhàn

Không đề  - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Tình xưa, nghĩa cũ luôn là câu chuyện đầy tiếc nuối, luyến lưu và cũng nghiệt ngã của tình yêu. Nếu được dũng cảm thú nhận, tôi, bạn và không ít người từng có mối tình đầy kỷ niệm và hình bóng ai đó mà dẫu có gặp lại ở tuổi hoa niên cũng không tránh khỏi xao xuyến.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khác với chúng ta ở chỗ có cái duyên kể chuyện, có sự tinh tế, ý nhị trong cách nói với người xưa và hình thức hóa những cảm xúc sâu kín trong lòng thành một bài thơ như thế này:

Như chớp mắt như chiêm bao

Vừa thơ ngây đã chớm vào già nua

Mắt đeo kính, tóc rụng thưa

Gặp người yêu cũ muốn vờ rằng quên

Nếu ngày xưa được gặp nhau là sự may mắn thì hôm nay gặp lại là sự trớ trêu, khó xử. Ai cũng biết tình huống này là chẳng ai ngờ được, chẳng ai có lỗi mà chỉ bởi thời gian đã khiến cho mắt mờ (mắt đeo kính) và tóc rụng. Có lẽ, những người trẻ sẽ không hình dung được tình thế chỉ muốn “vờ rằng quên” mà nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhắc đến. Chữ “vờ” ấy thật ý nhị, vừa là giả vờ, làm như, giống như mà hóa ra thành quên thật, tự khiến mình quên lãng thật. Thế nhưng, sau sự lúng túng ấy là tiếc nuối:

Thôi rồi cái thuở anh em

Thôi rồi một thoáng êm đềm ngày xưa

Thôi rồi bím tóc đung đưa

Thôi rồi nũng nịu câu đùa trẻ con

Bốn chữ “thôi rồi”như một điệp khúc lặp đi lặp lại, nhưng đủ để khắc họa một thời với dáng hình thiếu nữ và những giây phút ngọt ngào, êm đềm. Thuở nào còn nũng nịu, giờ đã tự phải lạnh lùng với chính lòng mình. Và, khi không còn là của nhau nữa cũng là lúc phải thích nghi với những thay đổi như thế:

Xin đừng bước lại gần hơn

Xin đừng gửi kẹo cho con ở nhà

Xin đừng trò chuyện gần xa

Xin đừng điện thoại, đừng qua trước thềm

Bốn câu thơ, bốn sự cảnh báo đều nói lên một điều đó là khoảng cách. Khoảng cách giữa hai người được xác lập bằng một lằn ranh giới an toàn. Trong khổ thơ này, độc đáo nhất là câu thơ: “Xin đừng gửi kẹo cho con ở nhà”- đó là một chi tiết vừa thật, vừa xúc động. Tình tiết ấy gợi cho chúng ta nhớ đến hình ảnh những đưa con (hiện thân của hạnh phúc hiện tại) trong ca dao vẫn nhận được sự quan tâm của người xưa, kiểu như:

Mình nói với ta mình hãy còn son

Ta đi qua ngõ thấy con mình bò

Con mình những trấu cùng tro

Ta đi gánh nước tắm cho con mình

Con mình vừa đẹp vừa xinh

Một nửa giống mình, nửa lại giống ta.

Cũng như nhiều sáng tác khác về chủ đề này, thơ Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ có những tâm sự riêng tư mà còn chứa đựng một tinh thần chung đó là tinh thần tự vấn, sự đối diện với thực tại. Một câu thơ buông giữa dòng: “Cuộc đời thực với dưa cà cần lao” tựa như câu trả lời cho những bâng khuâng, rung động, lưu luyến một thời. Để rồi, dẫu đẹp đến mấy, ngọt ngào đến mấy “giấc chiêm bao” ấy cũng phải giã từ…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.