KHÔNG THỂ VỨT BỎ ĐẠO LÀM CON

Chia sẻ

Bị cha ghét bỏ từ khi nằm trong bụng mẹ, tôi ra đời và lớn lên trong nỗi tủi thân của mẹ lẫn oán hận về đứa con không mong muốn ra đời của cha. Và rồi cũng như cha, tôi hận mình khi trở thành con trai ông. Cứ thế, cha con tôi sống cạnh nhau như "kẻ thù" cho đến hôm nay...

Buông thả quan hệ nam nữ và cuộc hôn nhân ép buộc

34 năm trước, cha tôi gặp mẹ tôi trong một buổi sinh nhật của người bạn thân ở quán bar. Bấy giờ, cha tôi là thiếu gia của một gia đình khá giả, thuộc hàng "ăn chơi", tình trường dài dằng dặc. Mẹ tôi lúc đó là một cô gái có hình thức khá, theo bạn đến chơi ở quán bar lần đầu tiên, và đã lọt vào con mắt háo sắc của cha tôi. Bữa đó, cha đã dùng thủ đoạn để chiếm đoạt mẹ tôi và đạt được mục đích dễ dàng. Cha tự hào vì thêm một lần nữa hưởng thụ sự trinh nguyên của một cô gái. Còn mẹ tôi, sau sự cố ấy đã có thai mà không biết. Cho đến khi đến bệnh viện khám vì cảm thấy sức khỏe không ổn định thì mới tá hỏa phát hiện có thai. Ông bà ngoại tôi vì danh dự gia đình và thể diện của con gái nên đã đến nhà ông bà nội tôi… "bắt đền"- người đàn ông bắt đầu câu chuyện của mình với nhân viên tư vấn trên đường dây tư vấn để tìm hướng giải quyết cho vấn đề mà anh đang gặp phải với người cha của mình.

Anh kể, bấy giờ ông bà nội chứng kiến cảnh con trai yêu đương buông thả đã nhiều, cũng có không ít cô gái tìm đến "ăn vạ" nhưng ông bà chẳng vừa mắt một ai duy chỉ có mẹ anh. Vẻ hiền thục con nhà lành của bà lúc ấy đã khiến ông bà nội anh tin tưởng đây sẽ là người "kìm chân" được cậu con trai bất trị của mình. Họ chấp nhận có trách nhiệm trong chuyện này. Cha anh đã được gọi về để nói chuyện đám cưới. Dĩ nhiên, cha tôi không đồng ý chịu trách nhiệm về cái thai cũng như chuyện cưới hỏi, ông chối bỏ, không thừa nhận hậu quả mình gây ra. Thế nhưng, trước tuyên bố của ông bà nội tôi rằng, nếu không chịu cưới mẹ tôi thì họ sẽ cắt toàn bộ sinh hoạt phí hàng tháng vẫn thường cho cha tôi, và sau này cũng không để lại tài sản thừa kế. Vốn dĩ quen tiêu tiền của cha mẹ cung cấp nên ông buộc đồng ý chuyện đám cưới.

- Cha tôi cho rằng chỉ vì có tôi nên ông mới bị ép lấy mẹ tôi, buộc phải sống trong cuộc hôn nhân bất đắc dĩ. Do đó, ông ghét bỏ tôi ngay từ những ngày tháng còn nằm trong bụng mẹ. Vì muốn tôi được ra đời có đủ cha mẹ và được sống trong một gia đình đầy đủ vật chất nên mẹ tôi chấp nhận mọi cay đắng, hắt hủi từ chồng - anh kể trong sự bức xúc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dù bước vào cuộc hôn nhân không tình yêu, vì con là chính nhưng mẹ anh lại nhận được tình yêu thương của bố mẹ chồng. Đặc biệt từ khi bà sinh ra anh, là cháu trai đích tôn nối dõi tông đường, thì càng được gia đình chồng coi trọng hơn. Ngược lại, cha anh vẫn không yêu thương vợ thêm chút nào, mà còn có phần ghét bỏ, bởi bà đã làm các kế hoạch của ông thất bại. Trước đây, cha anh nghĩ để giữ được tài sản và tiền chi tiêu hàng tháng, ông sẽ "tạm thời" đồng ý cưới mẹ anh về, sau đó sẽ ly hôn. Tuy nhiên, ông không ngờ sau khi kết hôn việc ly hôn không dễ dàng chút nào, vì mẹ anh được nhà chồng hậu thuẫn rất vững vàng. Ông bà nội anh tuyên bố, nếu cha anh bỏ vợ con thì cũng không có quyền thừa kế tài sản sau khi họ mất, và tất cả sẽ thuộc về mẹ con anh. Họ bảo bây giờ anh đã là đích tôn của gia đình, họ có người nối nghiệp, nối dõi, vai trò của cha anh không còn quan trọng "số 1" như trước. Quan điểm của họ là "hỏng cha thì đã có con nên".

Trút bất mãn cuộc đời lên con trai

Một lần nữa, tầm quan trọng của tôi lại khiến cho cha tôi không thể "thoát" khỏi cuộc hôn nhân này. Vì vậy, ông càng đổ lỗi và trút mọi bất mãn cuộc đời lên tôi - anh ngậm ngùi.

Cho đến tận bây giờ, hằn trong ký ức anh là sự bạc đãi, hắt hủi của người cha ruột mà không bằng người dưng ấy. Ông vẫn mặc định rằng chỉ vì có anh nên ông mới phải cưới mẹ anh và cả cuộc đời phải trói buộc trong cuộc hôn nhân bất đắc dĩ, không được sống theo ý mình. Ngày vợ sinh con, cha anh đi nhậu nhẹt bù khú với bạn bè qua đêm mới về, bỏ mặc cho bố mẹ hai bên lo chuyện sinh nở của vợ trong bệnh viện. Ngày đón con từ bệnh viện về nhà, ông chỉ ngó qua một lần "lấy lệ" rồi lại phó thác cho mẹ chồng chăm sóc con dâu và cháu nội. Mỗi lần, con ốm đau đều do một mình vợ lo toan. Nếu bà vất vả quá thì gọi mẹ chồng phụ, còn ông-thân làm cha nhưng vẫn đứng ngoài cuộc. Anh lớn dần lên, trở thành nơi trút giận của cha anh mỗi khi bất mãn gì đó trong cuộc sống. Những trận đòn vô cớ, những lần bị mắng chửi sỉ nhục của cha khiến tâm hồn anh chất dày thêm nối oán hận về ông. Cứ thế, hai cha con anh sống cạnh nhau mà giống như "kẻ thù truyền kiếp".

Anh trưởng thành thì ông bà nội mất. Giữ đúng lời hứa với con trai, họ để lại di chúc chia cho cha anh 1 nửa tài sản, còn 1 nửa để lại cho con dâu và cháu đích tôn. Sau khi nhận được quyền thừa kế đó, cha anh ngay lập tức đòi phân định tài sản riêng luôn. Ông lấy phần của mình rồi dọn ra ngoài sống ly thân, dùng tiền đó ăn chơi, bao phụ nữ trẻ đẹp bên ngoài. Mẹ anh vì lời hứa với cha mẹ chồng nên chấp nhận mọi hành xử của cha tôi để giữ hôn nhân, dù nó chỉ là cái vỏ rỗng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau khi anh và mẹ sống riêng, cuộc sống bớt bức bối vì không phải chịu đựng nỗi bất mãn, hằn học của cha anh. Đã gần 5 năm nay, cha anh sống bên ngoài, xem như không có vợ con, mỗi lần mẹ con anh đau ốm hay cần sự giúp đỡ gì đó gọi đến ông thì cũng đều bị từ chối. Ngày anh cưới vợ, mong muốn cha về làm chủ hôn nhưng ông ghét anh đến nỗi không chịu về thực hiện trách nhiệm làm cha của mình. Từ ngày đó, anh xem như không có người cha ấy để cuộc sống được thanh thản hơn.

- Thế nhưng bây giờ ông lại xuất hiện và muốn quay về sống với mẹ con tôi. Vì hiện tại, ông bị gái trẻ lừa lấy hết tài sản, già cả bệnh tật không có tiền, không có ai chăm sóc. Mẹ tôi bao dung bảo đón ông về, nhưng tôi không làm được điều đó. Thời gian gần đây, tình hình dịch Covid căng thẳng, ông sống một mình bất an, cứ gọi điện xin mẹ tôi cho quay về. Tôi kiên quyết không đồng ý thì mẹ bảo sẽ về sống cùng ông, khiến tôi không biết làm thế nào - anh rối bời.

Chuyên viên tư vấn nói với anh rằng trên cuộc đời này có một thứ mà bất cứ người con nào cũng không có quyền chọn lựa, đó là cha mẹ của mình. Họ không thể nào chọn cha mẹ tốt và vứt bỏ, hay không thừa nhận cha mẹ xấu đi được. Đã là người sinh ra mình thì dù tốt hay xấu, đạo làm con vẫn phải hiếu thảo và làm trọn trách nhiệm của mình. Cha anh dù sống tệ với vợ con thế nào đi nữa, thì anh vẫn là con của ông. Việc anh tha thứ và phụng dưỡng cha không chỉ là làm tròn đạo hiếu mà còn là tấm gương cho con cái mình. Bởi con cái anh sẽ chẳng bao giờ hiếu thảo với cha mẹ sau này nếu như bây giờ anh chẳng trọn đạo với cha mình. Tình thân luôn cần ta vun đắp và níu về thay vì chối bỏ nó. Mẹ anh đã chấp nhận bao dung tha thứ cho chồng thì anh cũng nên buông bỏ mọi nỗi oán hận cha để sống trọn vẹn đạo làm con hơn. Cha anh chắc đã nhận ra lỗi lầm của mình, chỉ có điều quãng thời gian ông nhận ra điều đó lại quá dài mà thôi.

Cuộc nói chuyện bị gián đoạn bởi cuộc điện thoại của con trai anh gọi tới. Thằng bé hỏi anh bao giờ về ăn cơm, hôm nay nó ở nhà giãn cách với mẹ nên làm nhiều món ngon đợi bố. Anh nghe giọng của con thì lòng bớt nặng tâm tư. Nối máy lại với chuyên viên tư vấn, anh cảm ơn vì đã lắng nghe tâm tư và gỡ bỏ phần nào nỗi khổ tâm lâu nay trong lòng anh. Sau cuộc nói chuyện này, anh sẽ dần buông bỏ oán hận đối với cha và thực hiện trách nhiệm làm con đối với ông trong những năm tháng tuổi già.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.