Khúc hát tháng ba

Chia sẻ

Tháng ba xưa từng là nỗi ám ảnh với rất nhiều người bởi cái đói đeo đẳng và những kỷ niệm buồn. Nay đã khác xưa nhiều lắm, tháng ba lại về với bao vẻ đẹp, niềm vui.

Đào đã tàn từ lâu
Mà sen thì chưa tới
Ngoài khung cửa một khoảng trời chới với
Tháng ba

Bông lựu đơn nở vội trước hiên nhà
Một chấm đỏ như lời yêu vừa chín
Ai đan áo nàng Bân
Cho mùa đông bịn rịn
Chỉ một chút thôi
Đủ để rét ngọt ngào

Mẹ ta ngồi vo gạo cầu ao
Tiếng vỗ rá nghe sao mà thân thuộc
Ta thương quá tháng ba ngày trước
Củ khoai gầy, lát sắn mỏng thay cơm

Em ta giờ áo mặc đẹp hơn
Mắt lóng lánh nét cười rạng rỡ
Em không phải như ta xưa chăn trâu cắt cỏ
Chân lội bùn, đầu đội nắng trưa

Mẹ mừng thừa gạo trắng tháng ba
Lúa con gái dậy thì thơm ngậy đất
Mẹ làm bánh trôi
Mẹ làm bánh chay
Mẹ làm bánh khúc
Kính cẩn dâng trời đất tổ tiên

Những cũ càng không thể gọi tên
Đã nuôi lớn bao cánh buồm trai trẻ
Dù đi muôn phương
Ta vẫn muốn được như ngày thơ bé
Trở về nhà bên mẹ
Sà vào khói bếp tháng ba
                                                  Mỹ Lộc 3/2003
                                      Nguyễn Thị Đạo Tĩnh

LỜI BÌNH
Tháng ba xưa từng là nỗi ám ảnh với rất nhiều người bởi cái đói đeo đẳng và những kỷ niệm buồn. Nay đã khác xưa nhiều lắm, tháng ba lại về với bao vẻ đẹp, niềm vui. Điều này thể hiện rất rõ trong bài "Khúc hát tháng ba" của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh. Bài thơ là khúc ca gợi lại nhiều kỷ niệm xưa và chứa chan tình yêu con người, tình yêu cuộc sống.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Thi phẩm đến với người đọc bằng thể thơ tự do, các câu dài ngắn khác nhau phù hợp với cảm xúc đa chiều, phóng khoáng của chủ thể trữ tình. Mở đầu là những câu giới thiệu cảnh vật vào thời điểm tháng ba: "Đào đã tàn từ lâu/ Mà sen thì chưa tới/ Ngoài khung cửa một khoảng trời chới với/ Tháng ba". Tác giả thật khéo tả thời gian khi chọn hai sứ giả của mùa xuân và mùa hạ là hoa đào và hoa sen. Nói “đào đã tàn”, “sen chưa tới” là nói mùa xuân sắp qua, mùa hạ chưa đến. Đây là thời điểm giáp hạt, nỗi nơm nớp sợ hãi của người nghèo.

Hình ảnh "khoảng trời chới với" rất ấn tượng. "Chới với" là từ láy tả cánh tay run rẩy cố với lên khoảng không nhiều lần như muốn tìm chỗ bám víu. Ý thơ gợi về cảnh sống gieo neo tháng ba thật đắc địa. Còn hiện tại: "Bông lựu đơn nở vội trước hiên nhà/ Một chấm đỏ như lời yêu vừa chín/ Ai đan áo Nàng Bân/ Cho mùa đông bịn rịn/ Chỉ một chút thôi/ Đủ để rét ngọt ngào". Lời thơ nhắc tới truyền thuyết nàng Bân đan áo cho chồng cùng việc dùng liên tiếp các ẩn dụ nhân hoá đã khiến cảnh vật như có hồn. Sắc đỏ của bông lựu, chút “bịn rịn” của mùa đông, cái "ngọt ngào" của rét muộn là những tín hiệu vui về tháng ba ngày nay đã khác.

Hình ảnh mẹ ngồi vo gạo bên cầu ao thân thương vô cùng. Song ám ảnh và lay động trái tim người đọc nhiều nhất là những câu: "Ta thương quá tháng ba ngày trước/ Củ khoai gầy, lát sắn mỏng thay cơm". Thương tháng ba, hay cũng là thương hết thảy mọi người, thương mẹ, thương em và cả tự thương mình đã phải nếm trải cái đói và bao nhiêu dư vị đắng đót của cuộc đời? "Củ khoai gầy, lát sắn mỏng thay cơm". Thương cảm và xót xa biết bao qua những hình ảnh ấy. Nhưng quá khứ buồn đau đói khổ xưa đã được khép lại rồi.

Tác giả chia sẻ về nhân vật "em" - hiện thân của cuộc sống no đủ và hạnh phúc hôm nay: "Em ta giờ áo mặc đẹp hơn/ Mắt lóng lánh nét cười rạng rỡ/ Em không phải như ta xưa chăn trâu cắt cỏ/ Chân lội bùn, đầu đội nắng trưa". Sự khác biệt đến đối lập giữa xưa và nay, “ta” và “em” nói lên niềm hạnh phúc được sống trong no đủ.

Người vui nhất là mẹ. Ngôn từ, hình ảnh và nhịp điệu thơ lúc này tràn đầy hứng khởi: "Mẹ mừng thừa gạo trắng tháng ba/ Lúa con gái dậy thì thơm ngậy đất/ Mẹ làm bánh trôi/ Mẹ làm bánh chay/ Mẹ làm bánh khúc/ Kính cẩn dâng trời đất tổ tiên". Niềm vui no ấm khiến lời thơ như những tiếng reo mừng, lúa như cũng nhanh lớn hơn và thơm hương đến"ngậy đất". Niềm vui, tình yêu lòng biết ơn trời đất và tiền nhân khiến mẹ chẳng quản khó nhọc, tự tay giã gạo thành bột, làm đủ các loại bánh trôi, bánh chay, bánh khúc "dâng trời đất tổ tiên". Những loại bánh dân dã thơm ngon ấy hội tụ tinh tuý của hạt gạo cùng cây cỏ quê nhà và tấm lòng thơm thảo của mẹ.

Thời gian trôi, quá khứ "cũ càng" đã "nuôi lớn bao cánh buồm trai trẻ". Mỗi người dù bay cao, bay xa vào bầu trời cuộc sống "muôn phương" nhưng vẫn đau đáu nhớ về thuở bé thơ, muốn được "Trở về nhà bên mẹ/ Sà vào khói bếp tháng ba". Trong bài, điệp từ "mẹ" (6 lần), điệp ngữ "tháng ba" (5 lần) cùng hàng loạt từ láy: chới với, bịn rịn, ngọt ngào thân thuộc, lóng lánh, tổ tiên, trai trẻ khiến cho bài thơ giàu nhạc điệu và gợi cảm. Đặc biệt, đại từ "ta" (5 lần) được dùng rất đắt. "Ta" – chứ không phải là "con" cá nhân trong quan hệ với mẹ; “ta” là để chỉ chung mọi người. Nhờ đó ý thơ có sức khái quát cao hơn rất nhiều.

Bài thơ khép lại rồi nhưng những dư âm và kỷ niệm về tháng ba vẫn còn lan tỏa, ngân vang mãi trong lòng bạn đọc.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.
Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

(PNTĐ) - Anima Anandkumar không chỉ là một nhà khoa học dữ liệu hàng đầu mà còn là một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sự cống hiến và những đóng góp của cô không chỉ nằm ở các nghiên cứu đột phá mà còn ở sự cam kết thúc đẩy sự phát triển có đạo đức và bao trùm của AI.
Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

(PNTĐ) - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, thanh niên với nhiệt huyết sáng tạo và bản lĩnh chính là lực lượng tiên phong mang trên vai sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay đang không ngừng nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước.
Trao con cơ hội hạnh phúc

Trao con cơ hội hạnh phúc

(PNTĐ) - Chị chỉ có một cô con gái duy nhất, năm nay 19 tuổi. Khi con thi đỗ trường đại học trên thành phố, chị dặn con: “Giờ con đi xa rồi, không có mẹ thường xuyên ở bên nhắc nhở. Con phải tập trung cho việc học, đừng có sao nhãng yêu đương gì cả. Ra trường có việc làm, mọi thứ ổn định thì yêu rồi cưới cũng chưa muộn”.
Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

(PNTĐ) - 60 năm đã trôi qua nhưng tinh thần cống hiến của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Phong trào là động lực để các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cùng dân tộc sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.