Là phụ nữ, đừng để bị… “bắt nạt”

Chia sẻ

Khi nghe câu nói ấy, hẳn nhiều người phụ nữ sẽ bật cười: “Thời nay làm gì còn phụ nữ ngoan hiền nữa, nếu cứ “đần” thế thì có mà… ế”. Thực ra, cánh đàn ông chúng tôi cũng chẳng có gì bất ngờ với sự phản ứng như thế của họ.

Phụ nữ vốn là thế, họ luôn tự hào về mình bằng vô vàn sự gai góc, đanh đá, chua ngoa để được đàn ông phủ định quyết liệt như một cách nâng niu và trân trọng.

Thật ra, người phụ nữ hôm nay có còn ngoan hiền không? Câu trả lời không dễ dàng gì với cả hai giới. Có lần, tôi nhớ mẹ tôi từng nói: Phụ nữ tuy có tỏ ra gay gắt, quyết liệt như thế cũng chỉ vì yêu chồng thương con chứ nhiều khi lại bị chồng bắt nạt. Ngẫm ra hai chữ “bắt nạt” mới thú vị làm sao.

Tôi có một anh bạn rất hay nói xấu vợ theo kiểu rất riêng mà thiên hạ thường gọi là cách “kiêu ngầm”. Chẳng là, mấy lần tôi đi công tác ở chung phòng khách sạn với anh. Sáng dậy anh kể: Giờ này mọi hôm ở nhà là tôi đến khổ với vợ chú ạ, chú biết sao không? Vừa mở mắt ra chị chú bắt anh uống một cốc nước ấm pha mật ong và chanh to đùng, nghe bảo để thải độc gan thận gì đó, tiếp đến là các món điểm tâm sáng, rồi bắt anh lựa chọn trang phục, kiểm tra xe, đến tối về lại một seri các loại đồ ăn, đồ uống… đàn bà đến là tài với cái khoản vẽ vời ấy. Cứ như anh em mình thì sáng ra đánh răng, rửa mặt, thay quần áo rồi phi một phát ra quán phở thế là xong. “Khó chịu thế mà anh không có ý kiến gì với chị à?” - tôi hỏi lại. Anh trả lời: “Có chứ, nhiều khi phát bực, anh mắng cho chị một trận nhưng rồi chứng nào lại tật ấy, đến khổ”. Biết là anh đang ngầm khoe có một người vợ quan tâm, đảm đang nhưng hai chữ “mắng cho” khiến tôi phải suy nghĩ: Làm gì đến mức một người vợ quan tâm chăm sóc chồng lại bị mắng mỏ, làm gì đến mức người sắc sảo như chị ta lại bị lép vế? Chẳng lẽ, thời nay phụ nữ vẫn bị “bắt nạt” thế sao?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nếu nhìn vào điệu bộ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, hành động bên ngoài thì đúng là phụ nữ ngày nay đã chủ động, mạnh mẽ và có phần quyết liệt hơn nhiều. Nhưng, nếu để ý đến hành động, đến những quyết định của họ trong cuộc sống mới thấy nhiều người trong số họ đang ngoan hiền đến mức bị “bắt nạt” thật sự. Có lẽ, tất cả xuất phát từ suy nghĩ khá ngây thơ, có phần hơi phong kiến của phụ nữ. Tôi đã từng chứng kiến mấy cô em họ khi đang yêu thì đều rất chảnh. Mỗi khi người yêu đến muộn hay lựa quà tặng không hợp sở thích, nói năng không tâm lý lập tức bị các cô cho nếm mùi “chiến tranh lạnh”. Đến khi đồng ý kết hôn các nàng cũng khá cầu kì trong chuyện lựa địa điểm chụp ảnh cưới, lựa nhà hàng tổ chức tiệc cưới, lựa tour du lịch cho tuần trăng mật… Nhưng rồi khi chung sống, chẳng biết có phải vì quy luật vay-trả, bù trừ hay không mà các cô em tôi đều gặp phải những anh chồng thuộc vào dạng lóng ngóng, vụng về hết chỗ nói.

Anh thì đang ru con đã ngủ, anh thì cho con ăn mấy lần sặc cháo suýt nguy hiểm tính mạng. Thế nhưng các cô lại tự an ủi và bảo vệ chồng trước dư luận: Đàn ông ai chẳng vụng. Chưa hết, khi các ông chồng bắt đầu nảy sinh nhậu nhẹt liên miên, không hỗ trợ kinh tế cho vợ trong cuộc sống gia đình, mắng chửi, đánh đập vợ… các cô vẫn bênh vực bằng một lý lẽ khác: Dù thế nào thì phụ nữ vẫn cần một người đàn ông trong nhà. Ngẫm ra, khái niệm “đàn ông” ngày hôm nay vẫn phảng phất những quyền uy gia trưởng, những “đặc quyền” ích kỷ khi sẵn sàng phó mặc công việc gia đình cho người vợ của mình. Hay nói cách khác, chính người phụ nữ đã đánh mất vị thế của mình, tự đặt lên vai mình sự đè nén để rồi phải chịu nhiều đau khổ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc bị “bắt nạt” còn đến từ sự nhân hậu không đúng đối tượng, sự hy sinh không đúng chỗ của nhiều chị em. Chúng ta vẫn thường nhắc đến câu thành ngữ trong xã hội hiện đại “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” như một phương hướng xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong thực tế, chỉ người nắm giữ kinh tế, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình mới có tiếng nói, có uy lực, uy lực ấy đến từ sự thừa nhận của chính người vợ. Phụ nữ coi đó là “đại công” của chồng và nghiễm nhiên lấy đó làm lý do để miễn tội cho những kẻ vũ phu, thiếu trách nhiệm kia. Họ tặc lưỡi, mình hy sinh vì chồng, vì con mình thì đi đâu mà thiệt, việc gì phải gay gắt hơn thua.

Ngẫm ra, đang có khá nhiều phụ nữ trở thành bà mẹ đơn thân cũng chỉ vì sai lầm đó. Giá như họ nhận ra được vai trò của mình, mạnh mẽ, cương quyết khẳng định vị thế của mình thì mọi chuyện đã khác. Biết đâu khi ấy, người đàn ông của họ kịp thay đổi thì họ đã giữ được hạnh phúc gia đình. Có lẽ phải đến khi hôn nhân đổ vỡ thực sự người phụ nữ mới nhận ra và hối tiếc.

Ở phía ngược lại, tôi từng gặp những người phụ nữ nhỏ nhẹ, dịu dàng nhưng khi cần cũng lắm chiêu. Có cô phát hiện ra sau khi lên chức, chồng mình luôn có một cô nhân viên “theo kèm” như hậu vệ với tiền đạo đối phương. Thay vì phản ứng gay gắt với chồng, trong một lần sắp xếp tư trang cho anh đi công tác, cô nhẹ nhàng đặt vào túi áo chồng bao cao su loại đắt tiền nhất. Anh chồng khi phát hiện ra đã tái mặt. Người phụ nữ thông minh biết lúc nào mềm mỏng, nhường nhịn, lúc nào cương quyết, mạnh mẽ mới có thể điểm huyệt trị được những ông chồng lắm bệnh, nhiều tật như thế.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Là phụ nữ đừng để bị bắt nạt” đó là thông điệp, là mong muốn ở những người đàn ông luôn muốn trân trọng và nâng niu phụ nữ. Khi bạn đánh mất đi vị thế của mình, không chỉ bạn mất đi tiếng nói, mất đi quyền chủ động trong hôn nhân mà bạn còn đánh mất cơ hội bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mong những người phụ nữ hãy đừng quên một điều dù có yêu thương người bạn đời của mình đến nhường nào, có tin tưởng, kính trọng đến đâu cũng cần đấu tranh cho quyền bình đẳng khi cần thiết. Hay nói cách khác, một con mắt đắm say mơ màng thì con mắt còn lại phải luôn tỉnh táo để ý, nghe ngóng, dè chừng. Người ta thường nói rằng tình yêu không phải là điều bất biến, tình yêu như cái cây cần được chăm sóc, giữ gìn thì mới luôn xanh tốt. Thiết nghĩ, niềm tin trong tình yêu cũng tương tự như vậy, niềm tin chỉ có thể tồn tại khi người được tin tưởng vẫn luôn giữ được những phẩm chất của mình.

LƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.