Lạc trong em

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Thu về ngõ nhỏ lao xao

Để ta ngơ ngác, lạc vào trong em

Nắng còn vài sợi vấn vương

Mưa còn vài hạt gửi hương tóc mềm

Bước chân ai thoảng qua thềm

 Để ta vừa mất dáng em cả đời

Thương nhau từ thuở chín mười

Bên nhau ríu rít suốt thời mộng mơ

Tưởng rằng chín đợi, mười chờ

Rồi ta sẽ viết giấc mơ cuộc đời

Giờ thì phảng phất miệng cười

Lặng im ánh mắt, trọn lời chia xa

Chiều thu lãng đãng qua nhà

Tôi về gom lá làm quà tặng tôi.

                                        Lê Hoàng

Lạc trong em - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Lục bát là một thể thơ truyền thống có sức lay động tâm hồn người Việt. Chẳng biết từ khi nào những câu ca dao đã nhuần nhị nhịp sáu, tám truyền từ đời này qua đời khác trở thành những khúc ca tâm hồn, nói hộ lòng người những thở than, tê tái, tiếc nuối, bâng khuâng. Và, cho đến hôm nay thể lục bát vẫn có được chỗ đứng riêng cho mình. Bài thơ Lạc trong em của tác giả Lê Hoàng với 6 cặp câu nhưng đầy ắp cảm xúc với những biến tấu bất ngờ. Hãy thử đọc và suy ngẫm:

Thu về ngõ nhỏ lao xao

Để ta ngơ ngác, lạc vào trong em

Mùa thu được cảm nhận từ sự trống vắng, mất liên lạc giữa không gian và sự miên man, thảng thốt của tâm hồn con người. Đúng là con ngõ thân thương ấy, nơi có ngôi nhà của em trong đôi mắt người đang yêu thật đặc biệt. Chỉ cần đó là nơi ta thấy bình yên, là người ta muốn gặp thì không có gì là muộn màng:

Nắng còn vài sợi vấn vương

Mưa còn vài hạt gửi hương tóc mềm

Nắng và mưa là hai phạm trù đối lập nhưng ở đây lại đồng điệu mang biểu tượng của tuổi trẻ, của duyên phận. Những vấn vương (Nắng còn vài sợi vấn vương), những ký thác gửi gắm (gửi hương tóc mềm) gợi niềm hy vọng trong tâm hồn để rồi lại thoáng hụt hẫng:

Bước chân ai thoảng qua thềm

Để ta vừa mất dáng em cả đời

Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhà thơ đã cảm nhận được một quy luật: Khi ta kịp nhận ra điều ta yêu thương nhất cũng là lúc ta đánh mất. Hình ảnh “Bước chân ai thoảng qua thềm” vừa như nhìn thấy bằng đôi mắt, vừa như được cảm nhận bằng sự rung động của trái tim. Vừa thoáng đó mà đã xa, đã mất, vừa mới thấy nhau đã chia lìa. Hình ảnh của quá khứ lại hiện về đầy ắp, tựa như còn bên nhau thuở nào:

Thương nhau từ thuở chín mười

Bên nhau ríu rít suốt thời mộng mơ

Cả một trời hoa niên mơ mộng, những rung động đầu đời (Thương nhau từ thuở chín mười) càng khiến cho người con trai, nhân vật trữ tình thấy tiếc nuối. Để rồi:

Tưởng rằng chín đợi, mười chờ

Rồi ta sẽ viết giấc mơ cuộc đời

Ở đây có một sự thú vị của các con số. Thuở “chín mười” và “chín đợi mười chờ” là sự tương đồng về số lượng nhưng lại là sự tương phản về cảm xúc. Một đằng là sự ít ỏi (nhỏ tuổi, khi còn thơ bé), một đằng là sự đằng đẵng của thời gian. Đối lập ấy tạo ra vẻ đẹp cho bài thơ Lạc trong em. Hôm nay, khi tất cả đã xa xôi mới thấy hết sự xót xa:

Giờ thì phảng phất miệng cười

Lặng im ánh mắt, trọn lời chia xa

Dường như, hai người vẫn có những lần gặp gỡ, vẫn đối diện nhưng đã thuộc về những chân trời xa lạ. Với người thi sĩ, sự đối diện với chính lòng mình là cách tốt nhất để anh lưu giữ những kỷ niệm, để anh cảm nhận được rõ nét nhất những rung động trong tâm hồn mình:

Chiều thu lãng đãng qua nhà

Tôi về gom lá làm quà tặng tôi.

Bài thơ khép lại đầy bất ngờ và sâu lắng bởi những dư âm của cảm xúc.          

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.