Làm gì khi vợ chồng cãi nhau?
(PNTĐ) - Hôn nhân mà không có cãi nhau thì khác nào… tình đồng chí? Việc hai vợ chồng cãi nhau thực ra cũng rất tốt nếu như cuộc tranh cãi đó không phải phân định ai thắng ai thua, mà là để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất cho cả 2, cho cuộc hôn nhân này.
Cãi nhau có gì… vui?
Thật ra nó chẳng có gì vui vẻ ở đây cả. Nhưng nếu chúng ta cứ tránh né cãi nhau (vì nó phiền chết đi được) thì hôn nhân nguy to. Bởi khi đó, chúng ta chẳng ai hiểu thực sự bạn đời của mình đang nghĩ gì nữa. Tất cả những gì chúng ta hiểu về nhau khi đó sẽ chỉ là… suy đoán của riêng ta. Bởi có cãi nhau đâu mà ta biết thái độ, quan điểm, suy nghĩ thực sự của người kia thế nào? Ngay cả khi một trong hai từ chối những cuộc cãi nhau thì điều đó sẽ khiến người còn lại ôm cục tức ngày một phình to.
Ở một góc độ nào đó, việc từ chối cãi nhau đôi khi cũng bị coi là một dạng… bạo hành lạnh. Bởi trái ngược với yêu thương vốn không phải là ghét bỏ, mà là sự thờ ơ, bỏ mặc. Khi đối phương thờ ơ, bỏ mặc bạn đời trong cơn cáu giận, tức tối thì quả thực nó sẽ khiến bạn đời thương tổn ghê gớm. Đặc biệt là với phụ nữ, những người coi trọng sự quan tâm, lắng nghe của chồng và đánh đồng nó với tình yêu.
Cãi nhau không có gì là vui cả nhưng là cần thiết nếu chúng ta muốn có cuộc hôn nhân lớn lên một cách lành mạnh. Là khi chúng ta được quyền xả những cảm xúc mà ta cho là rất tệ hại đang xảy ra trong mình, với người bạn đời của mình. Đó là phản ứng vô cùng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, xả thế nào, xả đến đâu thì lại là nghệ thuật cãi nhau với chồng rồi.

Tôi luôn cho rằng mọi cuộc hôn nhân cũng nên cãi nhau đôi lúc. Nhưng hãy là cãi nhau có mục đích, mục tiêu rõ ràng chứ không chỉ thuần để xả cảm xúc. Đừng nín nhịn nhưng cũng đừng bạ đâu cũng xả, xả loạn xạ. Bởi mục đích của mỗi cuộc cãi nhau phải rõ ràng.
Là “em đang điên đây, anh ngồi đó, nghe cho rõ này” khi bạn muốn cãi nhau chỉ để xả. Hay “em nghĩ chúng ta cần nói chuyện một cách thẳng thắn để cả hai cùng rõ ràng vấn đề” khi bạn muốn cãi nhau để tìm ra điểm dung hoà giữa hai quan điểm, để bày tỏ suy nghĩ cá nhân và lắng nghe suy nghĩ của phía bên kia. Hoặc cũng có thể cãi nhau vì những bức xúc trong lòng bạn cần đối phương phải đưa ra phương án giải quyết. Mỗi mục đích khác nhau cần có một cuộc cãi nhau khác nhau là thế. Đừng đánh đồng mọi cuộc cãi nhau làm một. Bởi nếu vậy, cuộc cãi nhau nào cũng sẽ trở thành… vô bổ.
Cãi nhau thì hãy nhớ…
Là phải nhớ, và nhớ rất kỹ nếu như bạn không muốn cãi nhau xong là… ly dị. Bởi có quá nhiều những cuộc cãi nhau đã đẩy cuộc hôn nhân xuống vực thẳm không thể nào cứu lại nổi. Nhẹ thì thương vong, hôn nhân xây xước, nặng hơn thì thương tật, bạn đời sẽ chẳng nguôi quên, tệ hơn thì thương tổn sâu, hôn nhân chết lâm sàng chỉ đợi ngày rút ống thở đem chôn.
Là đừng cãi nhau trước toàn thể “bá quan văn võ”, trước đám đông hiếu kỳ hay giữa đường giữa quán. Khi đó, cả hai sẽ vì thể diện của mình mà sẵn sàng một sống hai chết với đối phương. Là còn chưa kể mọi người sẽ xem thường bạn dù bạn đúng mười mươi. Chẳng ai muốn biến cuộc cãi nhau đó thành những cái clip đăng tràn lan trên mạng hay trở thành chuyện đàm tiếu của thiên hạ. Bạn đời của bạn có thể khùng lên và tệ hơn, nó có thể biến thành một cuộc ẩu đả.

Là cũng đừng cãi nhau trước mặt con cái hay cha mẹ hai bên. Người già và trẻ nhỏ rất nhạy cảm. Với các con, hình ảnh cha mẹ cãi nhau chắc chắn sẽ ám ảnh chúng suốt đời. Với cha mẹ hai bên, nếu họ yêu thương bạn, họ cũng sẽ càng lo lắng, u uất, ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ. Càng yêu thương bạn nhiều, họ càng đau đớn hơn, cả cha mẹ lẫn con cái của bạn vậy.
Là cãi nhau hôm nay đừng nói chuyện hôm qua. Việc chúng ta chuyện nọ xọ chuyện kia, lôi sổ ra tính toán lỗi lầm cũ chỉ khiến cho chúng ta trở nên yếu thế hơn. Đối phương sẽ cho rằng bạn là kẻ thù dai và họ cũng sẽ tìm kiếm, bới móc lại quá khứ của bạn. Cứ leo thang vậy đến lúc cả hai cùng kiệt quệ. Không phải bạn cần bao dung mà chỉ là bạn cần tách bạch. Cho dẫu lỗi lầm cũ có liên đới đến lỗi lầm nay đi chăng nữa thì bạn chỉ nên nhắc lại nếu bạn muốn nói nốt lần cuối rồi ta ly dị mà thôi.
Một điều nữa bạn phải nhớ: Cãi nhau thì đừng lôi cha mẹ, người thân vào cuộc. Đừng xúc phạm cha mẹ, người thân của bạn đời, cho dẫu họ cũng có phần trong nguyên nhân cãi vã này. Là chồng bạn có lỗi chứ không phải cha mẹ anh ta. Lỗi của chồng bạn là đã để xảy ra tình huống này. Nhiều người vợ cay cú mẹ chồng mà quên rằng việc trao đổi với mẹ chồng là trách nhiệm của chồng chứ không phải của bạn. Giữ đạo làm con ngay cả khi người phụ nữ kia không sinh ra bạn. Bởi bạn với chồng mình không còn là người dưng xa lạ nữa nên mẹ của chồng bạn cũng chính là một người thân, người nhà của bạn.
Cũng vậy, đừng đem chuyện hai vợ chồng cãi nhau về kể cho cha mẹ bạn hay người thân của bạn nghe. Bởi có thể khi đó bạn đang vô cùng tức giận, những câu nói của bạn, lời kể của bạn có thể khiến cha mẹ bạn, người thân của bạn nhìn chồng bạn trở nên xấu xí hơn, lệch lạc hơn. Và điều đó vô tình khiến mối quan hệ giữa cha mẹ vợ với con rể trở nên xấu đi. Bạn đâu có muốn chồng bạn bị ghẻ lạnh sau này khi hai vợ chồng hoà thuận trở lại chứ?
Cãi nhau bằng miệng, đừng cãi nhau bằng tay chân. Đập phá đồ đạc là điều vô cùng tối kị. Dù bạn có cáu giận đến cỡ nào thì việc đập phá đồ đạc kể cả bạn là phụ nữ cũng nhìn vô cùng… gớm ghiếc. Càng không thể lao vào cào cấu, đánh đấm. Kể cả bằng… lưỡi của những lời độc địa dành cho nhau.
Và cuối cùng, cãi nhau thì cứ cãi nhau, đừng doạ ly hôn. Bởi như chú bé chăn cừu đó thôi, cứ hở tí kêu “Sói đến” đến khi Sói đến thật, chẳng ai giúp mình đâu. Việc hở tí cãi nhau là đòi ly hôn sẽ khiến cho đối phương nghĩ rằng bạn chẳng trân trọng cuộc hôn nhân này chút nào cả. Và họ cũng sẽ dần dần học theo bạn, coi nhẹ hôn nhân này, cùng lắm là ly dị, lần nào cãi nhau chẳng lôi chuyện ly dị ra?
LỜI KẾT
Tôi đọc được những câu này trong một cuốn sách: “Chồng là tay trái, vợ là tay phải. Tay trái sờ vào tay phải không có cảm giác gì; nhưng có ngày tay trái chảy máu, tay phải nhất định sẽ giúp cầm máu. Vì vậy, đừng ghét tay phải, càng không nên ghét bỏ tay trái. Vì tay trái nắm lấy tay phải tạo nên cuộc sống trọn vẹn, nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, bình lặng mới thực sự là hạnh phúc”. Tôi hy vọng, nếu bạn đọc đến đây rồi thì hãy biến cuộc cãi nhau là “xúc tác” của hôn nhân chứ không phải là “liều thuốc” giết chết hôn nhân của mình nhé.