Làm sao để xây dựng môi trường học online an toàn cho trẻ

Chia sẻ

Trong giai đoạn học online, đã có những vụ việc đau lòng xảy ra cho trẻ em khi các con đang ở trong nhà hoặc khi đang học trực tuyến. Điều này một lần nữa cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ cần phải xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ trong chính tổ ấm của mình.

Những sự việc đau lòng

Cách đây mấy hôm, một vụ tai nạn thương tâm khi học online đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, em N.V.Q - học sinh lớp 5 trường tiểu học Nam Anh (huyện Nam Đàn) đang học online ở nhà ca từ 15h-17h bằng điện thoại thì điện thoại bị phát nổ, làm cháy quần áo. Nghe tiếng la hét, hàng xóm chạy sang và đưa em đi cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng, nhưng em Q không qua khỏi. Được biết, hoàn cảnh gia đình Q rất khó khăn. Trong quá trình học, điện thoại hết pin nên em đã vừa học vừa sạc.

Trước đó, ngày 10/9, cháu D - một học sinh lớp 5, trường tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng bị điện giật tử vong khi đang chuẩn bị học online tại nhà. Lúc sự việc xảy ra, mẹ em đã đi làm còn bố vừa ra ngoài có việc riêng, ở nhà chỉ có hai anh em, trong đó D là anh cả. Theo lịch học hàng ngày ở lớp, 7h50 phút, học sinh sẽ vào phòng học để điểm danh và 8h bắt đầu tiết học đầu tiên. Trong lúc chuẩn bị vào học, do máy tính gặp trục trặc, em đã dùng que ngoáy tai bằng sắt chọc vào ổ điện, dẫn đến bị điện giật tử vong. D được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuối tháng 9/2021, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Thành Công (SN 1978, trú tại phường Xuân Đỉnh) về tội “Cố ý gây thương tích”. Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian học online tại nhà, Lê Thành Công thường xuyên kèm cặp con gái là cháu L.H.A (học sinh lớp 1A6 trường tiểu học Xuân Đỉnh) học. Khoảng 11h ngày 16/9 trong lúc kèm con học, vì bé A tiếp thu chậm nên Công đã bực tức, dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh vào chân, tay, mông và lưng con gái. Theo hồ sơ vụ án, đến 16h cùng ngày, chị Đ (mẹ cháu A) cho cháu ăn cháo và uống một viên Panadol. Sau đó, L.H.A bị nôn nhiều, được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh viện xác nhận bé gái đã chết trước khi được đưa vào viện.

Cần xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ

Trẻ em ở nhà nhiều hơn, học trực tuyến nhiều hơn nên tiếp xúc với môi trường mạng nhiều hơn. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ước tính cả nước có khoảng 7.350.000 học sinh học trực tuyến nhằm hạn chế các nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trong số 25 triệu trẻ em có khoảng 16 triệu trẻ có cơ hội tiếp cận với internet hằng ngày, nên kéo theo nhiều rủi ro cho trẻ. Theo thống kê những tháng gần đây, đường dây 111 của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em tiếp nhận tới 40.000 đến 50.000 cuộc gọi mỗi tháng, chủ yếu liên quan đến dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em...

Bác sỹ, chuyên gia cao cấp về trẻ em Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho rằng, trẻ em học online có nhiều hệ luỵ không mong muốn như: sự gò bó về không gian và bức bối về thời gian gây áp lực lớn đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ; Trẻ ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính ảnh hưởng đến mắt và hệ cơ xương, nguy cơ cao bị các tật về khúc xạ mắt. Nếu không có sự giám sát của người lớn, các em có thể tiếp cận với thông tin xấu, độc hại hoặc bị bắt nạt qua mạng… Do đó, bên cạnh nỗi lo lắng về dịch bệnh, các cha mẹ hãy dành thời gian chăm sóc, quản lý, giáo dục con, đặc biệt chú ý phòng tránh các vấn đề tai nạn thương tích xảy ra trong sinh hoạt gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm nom trẻ. Vì vậy, việc xây dựng “ngôi nhà an toàn” cho trẻ em sẽ góp phần phòng, chống các tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ em bất cứ lúc nào ngay trong ngôi nhà của gia đình mình” – bác sỹ An cho biết.

Không những thế, áp lực từ việc giáo dục con cái cùng các áp lực xã hội khác như bị giảm lương, mất việc làm… khiến cho cha mẹ dễ dàng trút lên trẻ. Vấn đề bạo lực đối với trẻ em vì thế nay càng trầm trọng hơn. Báo cáo gần đây liên quan đến Covid-19 chỉ ra rằng, việc hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự cùng với áp lực căng thẳng về kinh tế, xã hội hiện tại đang làm gia tăng mâu thuẫn trong nhiều gia đình, dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 171.000 cuộc gọi đến, 967 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo, trong đó có hơn 15.000 ca tư vấn và 706 ca hỗ trợ, can thiệp trẻ em. Tỷ lệ cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng mạnh ở các nội dung liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em (chiếm 52,3%, tăng 13,3% so với 6 tháng đầu năm 2020)…

Theo các chuyên gia, điều mà cha mẹ cần làm là hãy chậm lại, cân bằng và kiểm soát căng thẳng của mình; Hãy lưu tâm đến yếu tố an toàn và thoải mái của con khi con học trực tuyến; Cha mẹ không nên để các con một mình khi chưa chắc chắn về những kỹ năng bảo vệ sự an toàn của con và khi con chưa sẵn sàng. “Trên hết, cha mẹ cần trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ vững vàng khi ở nhà một mình hoặc tự học trực tuyến như: hướng dẫn trẻ kỹ năng ứng phó với tình huống bất ngờ xảy ra như hoả hoạn, nghi ngờ bắt cóc…; Luôn để sẵn một điện thoại di động bên cạnh và dán số điện thoại quan trọng: Cảnh sát 113, Chữa cháy 114 và Cấp cứu 115 ở ngay đầu danh sách rồi đến số điện thoại của người thân trong gia đình, bạn bè, họ hàng đáng tin cậy để trẻ có thể gọi hỗ trợ trong trường hợp sự cố xảy ra” – bác sỹ Trọng An cho biết.

Sau giờ học, cha mẹ hãy hỏi con về những kiến thức con đã học được sau buổi học, xem lại nội dung mà con gặp khó khăn hoặc củng cố kiến thức con đã học được. Xem lại bài tập con đã hoàn thành sẽ giúp bạn nắm được sơ bộ sự tiếp thu của con… “Tôi kêu gọi cha mẹ hãy nắm vững kỹ năng về xây dựng ngôi nhà an toàn, luôn để mắt và giám sát trẻ, bảo vệ trẻ em phòng tránh các loại tai nạn thương tích từ nhà mình như uống nhầm thuốc của người lớn hoặc hoá chất tẩy rửa trong nhà vệ sinh, ẩn hoạ từ điện, bỏng cháy, ngã cầu thang, ngã ban công… cho đến đuối nước trong nhà tắm, chum vại, xô chậu, ngã cầu thang, lan can nhà cao tầng” – bác sỹ Trọng An khuyên.

AN TÚ

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.