Làng lụa Hà Đông và vị nữ Thành Hoàng đặc biệt

Chia sẻ

Nói tới Hà Đông - Hà Nội ai cũng nghĩ ngay tới đất Lụa Vạn Phúc - nơi nổi danh với nghề dệt lụa xưa nay.

Trải qua 1.156 năm, chúng ta hãy cùng tìm về nơi đây, ngược dòng thời gian để trở lại thuở ban đầu, tìm hiểu về người phụ nữ tài sắc đã khơi nguồn, truyền dạy nghề dệt lụa nổi danh tới ngày nay và trở thành vị Nữ Thành Hoàng làng - Ngài Ả Lã Đê Nương với danh hiệu đầy đủ là: Đương Cảnh Thành Hoàng Quốc Vương Thiên Tử Nga Hoàng Đại Vương.

Dòng Nhuệ Giang của 24 năm về trước thật trong xanh và thơ mộng với những ngôi cổ tự, đền, miếu trang nghiêm, thoang thoảng hương hoa, huyền bí trong những ngày lãng đãng có hơi sương, hơi nước bên sông. Khi đó, chúng tôi là những cô cậu sinh viên hay rủ nhau xuống Hà Đông, đi dạo, ngắm phong cảnh, đắm mình vào cảnh sắc của những khu làng ven sông hoặc rủ nhau ra dãy café nổi tiếng ở giữa cầu Đen và cầu Trắng để xem bọn con trai thách nhau bơi qua sông. Không ai trong số chúng tôi ngày đó biết rằng, ngôi miếu trang nghiêm, đẹp đẽ bên bờ sông Nhuệ, đầu lối từ sông Nhuệ vào làng Vạn Phúc lại là ngôi miếu thờ một người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi và đức độ - người đã khơi nguồn cho nghề dệt lụa nổi danh Hà Nội tới tận ngày nay. Bà còn là vợ hai của An Nam Tiết độ sứ Cao Biền - nhân vật lịch sử nhưng nhuốm màu huyền hoặc, nổi danh thầy phù thủy cao tay chuyên trấn yểm ở Việt Nam.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chúng tôi đã trở lại mảnh đất này với tất cả sự tò mò và ngạc nhiên để tìm hiểu về ngôi miếu ấn tượng khi xưa, tìm hiểu về người phụ nữ đặc biệt trên. Tới nơi thắp hương, qua bản “Thần phả” tại đền tôi mới vỡ lẽ: Quả thật Thành hoàng làng, đồng thời là bà tổ nghề dệt của đất lụa Hà Đông là vợ thứ hai của ngài Cao Biền.

Có rất nhiều câu chuyện bí ẩn liên quan tới Cao Biền ở Việt Nam khi ông sang làm An Nam Tiết độ sứ nhưng không thể phủ nhận công lao của ông đối với nước ta mà chính sử còn ghi: ông đã đánh lui quân Nam Chiếu - được Lý Ông Trọng, một danh tướng nổi tiếng thời Hùng Vương trợ giúp; Xây thành Đại La đồ sộ, kiên cố ngăn giặc giã tấn công; Giải quyết những trở ngại về thủy lộ và giao thông cho Giao Chỉ; Nhiều nơi trên đất Việt Nam nhân dân đã thờ cúng, tôn vinh ông và khẳng định ông là nhân thần. Ví như tại đình Kim Lan, làng gốm cổ Gia Lâm có tôn tượng của ông và được dân làng tôn kính thờ tự là ông tổ nghề làm gốm của làng. Cũng trong thời điểm này, ông đã được biết và nghe danh người thiếu nữ xinh đẹp, tài giỏi, có chí khí ngút trời là hậu duệ Hùng Vương, dòng dõi cao quý tên là Ả Lã Đê Nương (hay dân gian còn gọi là Lã Thị Nga), sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Tỵ, sống cùng cha mẹ tại Châu Tụ Long, đạo Tuyên Quang nên đã tìm đến mối mai, cưới xin làm vợ, phong bà là Nga Hoàng đệ nhị cung phi tại thành Đại La.

Ngài Tiết độ sứ Cao Biền rất yêu chiều và tôn trọng người vợ trẻ tuổi này, do vậy, đi thăm thú nơi nào, ông đều cho bà theo cùng. Trong “Thần phả” ghi: “Sau khi kết duyên với Biền Công, bà cùng chồng đi chu du trong nước, phàm chỗ nào dừng chân đều cho lập hành cung để nghỉ ngơi”. Trong những chuyến đi này, Cao Biền đã đưa vợ tới ấp Vạn Bảo (sau đổi là Vạn Phúc tới ngày nay), do có biệt tài về địa lý, phong thủy nên Cao Biền đã trò chuyện với vợ về đặc điểm của vùng đất mới. Vốn là người có chí khí hơn người nên chưa tròn đôi mươi Ả Lã Đê Nương đã xin chồng lưu lại vùng quê mới để gây dựng cơ đồ. “Thần phả” cho biết: “Khi đến ấp Vạn Bảo, thấy sông núi bao quanh, thế đất “Rồng chầu hổ phục”, ngôi chùa ở đầu làng với hai giếng nước trong xanh báo hiệu có: “Tú khí Dưỡng Thanh Long” (khí thiêng nuôi rồng xanh) nên bà rất vui vẻ, xin chồng ở lại. Biền Công tìm nơi đất có sông nhỏ bao quanh, có Sao Thổ chiếu phía sau và truyền xây cung thất cho vợ, sau này sẽ làm nơi thờ tự. Từ đó, bà ở cùng dân, khuyên dạy dân làm điều phải, bỏ điều trái, nam đi học, làm ruộng - nữ tầm tang canh cửi”. Bà đã truyền dạy nghề dệt cho dân, khuyên dân không giết hại trâu bò để tập trung vào sản xuất.

Bà mất vào 25 tháng Chạp: “Khi bà đang đứng ở hành cung, một chiếc thuyền rồng hiện ra giữa sông, có một vị Tướng quân cầm cờ vàng đến tâu: Phụng mệnh Đông hải Chí Thánh rước bà về Thủy cung”. Bà ra đi, để lại khăn và áo.

Bà nổi tiếng linh thiêng, giúp nhiều đời Vua phong kiến cũng như các chiến sĩ cách mạng thắng giặc ngoại xâm. Tới nay, trải qua các triều Đinh - Lê - Lý - Trần bà được ban 11 sắc phong với tước hiệu: “Quốc Vương Thiên Tử - Nga Hoàng Đại Vương”.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.