Lăng mộ thi sĩ - Quan Thượng thư Dương Khuê

Chia sẻ

Thi sĩ Dương Khuê (1839 -1902), tên tự là Giới Nhu, hiệu Vân Trì, xuất thân trong một gia đình nhà Nho quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Cùng với một số thi nhân, danh sĩ đương thời, Dương Khuê đã phát triển, nối liền dòng mạch văn học các nhà nho tài tử nửa cuối thế kỷ XIX, có những đóng góp làm phong phú thêm văn học và nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Từ nhỏ, nhờ chuyên cần, Dương Khuê là người văn hay, chữ tốt. Năm 1864, Dương Khuê thi Hội và đỗ Cử nhân, cùng khoa này Nguyễn Khuyến đỗ Hội nguyên. Mặc dù Dương Khuê kém Nguyễn Khuyến 4 tuổi nhưng hai người là bạn đồng khoa chơi với nhau rất thân thiết. Năm Mậu Thìn (1868) thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình, sau đó đỗ Tiến sĩ, được bổ làm tri phủ Bình Giang (Hải Dương), được thăng làm Bố chánh rồi Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định - Ninh Bình. Khi triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Patenôtre với Pháp năm Giáp Thân (1884), đặt cơ sở cho guồng máy cai trị của Chính phủ bảo hộ, thì Dương Khuê xin cáo quan về trí sĩ khi 58 tuổi, được tặng hàm Thượng thư Bộ Binh.

Sự nghiệp sáng tác thơ của ông, nổi tiếng nhất là bài Hồng hồng, Tuyết tuyết, - bài thơ phổ cập cho những người bắt đầu hát ca trù. Hai anh em Dương Khuê, em trai là danh sĩ Dương Lâm, cùng với các tài tử văn nhân khác: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm…đã góp phần phát triển, làm nghệ thuật ca trù trở nên nổi tiếng. Năm 2009, ca trù được UNESCO ghi danh là di sản phi vật thể cần được bảo vệ.

Lăng mộ thi sĩ - Quan Thượng thư  Dương Khuê - ảnh 1

Dương Khuê mất ngày 6 tháng 3 năm Nhâm Dần (1902) thọ 63 tuổi. Nghe tin, Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến làm bài thơ Khóc bạn để viếng. Bài thơ trở nên nổi tiếng không chỉ đương thời mà đến nay vẫn được ghi nhận là một trong những áng thơ hay nhất về tình bạn tri âm tri kỷ, được giảng dạy trong chương trình Trung học phổ thông. Tác phẩm của Dương Khuê để lại có Vân Trì thi thảo (Bản thảo thơ Vân Trì) và một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng…

Nghiên cứu tìm hiểu về Dương Khuê, được biết một điều thú vị khác là: Có một bài thơ của ông được dân gian hóa, trở thành một trong những bài ca dao hay nhất. Điều đó căn cứ vào tài liệu do nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn sưu tầm. Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, vào năm 2000, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin in cuốn Thăng Long thi văn tuyển do nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn biên soạn. Sách giới thiệu các tác phẩm thơ văn tiêu biểu viết về Thăng Long của 50 tác giả từ triều Trần đến triều Nguyễn. Đáng chú ý là cuốn sách đó giới thiệu bốn câu thơ của thi sĩ Dương Khuê như sau:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

Bài thơ trên từ lâu đã được nhân dân Hà Nội yêu thích, lan truyền rộng rãi khắp nơi. Từ các làng quê hay phố thị, những người mẹ, người bà ru con, ru cháu thường hát những câu thơ ngọt ngào vừa dễ nhớ, dễ thuộc và chan chứa tình yêu thắng cảnh quê hương này. Các địa danh trong thơ đều ở Hà Nội. Trải qua bao biến thiên và chiều dài năm tháng, câu thơ Phất phơ ngọn trúc trăng tà được cải biên thành Gió đưa cành trúc la đà. Không chỉ có thế, bài thơ còn đến với nhân dân xứ Huế mộng mơ. Và khi đến với đất cố đô, tiếng chuông Trấn Vũ được đổi là tiếng chuông Thiên Mụ cho hợp với cảnh và tình con người vùng sông Hương núi Ngự.

Dương Khuê đã đi xa nhưng nhưng những đóng góp của ông để lại cho đời thì còn mãi. Gần đây, (28/10/2021) cùng với nhiều danh nhân, văn sĩ khác, tên của Dương Khuê được vinh danh đặt tên cho một đường phố thuộc quận Cầu Giấy - Hà Nội.

Riêng lăng mộ thi sĩ – quan Thượng thư Dương Khuê ở thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình, ngày 10/4/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã trao Bằng xếp hạng Di tích cấp thành phố.

THÁI DŨNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.