Làng nhạc Việt ứng biến không ngừng thời Covid

Chia sẻ

Sau một thời gian tạm nghỉ giãn cách xã hội, nhiều nghệ sĩ Việt đã “tái xuất” trên những sân khấu đặc biệt. Một số nghệ sĩ và ê-kíp tìm cách sản xuất chương trình theo hình thức mới thích ứng để phục vụ khán giả, góp sức vào công tác phòng chống đại dịch.

Những sân khấu đặc biệt

Với mong muốn lan tỏa niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tuyến đầu đang tham gia phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19, những ngày vừa qua, nhiều chương trình âm nhạc đặc biệt đã được tổ chức ngay tại những bệnh viện dã chiến, khu cách ly tại TP.HCM.

Vừa qua, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc quần áo bảo hộ, hát trên sân khấu tại bệnh viện dã chiến số 6, 7, 8, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, động viên tinh thần người mắc Covid-19 và các y bác sĩ. Đàm Vĩnh Hưng cho biết, đây là sân khấu đặc biệt nhất anh từng trình diễn. Các nghệ sĩ tận dụng mọi vị trí để hát, chẳng hạn căng back-drop lên xe tải làm sân khấu. Lần đầu trình diễn khi đeo khẩu trang, cộng thêm chứng viêm xoang, đôi lúc anh bị ngộp vì khó lấy hơi. Tuy nhiên, anh vẫn muốn truyền tinh thần tích cực lúc này.

Đàm Vĩnh Hưng hát tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: BTCĐàm Vĩnh Hưng hát tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: BTC

Trước đó, NSND Tạ Minh Tâm cùng các nghệ sĩ tình nguyện cũng tổ chức chương trình văn nghệ tiếp thêm tinh thần lạc quan, năng lượng tích cực cho các y bác sĩ và các bệnh nhân tại bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM). Mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang hát đem lại cảm xúc đặc biệt, là kỷ niệm khó quên đối với NSND Tạ Minh Tâm. Tuy nhiên, anh từng hát ở những nơi không có âm thanh hay nhạc đệm nên không khó khăn gì khi hát ở sân khấu bệnh viện dã chiến. Theo anh, đây là điều nghệ sĩ nên làm và phải làm để động viên tinh thần giúp bà con trị bệnh.

Tại bệnh viện dã chiến số 3, thành phố Thủ Đức hình ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đeo kính chống giọt bắn cùng khẩu trang được khoét lỗ để thổi lên giai điệu bài Quê hương, Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em đã lan tỏa khắp các trang mạng xã hội. Từng biểu diễn không biết bao nhiêu sân khấu lớn, nhỏ trong cuộc đời hoạt động âm nhạc, nhưng nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ, anh không thể nào quên được giây phút đứng trước khán giả gồm hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 10.000 bệnh nhân F0.

Các đêm nhạc tại bệnh viện dã chiến của nghệ sĩ TP.HCM đã bắt đầu từ tháng 6. Ngoài việc trình diễn ở các bệnh viện, khu cách ly, các nghệ sĩ hỗ trợ các y bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho người tại địa điểm bị phong tỏa, tham gia công việc hậu cần ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến như: cắt tóc, tặng lương thực, nhu yếu phẩm...

Chương trình trực tuyến “ở nhà cùng vui”Chương trình trực tuyến “ở nhà cùng vui”

“Biến hóa” thích ứng tình hình

Dịch Covid-19 đã tạm thời “giãn cách” nghệ sĩ với công chúng và ở trong thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, nhiều nghệ sĩ, đơn vị tổ chức các chương trình nghệ thuật online phục vụ công chúng.

Nhằm vận động, mời gọi các đơn vị, cá nhân cùng hỗ trợ đóng góp về vật chất cũng như tinh thần tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu đang tham gia phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19 tại TP.HCM, sự kiện âm nhạc trực tuyến “Cảm ơn những điều phi thường” diễn ra trên các kênh online của đơn vị tổ chức và đồng hành vào đêm 15/8. Tham gia đêm nhạc có những gương mặt nghệ sĩ tên tuổi như: Saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Đức Tuấn, Nguyễn Phi Hùng, Hà Lê, Minh Thư… với các ca khúc thể hiện tinh thần lạc quan, tự hào, cổ vũ đội ngũ tuyến đầu đang kiên cường chống lại đại dịch. Đêm nhạc đã quyên góp được hơn 2,3 tỷ đồng đóng góp vào quỹ hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chống dịch.

NSƯT Xuân BắcNSƯT Xuân Bắc

Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng các nhà hát thuộc Bộ VH-TT&DL tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” cũng được đông đảo công chúng theo dõi thời gian qua. Tính đến tối 14/8, chương trình đã tổ chức được 4 đêm, phát trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và trang Facebook cá nhân của các nghệ sĩ.

“San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” diễn ra tại 6 điểm cầu: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam (Hà Nội), Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), nhà riêng của nghệ sĩ Xuân Bắc ở Hà Nội và nhà riêng của nghệ sĩ Trương Ngọc Ánh tại TP.HCM. Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn các tiết mục ca nhạc, ca cải lương tân cổ, hài kịch… giàu cảm xúc về tình yêu, quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Chương trình mong muốn tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng như góp thêm món ăn tinh thần đến tất cả khán giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Chương trình nghệ thuật trực tuyến “Thành phố 18h” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM cùng một số đơn vị tổ chức được phát trực tiếp thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần từ 10/8, dự kiến có 10 tập. Chương trình có thời lượng 60 phút, gồm chuyên mục: Kết nối - Chia sẻ, Từ nơi tuyến đầu và Lan tỏa năng lượng tích cực.

Không chỉ có sự góp mặt biểu diễn của các nghệ sĩ, trong chương trình, các bác sĩ cũng giao lưu tư vấn và đưa ra nhiều thông tin bổ ích cho khán giả liên quan tới dịch Covid-19. Nghệ sĩ khởi xướng chương trình - MC Quỳnh Hoa chia sẻ, “Thành phố 18h” mong được lan tỏa năng lượng tích cực thông qua những câu chuyện tử tế, để cuộc sống tốt hơn.

Chương trình “Sing for life, Sing for love” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Tình nguyện quốc gia phối hợp với đơn vị liên quan triển khai tổ chức lên sóng từ 18/7, thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng. Phát sóng trực tiếp lúc 20h10 tối thứ Năm của tuần thứ 2 và tuần thứ 4 hàng tháng, chương trình chung tay góp sức, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng quỹ hỗ trợ người lao động vượt qua đại dịch Covid-19.

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến thu dung số 3Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến thu dung số 3

Bằng hình thức trực tuyến, các ca sĩ đã thể hiện những bản nhạc hit của mình bằng những bản phối khí hoàn toàn mới. Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí - tổng đạo diễn chuỗi chương trình, nhạc sĩ Dương Cầm làm giám đốc âm nhạc, các ca sĩ tham gia có Văn Mai Hương, Nguyễn Trần Trung Quân, Ali Hoàng Dương, Hoàng Dũng, Bảo Trâm... Ca sĩ Thu Phương cũng tham gia chương trình từ Mỹ.

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến cho việc sản xuất các chương trình game show ca nhạc phát sóng truyền hình cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số chương trình, ê-kíp đã phải tính toán, thay đổi thích ứng với bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài như chương trình thi tài năng MC “Én vàng” mùa thứ 6, “Nhanh như chớp”, “Ở nhà hát ca”… Điểm chung của các chương trình này là không có những tràng pháo tay cổ vũ từ khán giả, giám khảo đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, theo dõi thí sinh thi hát online...

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vẫn căng thẳng, giãn cách xã hội kéo dài, các nghệ sĩ mong bằng tiếng hát của mình, lan tỏa tinh thần lạc quan tới cộng đồng, động viên tinh thần đoàn kết, vững tin chiến thắng dịch bệnh. Việc sản xuất những chương trình “kiểu mới” là cách ứng biến nhanh cho phù hợp tình hình, để khán giả có thêm sự lựa chọn giải trí trong những ngày làm việc hoặc tạm nghỉ ở nhà.

NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.