Lập di chúc không có công chứng

Luật sư Trần Thu Thủy
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bố mẹ tôi có một miếng đất rộng 400m2 ở quê và một căn nhà 1 tầng trên mảnh đất đó. Hiện tại bố mẹ tôi cũng đã già và muốn di chúc lại tài sản cho 4 anh chị em chúng tôi thửa đất đó.

Câu hỏi
Bố mẹ tôi có một miếng đất rộng 400m2 ở quê và một căn nhà 1 tầng trên mảnh đất đó. Hiện tại bố mẹ tôi cũng đã già và muốn di chúc lại tài sản cho 4 anh chị em chúng tôi thửa đất đó. Xin hỏi báo PNTĐ, nếu bố mẹ tôi muốn tự lập di chúc và không cần công chứng thì bản di chúc có hợp pháp không? 

Nguyễn Thị Hoan (Hoài Đức)

Lập di chúc không có công chứng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời
Theo Điều 630 Bộ luật Dân sự ngày 24/11/2015, quy định di chúc hợp pháp như sau: 
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Nếu tải sản của bố mẹ bạn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tốt nhất nên tiến hành lập di chúc và hợp đồng công chứng, chứng thực tại UBND xã phường. Khi đó, bố mẹ bạn chỉ việc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Bố mẹ bạn chỉ việc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã ký vào bản di chúc. 

Trên thực tế, nhiều những vụ án tranh chấp xảy ra giữa những người anh em ruột thịt sau khi bố mẹ qua đời và không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Có những trường hợp di chúc mà người có di sản để lại không ghi rõ thông tin của người được hưởng di sản, ví dụ như viết nhầm hoặc thiếu ngày tháng năm sinh của con; thiếu thông tin cụ thể về tài sản trong nội dung di chúc, ví dụ: “Sau khi tôi qua đời, tôi để lại cho con trai một căn nhà 50m2 tại phường....” – như vậy là thiếu hẳn thông tin cụ thể về người được hưởng di sản cũng như thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất... tất cả những thông tin có trong di chúc phải được người có tài sản lập di chúc thể hiện đầy đủ để người được hưởng di sản theo di chúc có thể làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế một cách dễ dàng. Nếu chỉ thiếu một trong những nội dung có trong di chúc theo quy định của pháp luật sẽ dẫn đến việc người được hưởng di sản theo di chúc không thể làm thủ tục khai nhận thừa kế mà theo di nguyện của người có tài sản để lại. Nếu di chúc không hợp pháp thì tài sản của người chết để lại phải được chia theo pháp luật, tức là chia theo hàng thừa kế. Những người có cùng hàng thừa kế thì được hưởng những phần di sản bằng nhau.

Trong trường hợp bố mẹ của bạn muốn tự tay viết di chúc thì phải có đầy đủ các nội dung sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc, họ, tên người được hưởng di sản, di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài các nội dung trên còn có thể có nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc (Điều 631 Bộ luật Dân sự). Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. 

Trường hợp di chúc không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc và phải tuân theo Điều 631 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp di chúc có người làm chứng: Nếu người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Nội dung của di chúc cũng tuân theo Điều 631 của Bộ luật dân sự. Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc, người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Tin cùng chuyên mục

Mình làm hòa, chồng nhé

Mình làm hòa, chồng nhé

(PNTĐ) - Ngọc luôn tự tin cho rằng Hòa dù có là người đàn ông lý tưởng bao nhiêu thì anh vẫn rất may mắn mới lấy được người vợ như cô, vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp của chồng. Thế nên mỗi khi chồng mắc lỗi, cô lại có một chiêu "phạt" khiến chàng phải quy phục ngay tức thì.
Chung tay đẩy lùi bạo lực

Chung tay đẩy lùi bạo lực

(PNTĐ) - Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới… là những giải pháp cần thực hiện để phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Những nỗi đau từ bạo lực giới

Những nỗi đau từ bạo lực giới

(PNTĐ) - Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.