Lập di chúc tại nước ngoài có giá trị không?

Chia sẻ

Câu hỏi
Bác ruột tôi sinh sống ở nước ngoài (nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam) có một số tài sản ở Việt Nam. Do bác tôi không có con cái nên đang muốn lập di chúc bằng văn bản và để lại tài sản cho tôi. Hiện nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tuổi già sức yếu, bác tôi không thể về nước được. Vậy xin hỏi, bác tôi lập di chúc từ nước ngoài có được không? Để hạn chế việc tranh chấp không đáng có sau này, bác tôi có phải công chứng, chứng thực di chúc hay không? Xin cảm ơn quý Báo!

Phạm Tố Loan (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Lập di chúc tại nước ngoài có giá trị không? - ảnh 1

Trả lời
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản hợp pháp có quyền định đoạt tài sản đó, bao gồm lập di chúc để lại cho người khác.

Người lập di chúc có các quyền như: Chỉ định người thừa kế; Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế, dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Điều 630 của Bộ luật này quy định về di chúc hợp pháp như sau:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.

Di chúc gồm các nội dung chủ yếu như ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản…

Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Theo Điều 635 của Bộ luật này, “người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”.

Đối với một số trường hợp, Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực. Cụ thể, Điều 638 của Bộ luật này quy định:

“1. Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.

2. Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.

3. Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.

4. Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

5. Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.

6. Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó”.

Đối chiếu các quy định nêu trên, bác của chị có quyền lập di chúc để lại di sản cho chị. Nếu có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước mà bác chị đang sinh sống, bản di chúc đó bằng văn bản đó có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực (không phải công chứng, chứng thực tại Việt Nam).

Luật sư HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.