Lời ba chưa nói

Chia sẻ

“Ba thương con nhưng ba giữ trong lòng, ba không phải người giỏi thể hiện tình cảm”

Ba của Hà sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống làm ruộng vất vả khiến ba quyết định đưa cả gia đình về Hà Nội sinh sống. Từ nhỏ Hà đã cảm nhận được khó khăn của gia đình, nhất là khi ba mẹ có hai đứa con sinh đôi, là Hà và Nhi. Hai đứa khiến đa số chi phí trong nhà đều tăng lên gấp đôi.

Hà nhớ hồi còn nhỏ, bác cả trong nhà làm ăn được nên gọi ba về cùng mở một công ty xây dựng nhỏ tại gia. Công ty ngày đó mở ra để tiện cho bác đấu thầu và nhận những dự án xây dựng nhỏ, vì vậy nên không có nhiều nhân viên. Theo trí nhớ của Hà, bác cả làm giám đốc, bác dâu làm thư ký kiêm kế toán, còn ba, Hà thấy có những tấm danh thiếp ghi tên ba kèm chức danh phó giám đốc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Phó giám đốc là một chức danh nghe rất oai, nhưng Hà nhận ra, làm gì có phó giám đốc nào như ba. Ngày nào ba cũng mặc những chiếc áo sờn rách, những chiếc quần dính màu sơn xanh đỏ chẳng biết đã qua bao nhiêu lần phun xịt sơn, đôi giày vải ba đi thì cũ kĩ chẳng có chút êm ái nào. Cũng làm gì có phó giám đốc nào, lúc làm việc trên trán luôn phải buộc một tấm khăn để ngăn mồ hôi rơi xuống, cay xè cả đôi mắt. Dù chỉ là một đứa trẻ mới học tiểu học, Hà đã nhận ra cái chức phó giám đốc đó chẳng qua chỉ là một chức danh cho đầy đủ vị trí trong công ty. Ba vẫn miệt mài làm như những người công nhân bình thường, chăm chỉ kiếm từng đồng tiền dù ít ỏi để nuôi gia đình, nuôi hai đứa con ăn học.

Hồi đó trong lớp của Hà và Nhi cũng có một cặp sinh đôi nữa. Gia đình của hai bạn đó khá giả, ngày nào hai chị em bạn đó cũng được bố đưa đi học trên chiếc xe ga Lead đời mới, nhìn vừa đẹp vừa sang. Ba của Hà thì hay chở hai chị em đến trường trên chiếc Chaly 50cc màu xanh đã cũ. Chiếc xe đã lùn lại còn ngắn, chỉ đủ cho hai người ngồi, mà ba chở hai chị em nên lúc nào Hà cũng phải ngồi lên cái phần sắt nhô ra ở đuôi xe. Lúc xe của ba và xe của hai bạn sinh đôi cùng lớp dừng lại gần nhau, Hà lúc nào cũng cảm thấy buồn vì chiếc xe sang trọng vừa cao vừa đẹp kia đối lập hoàn toàn với chiếc Chaly đã lùn rồi lại còn không đủ chỗ ngồi. Đôi lúc, đầu óc non nớt của Hà còn nghĩ rằng, đó là sự đối lập của giàu và nghèo. Tuy ghét chiếc xe Chaly của ba, nhưng Hà chưa bao giờ thấy xấu hổ vì ba đi chiếc xe đó.

Lúc còn nhỏ, đứa trẻ con nào mà chẳng thích ăn vặt ngoài cổng trường. Ngày đó có món xúc xích rán sát cổng trường, mỗi khi tan học cổng trường đều thơm ngào ngạt những món quà vặt yêu thích của học sinh. Hà với Nhi cũng không cưỡng lại được. Nhưng một cây xúc xích rán đắt hơn cả một bữa sáng ba nấu cho hai đứa, nên chẳng bao giờ hai đứa dám xin ba mẹ được ăn. Có ngày, hai bạn sinh đôi cùng lớp được mẹ đến đón rồi mua xúc xích cho ăn, cô còn mua cho cả Hà với Nhi đang ngồi trong lớp đợi ba đến đón. Hai đứa lần đầu tiên được cầm món quà chiều xa xỉ trên tay, vui vẻ háo hức ngồi ăn như hai chú mèo con. Lúc ba đến đón thấy hai đưa đang ăn, mặt ba có vẻ không vui, ba hỏi hai đứa sao lại có xúc xích để ăn, Nhi kể cho ba nghe thì ba có vẻ giận, nhắc hai chị em lần sau không được ăn đồ của người khác, rồi đưa hai chị em về. Cả chặng đường về hôm đó ba không hỏi hai đứa được bao nhiêu điểm, trên lớp có gì vui như mọi hôm nữa, ba im lặng và trầm ngâm. Hà ngồi sau ba, đôi lúc thấy ba thở dài.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mãi sau này lớn rồi nhớ lại, Hà mới nhận ra, ngày hôm đó không phải ba giận vì hai chị em ăn đồ của người khác cho, mà là ba đang giận chính bản thân mình. Ba không đủ điều kiện để cho hai đứa được bằng bạn bằng bè, mỗi khi ba thấy khuôn mặt vui vẻ của hai đứa với một điều gì đó mà ba không đem lại được, ba đều cảm thấy buồn lòng. Nếu như lúc đó hiểu chuyện, chắc chắn Hà sẽ ôm ba một cái thật chặt, nói là những gì ba cho con, con đều yêu thích hết, con chẳng thiếu gì cả, con có ba, có mẹ, là con có tất cả rồi!

Những ngày hè nắng chói chang, đỉnh điểm của nắng nóng gay gắt, đều đặn ngày nào ba cũng đi làm từ 7 giờ sáng đến 11 giờ 30 buổi trưa, ba về nhà ăn uống nghỉ ngơi được môt lúc rồi 1 giờ 30 chiều ba lại đi làm. Cái nắng như đổ lửa đầu giờ chiều khiến mọi người không ai muốn bước chân ra ngoài, chỉ muốn nằm trong căn phòng điều hoà mát lạnh. Ở ngoài đường người ta cũng mau mau để về đến nơi có thể trốn tránh ánh nắng gay gắt và hơi nóng bốc lên bừng bừng từ mặt đường nhựa. Hà rất sợ mùa hè, dù mùa hè học sinh sẽ được nghỉ học, ba mẹ sẽ không cấm xem TV nữa. Nhưng mùa hè cũng là thời điểm ba đi làm vất vả nhất. Lúc nào đi làm về, Hà cũng thấy đôi tay ba cháy đỏ lên vì nắng, đôi khi Hà thấy ba chườm khăn lạnh lên mắt do tiếp xúc với tia lửa hàn khiến mắt đỏ lên và đau nhức.

Mỗi ngày khi tiếng chuông báo thức từ điện thoại của ba reo lên lúc đầu giờ chiều, hai chị em tỉnh giấc theo ba, nằm im, nhắm mắt nghe theo từng cử chỉ, hành động của ba. Đến khi tiếng chìa khoá lạch cạch mở cửa, tiếng dắt xe rồi tiếng chiếc xe máy Chaly màu xanh cũ kĩ đã xa dần, cũng là lúc nước mắt bắt đầu lăn trên má hai chị em. Cả mùa hè ở nhà nghe tiếng chuông báo thức của ba, là cả mùa hè hai chị em nằm khóc vì thương ba. Hà không hiểu tại sao lúc nhỏ lại như thế, nhưng đến bây giờ nhắc lại, mắt Hà vẫn rưng rưng. Có một ngày ba đi rồi bất chợt quay về vì để quên điện thoại, bắt gặp hai chị em đang khóc, ba hỏi “Hai đứa đang ngủ sao lại khóc?”. Lúc đó hai chị em khóc nấc lên, vừa tự lau nước mắt vừa mếu máo: “Con thương ba đi làm nắng, mệt lắm”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế nhưng vẫn có lúc hai chị em khiến ba buồn lòng. Lúc học cấp hai, cả hai đứa đều thể hiện rõ năng lực nghiêng hẳn về một bên, chỉ học được các môn xã hội, còn những môn tự nhiên đối với Hà và Nhi như kẻ thù, không thể học tốt được. Có lần thi học kì điểm Toán của hai chị em rất kém, kém đến mức cô chủ nhiệm cảm thấy không thể chấp nhận được nên đã gọi điện báo cho ba. Lúc đó khoảng 11 giờ trưa, hai chị em đã ăn trước rồi vào phòng ngủ để chiều đi học, ba về muộn nên ngồi ăn cơm một mình, ba nhận điện thoại của cô chủ nhiệm xong thì lặng người, nói với hai chị em: “Ba đi làm vất vả chỉ mong hai chị em con được đi học đầy đủ, nhưng hai đứa thi học kì điểm kém như thế này, ba có cần đi làm nữa không?”. Hà nghe tiếng khóc nghẹn của ba, mở cửa thấy ba đang ăn vội bữa cơm với hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Hà chưa bao giờ thấy ba khóc, nhưng ngày hôm nay vì điểm thi của hai chị em, ba lại ăn một bữa cơm chan nước mắt. Khoảnh khắc đó, Hà tự hứa với bản thân, nhất định không bao giờ được để hình ảnh này xuất hiện lần thứ hai.

Và rồi thời gian cứ trôi dần, hai chị em dần trở thành học sinh cấp ba, sinh viên đại học bằng chính sức lực của mình. Gia đình hiện tại đã đỡ khó khăn hơn trước, ngoài lúc đi học, hai chị em đều đi làm thêm, trước tiên là tự lo những thứ linh tinh cho bản thân, sau đó là đỡ đần ba mẹ tiền điện tiền nước. Ba cũng không còn hàng ngày chạy chiếc Chaly màu xanh cũ kĩ đi làm từ lúc 1 giờ 30 dưới ánh nắng chói chang nữa. Thỉnh thoảng, ba vẫn còn nhắc lại chuyện hai chị em Hà ôm nhau khóc bị ba phát hiện với ánh mắt tươi cười hạnh phúc.

Hà chưa bao giờ nghe ba nói rằng ba vất vả thế nào, cuộc sống khi hai chị em còn nhỏ khó khăn ra sao. Hà chỉ thấy mỗi lần trở về nhà là mỗi lần ba cười vui vẻ, trong ánh mắt ba chẳng bao giờ hiện lên vẻ mệt mỏi nào cả. Cả một cuộc đời ba thương chị em Hà nhiều như thế, nhưng chẳng mảy may nói một lời nào. Có lúc, Hà hỏi mẹ: “Sao con chưa bao giờ nghe ba nói là ba thương con thế mẹ?”.

Mẹ đưa ánh mắt nhìn ba, nhẹ nhàng trả lời: “Ba thương con nhưng ba giữ trong lòng, ba không phải người giỏi thể hiện tình cảm”.

KHẢ VY

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.