Lời bài hát về mùa thu Hà Nội
(PNTĐ) -Thơ viết về mùa thu Hà Nội khá nhiều nhưng mỗi bài có một vẻ đẹp riêng. Ví như: “Đêm sao này em đến với anh không” là câu thơ tha thiết nhất, hay nhất và chân thành nhất mà thi sĩ đã thốt lên khi kết lại bài thơ này giữa mùa thu Hà Nội từ hai mươi năm về trước.
Mây trắng bay
Trên giời xanh Hà Nội, mây trắng bay
Xe cưới trên đường
Chân trần rón rén bên gương
Mùa Thu sang
Hồ mơ
Liễu dài sương khói
Nước sông Mẹ từ trên giời xuống
Khăn hồng, áo xanh
Anh đi khắp chân giời góc bể
Vẫn mùa Thu Hà Nội trong lòng
Vẫn gió biếc trên những vòm sấu cổ
Tiếng còi tàu
Phố vắng
Nắng thinh không
Lòng vẫn biết hoa trăm miền đều thắm
Vẫn mong nâng một sắc kinh thành
Trên áo mỏng, heo may về với lạnh
Đêm sao này em đến với anh không
Đỗ Trung Lai
LỜI BÌNH
Không còn gì để nghi ngờ nữa, chính thi ca là nơi thời gian ngừng trôi, để giờ đây ta vẫn cảm nhận được những xúc cảm trong bài thơ Lời bài hát về mùa thu Hà Nội (Đỗ Trung Lai). Bài thơ được mở đầu:
Mây trắng bay
Trên giời xanh Hà Nội, mây trắng bay
Xe cưới trên đường
Chân trần rón rén bên gương
Bài thơ mở đầu bằng một ngày như mộng khi mây trắng trên trời và váy cưới lộng lẫy như sự đồng hành, đồng điệu của hai thế giới mà hòa vào một niềm hạnh phúc: “Chân trần rón rén bên gương”…
Đến khổ thơ thứ hai, mùa thu Hà Nội mang một diện mạo khác:
Mùa Thu sang
Hồ mơ
Liễu dài sương khói
Nước sông Mẹ từ trên giời xuống
Khăn hồng, áo xanh
Nhà thơ Đỗ Trung Lai dùng thủ pháp chấm phá để phác họa một diện mạo mùa thu bằng những gì quen thuộc nhất nhưng vẫn cách điệu và siêu thực. Những liễu, sương, khói, hồ… vốn là đặc trưng của Hà Nội nhưng lại được nhìn bằng đôi mắt của thi nhân: “Liễu dài sương khói”. Đó có thể là những “nàng” thùy liễu, có thể là tà áo và cũng có thể là dáng ai “khăn hồng, áo xanh”. Vẫn là mặt hồ Tây, Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch… nhưng đã biến thành “hồ mơ”. Hồ nước đã hóa mộng mơ, như trong giấc mơ hay đã quá đỗi mơ hồ khi mùa thu đến. Chỉ biết rằng, mùa thu Hà Nội đã níu chân thi sĩ:
Anh đi khắp chân giời góc bể
Vẫn mùa Thu Hà Nội trong lòng
Vẫn gió biếc trên những vòm sấu cổ
Tiếng còi tàu
Phố vắng
Nắng thinh không
Thế giới thu Hà Nội như được tác giả gói trọn trong lòng với cả âm sắc (gió biếc, tiếng còi tàu, vòm sấu cổ, gió, nắng…) nhưng sắc màu của mùa thu ấy lại mang dấu ấn tâm trạng. Phải là người đang yêu mới nhận ra “gió biếc”, phải là người đang say mới nhìn thấy “Nắng thinh không”. Để rồi, bốn câu thơ cuối như một sự thú nhận của nhân vật trữ tình:
Lòng vẫn biết hoa trăm miền đều thắm
Vẫn mong nâng một sắc kinh thành
Trên áo mỏng, heo may về với lạnh
Đêm sao này em đến với anh không.
Nàng “áo mỏng” phải dịu dàng lắm, e ấp lắm và trong sáng lắm. Tưởng như chỉ có mùa thu mới có nàng, tình yêu ấy đồng điệu với “sắc kinh thành”. Đến đây, ta nhận ra mùa thu như một mùa yêu thương, như đêm tân hôn của hai người yêu thương tha thiết.
Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi và cũng là niềm hy vọng của tình yêu hạnh phúc. Có lẽ chỉ mùa thu mới trả lời được câu hỏi ấy và cũng là cơ duyên sẽ đưa những người yêu thương đến được với nhau trong sắc thu này…