Lời cảm ơn đầu xuân

Thái Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vợ chồng chị đã có một cái Tết tươm tất, không phải lo nghĩ gì nhiều. Cho đến trước lúc anh lên lại thành phố, chị vô tình đọc được tin nhắn của người quen gửi vào điện thoại của anh: “Ngoài Rằm ông cho tôi xin lại món tiền, cũng là giật tạm trong nhà nên không muốn để vợ phát hiện”.

Tự nhiên, nghĩ tới số tiền chồng đưa về cho chị tiêu Tết này, chị ngờ ngợ nhận ra, không phải là anh được nhận thưởng Tết ở thành phố.

Hai vợ chồng chị vốn là dân lao động tự do, nhà cửa ở thôn quê. Chị chạy chợ, còn anh thì làm phụ xây cho người ta. Nhưng một năm nay, công việc của anh thất thường, có tháng chẳng được gọi đi công trình nào nên gánh nặng kinh tế dồn cả vào vai chị. Anh thương vợ nên cũng cố chạy vạy ngược xuôi, ai thuê gì thì làm nấy. Nhà sẵn cái xe máy, anh ra chợ ngồi làm xe ôm. Chỉ là ở quê ai cũng tự có phương tiện đi lại, bà con đều tiết kiệm tiền nên khách gọi anh đi chẳng nhiều. Số tiền anh đưa về cho chị nuôi con cứ ít dần rồi có tháng thì “đứt hẳn”.

Một hôm, anh nói với chị, anh phải lên thành phố mưu sinh thôi. Trên phố đông người, không làm việc này thì vẫn có việc kia. Anh sẽ tằn tiện chắt bóp gửi về cho em, dù ít dù nhiều vẫn còn hơn là nằm không ở nhà thế này. Mỗi ngày, nhìn em vất vả anh không chịu được. Vậy là anh xách balo lên đường. Chị thì lo lên phố xô bồ, nhiều cám dỗ, lỡ ra anh lại sa ngã, rồi gia đình lục đục nên còn chần chừ. Sau đó, mấy người cùng làng với gia đình chị đang làm ở thành phố trấn an, bảo anh chị cứ bứt phá thử một phen, có gì thời gian đầu lạ nước lạ cái họ sẽ giúp.

Lời cảm ơn đầu xuân - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mấy tuần sau anh thông báo đã được nhận vào làm ở cửa hàng cây cảnh. Việc của anh là phụ bán hàng, chở cây giao tận nhà cho khách mua và trông cây ban đêm tại vườn. Anh khoe công việc này cũng phù hợp vì anh là con nhà nông, sống với cây cối, ăn ngoài vườn, ngủ ngoài ruộng nhiều quen rồi. Chị nghe mà cũng thấy yên tâm phần nào.

6 tháng xa nhà, mỗi tháng anh gửi về cho chị 5 triệu. Số tiền này chỉ bằng tiền ngày trước anh làm ở nhà, mà vợ chồng con cái được gần nhau, anh cũng không phải cơm đường cháo chợ. Anh an ủi chị, thư thư quen việc rồi chủ hàng sẽ tăng lương. Cửa hàng cây cảnh ngày thường bán chậm, chứ gần Tết nhất định sẽ đắt khách hơn. Anh cũng sẽ tìm kiếm thêm cơ hội mới, nếu có việc gì cho thu nhập cao anh sẽ thử.

Chị thương anh lắm, biết anh vất vả nhiều nên gắng động viên anh yên tâm. Ở nhà bố mẹ hai bên, con cái đã có chị lo toan. 5 triệu anh đưa, cộng với tiền chạy chợ của chị được một khoản, chị chia làm đôi. Một nửa để chi dùng cho gia đình, 1 nửa chị cất vào tủ, đề phòng lúc gia đình gặp biến cố. Thi thoảng, anh gọi về hỏi mấy mẹ con ra sao, chị lại cười bảo ổn cả. Nhưng thực sự, nhiều khi gia đình cũng chưa thực sự ổn lắm. Đó là lúc hai đứa nhỏ thi nhau ốm đau, tiền trong nhà chỉ đủ mua thuốc. Rồi tiền cho trẻ con đóng học, tiền lo việc họ... cũng tốn kém. Từ ngày anh vắng nhà, chị thấy mình mạnh mẽ, cứng cỏi hơn. Cái mái nhà bị dột, cái bóng đèn bị cháy, cái xe máy tự nhiên dở chứng không khởi động được... trước đây đã có anh lo. Giờ thì chị làm được tất. Ngay sát Tết, một bên mái nhà bị long ít ngói, chị nhờ người đến làm giúp mà chưa được bèn bắc thang leo tuốt lên mái nhà tự làm. Vậy mà chị lại làm được ngon lành.

Trước Tết, chồng chị đột nhiên gọi về khoe: “Anh có một món thưởng Tết kha khá để anh gửi về cho em sắm sửa Tết trước”. Rồi anh dặn thêm: “Cả năm qua nhà mình đã kham khổ rồi, em mua gì đó tươm tươm cho các con, không để chúng chạnh lòng vì nhà thiếu Tết”. Chị nghe anh nói mà vui lây. Anh kể là mấy ngày giáp Tết, anh bận lắm vì khách mua cây từ sáng tới tối. Anh bán hàng có duyên, lại ít nhiều hiểu về cây cối nên khách thích, chốt đơn liên tục. Chủ cửa hàng phấn khởi quyết định tăng lương và còn thưởng Tết cho anh. Anh sẽ cố làm tới chiều 30 Tết, bán nốt hoa cây cảnh để kiếm thêm chút nữa rồi mới về quê.

Lời cảm ơn đầu xuân - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ít hôm sau, anh gửi người quen mang về cho chị 10 triệu. Một số tiền với vợ chồng chị quả thật là lớn lúc này. Nghe lời anh dặn, chị sắm hoa trong nhà. Tiện đi chợ, chị mua thêm cho cả nhà bộ quần áo mới, anh là chiếc áo sơ mi trắng (áo anh mặc lâu đã cũ cả rồi), 3 mẹ con là 3 bộ áo dài cách tân. Chị cũng bỏ vào 2 phong bao lì xì 2 triệu đồng mỗi cái để ngày mồng 1 Tết cả nhà đến chúc thọ hai bên ông bà nội ngoại. Cộng thêm một chút bánh kẹo, mứt... vậy là Tết nhà chị đã đủ đầy.

Suốt 1 tuần Tết, cả nhà chị đã có niềm vui sum họp trọn vẹn. Cho tới khi anh chuẩn bị lên thành phố trở lại, chị mới đọc được cái tin nhắn kia. Không phải là chị cố tình đọc trộm tin nhắn của chồng mà lâu nay, anh vẫn nhờ chị đọc hộ tin, nghe giúp điện thoại nếu anh bận, đề phòng ai đó thuê việc mà anh bỏ lỡ. Chị liền mang tin nhắn ra hỏi chồng, anh thoáng thẫn thờ một lúc rồi thú thật:

- Anh làm thời vụ nên không có tiền thưởng Tết gì cả. Chủ cửa hàng chỉ cho thêm mấy trăm ngàn. Thương em vất vả và cũng sợ em thất vọng nên anh mượn tạm bạn tiền ít ngày. Mà là bạn cho vay thôi, chứ không tính lời lãi gì nên em đừng lo. Để anh sẽ gặp chủ cửa hàng xin ứng trước ít lương, rồi trả dần. Ông này chỉ nhắn tin thế thôi chứ mình nói khó là vẫn có thể trả dần theo đợt được.

Chị càng nghe, càng thương chồng mà không nỡ trách anh. Chỉ vì anh sợ không lo đủ Tết ấm cho vợ con mà phải dùng hạ sách như vậy. Số tiền 10 triệu vay này, dù bạn anh có tốt đến đâu thì cũng sẽ phải trả chứ đâu lấy được. Mà chị đã giận hay oán thán anh hồi nào đâu, chị biết anh cũng đã lo lắng đủ nhiều rồi. Chị bèn trả lời chồng:

- Anh ạ, với em và con, Tết ấm không phải là có nhiều tiền mà là được sum họp, thấy anh khỏe mạnh, bình an trở về. Tết nhà mình có nhiều tiền thì tiêu nhiều, mà ít tiền thì tiêu ít, ăn cơm bình thường cũng chẳng sao. Em vui, anh vui, các con vui thì là Tết rồi. Vì vậy từ sau, anh đừng một mình chạy vạy giấu em như vậy nhé. Vợ chồng thì cùng chia ngọt, sẻ bùi anh ạ.

Rồi chị lấy từ trong tủ ra một chiếc phong bì, bên trong đựng một số tiền, đưa cho anh.

- Đây là tiền em dành dụm từ khoản chi tiêu hàng tháng và tiền Tết anh đưa về, cũng đủ cho anh trả nợ bạn. Anh trả sớm nhé, đầu năm đừng vay lâu lại dông. Anh lên phố, nếu thuận tiện thì ở lại, không thì về quê, vợ chồng lại cùng bàn kế sinh nhai.

Anh ôm lấy chị, trào nước mắt, khe khẽ đáp:

- Cảm ơn em đã hiểu cho anh. Anh đi lên phố rồi sẽ gọi về. Từ nay, có gì anh sẽ cùng bàn bạc với em...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Giữ lửa” sự thật giữa lằn ranh sinh tử

“Giữ lửa” sự thật giữa lằn ranh sinh tử

(PNTĐ) - Trong những năm gần đây, thế giới liên tiếp chứng kiến các cuộc xung đột khốc liệt, thiên tai thảm khốc và những đại dịch toàn cầu. Trong bức tranh hỗn loạn ấy, có một lực lượng thầm lặng nhưng kiên cường luôn có mặt ở tuyến đầu để ghi lại sự thật, đưa tin một cách trung thực và kịp thời đến công chúng, đó là các nhà báo. Họ không chỉ đơn thuần là những người đưa tin, mà là những chiến binh không vũ khí, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ sự thật.
Những nữ nhà báo tận tâm với nghề

Những nữ nhà báo tận tâm với nghề

(PNTĐ) - Nghề báo luôn nhọc nhằn, vất vả, nhất là đối với phái nữ. Thế nhưng, vượt qua khó khăn, trở ngại, những nữ phóng viên vẫn miệt mài với nghề,  mang đến những tác phẩm báo chí chất lượng. Hãy cùng gặp gỡ  một vài gương mặt trong số họ trong một dịp rất đặc biệt-kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Khi nào tiền cho thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng?

Khi nào tiền cho thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng?

(PNTĐ) Câu hỏi: Vợ chồng tôi có 3 căn nhà, 1 căn ở chung còn 2 căn thống nhất chia làm tài sản riêng của mỗi người. Xin hỏi tiền cho thuê nhà phát sinh thu được trong thời kỳ hôn nhân từ các căn nhà là tài sản riêng hay chung?                                                                                    Hoàng Thị Vân (Hoài Đức)
Con ma trên cây thị

Con ma trên cây thị

(PNTĐ) - Ở trong xóm, cách nhà tôi không xa có một ngôi nhà hoang. Đó là một ngôi nhà sập sệ, không có mái, chỉ còn lại bốn bức tường loang lổ vôi vữa và rêu thì bám phủ xanh rì. Xung quanh cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Tụi trẻ con trong xóm đứa nào cũng sợ, chẳng dám bén mảng tới. Thằng Vũ nói ngôi nhà này là nơi trú ngụ của một ma nữ.