Lời của cha

THU ĐINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Giờ cha tôi tuổi đã ngoài 70. Đã lâu, tôi không còn thấy cha nói những lời gắt gỏng, khó nghe như xưa, thay vì là vẻ bình thản, vui tươi. Và anh em tôi, đến giờ, ai cũng đã biết tự mình cần phải làm gì. Tôi thấy mình dường như lại giống cha năm nào, lại muốn nói nhiều hơn cho các con nghe, nhất là những khi con mắc lỗi…

Hồi còn nhỏ, anh em tôi thường được mấy cô bác hàng xóm hỏi câu cửa miệng: “Hôm nay bị tòa xử mấy trận rồi?!”. Là bởi, dường như anh em tôi ngày nào cũng bị cha “lên lớp” bằng chất giọng sáng rõ, chắc nịch với vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm nghị như quan tòa. Khi ấy, chỉ cần thấy vẻ mặt hầm hầm của cha nổi lên bừng bừng là chúng tôi đủ biết cha sắp nói gì, làm gì. Những lời của cha, dù có lúc đã cố quên nhưng lại ngày càng hằn sâu trong tâm trí tôi đến tận bây giờ.

Buổi sáng đến với anh em tôi hồi đó thường rất sớm. Cũng vì, khi trời chưa sáng rõ, lúc anh em tôi còn ngái ngủ, cha đã đứng nơi đầu giường gọi dồn: “Dậy lo vệ sinh, quét dọn đi để còn kịp ăn uống mà đi học đi làm!”. Nghe tiếng cha gọi, mấy anh em dù đang mắt nhắm mắt mở cũng lo cuống cuồng bước xuống khỏi giường, ra giếng rửa mặt rồi ai vào việc nấy. Anh em tôi còn thuộc lòng lời cha cắt đặt việc nhà cho từng đứa mỗi khi cha chuẩn bị đi làm; lời cha lớn tiếng mỗi khi đi làm về thấy cửa nhà bề bộn, việc nhà chưa được mấy anh em thực hiện; nhất là những lời giảng giải, hỏi tội, phán xử trong bài đánh đòn của cha mỗi khi anh em tôi phạm lỗi… 

Lời của cha - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhớ những lần cha lớn tiếng tức giận, không khí gia đình tôi lại như ngợp thở, bởi chẳng ai dám hé nửa lời khiến cả căn nhà im lặng đến nặng nề, đáng sợ. Lại có những câu nói của cha tháng ngày cứ lặp đi lặp lại, đơn điệu đến khó chịu. Có lúc, tôi đã thầm trách sao cha khó tính đến thế, từ lời ăn tiếng nói đến học hành, làm việc… đều phải thế này thế khác. Nếu không, sẽ bị cha “tặng” ngay cho “bài ca không quên”, nặng hơn nữa là bị cha cầm roi cho “lươn chạch” nổi đầy người! Bởi thế, cũng đã nhiều lần, tôi thường giấu đi ánh mắt của mình, không muốn gần gũi khi đối diện với cha, thậm chí là tôi ghét cha…

Lớn lên theo khuôn nếp cha đã uốn nắn từ nhỏ, anh em tôi ngày càng hiểu cha, càng thấy thương cha nhiều hơn. Bà nội mất khi cha mới tròn 4 tuổi. Tuổi thơ cha là những tháng ngày đói cơm rách áo, ăn nhờ ở đậu. Lớn lên trong tình thương của ông nội và sự bao bọc của xóm giềng, cha sớm tham gia nhập ngũ và may mắn trở về sau kháng chiến chống Mỹ. Rồi cha mẹ đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, cảnh nhà nghèo khó, đông con, cha phải bươn chải cực nhọc để mong các con được nên người. Có lẽ vì thế mà cha mới có những lời lẽ nghiêm khắc với anh em tôi. 

Lời của cha - ảnh 2
Ảnh minh họa

Khi đã trưởng thành, đã có gia đình, phải tự lập nơi đất khách quê người, tôi mới thấy thực sự trân quý những lời của cha năm xưa, mới nhận ra chính cha chứ không phải ai khác đã là người thầy đầu tiên trong cuộc đời mình! Những lời cha dạy, dù có lặp lại đến đơn điệu nhưng đó đều là lẽ phải ở đời, phải biết sống sao cho xứng đáng. Những lời nói đó, dù có khó nghe nhưng lại là những kinh nghiệm thực tế quý báu để ta vững bước vào đời, sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thử thách… Và hơn hết, đó đều là những lời gan ruột, xuất phát từ mong muốn tốt đẹp của cha dành cho các con.

Giờ cha tôi tuổi đã ngoài 70. Đã lâu, tôi không còn thấy cha nói những lời gắt gỏng, khó nghe như xưa, thay vì là vẻ bình thản, vui tươi. Và anh em tôi, đến giờ, ai cũng đã biết tự mình cần phải làm gì. Tôi thấy mình dường như lại giống cha năm nào, lại muốn nói nhiều hơn cho các con nghe, nhất là những khi con mắc lỗi…

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.