Lời từ chối của con dâu

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dạo này gia đình chồng Hương đang nháo nhào hết cả lên, cũng bởi vì Tuân - cậu em rể quý hóa làm ăn thua lỗ gần 3 tỷ. Sau khi họp gia đình, mọi người tính toán, bàn bạc bán chiếc xe ô tô của hai vợ chồng, cộng với số tiền bố mẹ hai bên gom góp cho mượn nhưng vẫn còn thiếu gần 500 triệu.

Cô em chồng tên Châu vốn được chiều chuộng, tính tình đỏng đảnh, ích kỷ nên thấy chồng thất bại là giận dỗi bỏ về nhà mẹ đẻ. Cô ấy ra điều kiện với em rể: “Bao giờ anh tự lo được số tiền còn lại để trả nợ thì tôi mới về”. Bố mẹ chồng và chồng Hương lo lắng, mặt mũi cả ngày cứ nhăn nhó và cau có vì cuộc sống đang yên ổn, giờ bỗng dưng một khoản nợ khổng lồ rơi xuống khiến ai cũng sốc.

Hương ngày ngày đi làm về muộn nhưng vẫn vào bếp nấu những món ngon để mọi người ăn uống, giữ gìn sức khỏe. Nhìn mâm cơm Hương cặm cụi chuẩn bị sau một ngày làm việc mệt mỏi, mẹ chồng buông lời đay nghiến: “Có phải em ruột chị đâu mà chị xót, nên chỉ nghĩ đến ăn với uống. Chị biết thương, biết nghĩ thì tìm cách khác mà giúp kìa”. Biết mẹ chồng vốn chẳng ưa gì mình nên lẳng lặng không nói gì thêm.

Cho tới một tối nọ, cả nhà vừa dùng xong bữa, tính đi rửa bát thì mẹ chồng bảo:

- Hương! Con để mâm bát để đấy lát mẹ làm. Con lên đây mẹ có chuyện muốn bàn.

Bỗng dưng thấy mẹ chồng ngọt nhạt với mình, Hương cảm thấy chắc chắn là có chuyện. Quả không sai, khi Hương vừa ngồi xuống bàn uống nước, mẹ chồng đã đon đả cất giọng:

- Từ hôm em rể gặp chuyện, mẹ chờ động thái của vợ chồng con nhưng mãi không thấy gì nên đành mở lời. Mẹ chỉ cần nói với con thôi, còn con trai mẹ thì chắc chắn nó không tính toán gì đâu, sẽ vui vẻ với đề nghị này thôi. Vợ chồng con còn miếng đất ở ngoại ô chưa bán, nay em rể nó gặp khó khăn như thế, là người một nhà sao có thể giương mắt nhìn, đúng không?

Lời từ chối của con dâu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hương điếng cả người. Hóa ra cũng vì mẹ chồng Hương muốn cô bán miếng đất mới mua để cho em rể trả nợ? Hương chưa biết từ chối sao cho khéo léo nên đành nói: “Dù sao đây cũng là việc quan trọng nên mẹ để vợ chồng con bàn bạc rồi nói với mẹ sau nhé”. Thấy con dâu nói vậy, mẹ chồng Hương không vui: “Được, nhưng phải quyết nhanh lên nhé”.

 Hương lên phòng, trong ánh sáng của chiếc đèn ngủ, cô nhớ lại những việc mẹ chồng đã đối xử với mình mà càng thêm ấm ức, không nỡ bán đi mảnh đất mà hai vợ chồng vừa tiết kiệm, gom góp mới mua được.

Mẹ chồng vốn không ưa gì Hương, vì cô là gái nhà quê, chỉ học cao đẳng, thu nhập cũng không cao. Lúc mới cưới, Hương muốn xin ra ở riêng để tránh cảnh “mẹ chồng - nàng dâu” thì bà không đồng ý. Bà nói: “Ở với bố mẹ lo cơm nước việc nhà cho lại còn không mất tiền thuê nhà không sướng hay sao?”.

Vì lương hai vợ chồng không cao nên vợ chồng Hương nghe lời mẹ. Thời gian đầu, mẹ chồng hỗ trợ Hương mọi việc dọn dẹp, cơm nước nhưng lâu dần, bà để việc nhà cho cô lo toan. Mỗi tháng vợ chồng Hương đưa cho mẹ chồng hơn chục triệu đồng để bà đi chợ mua thức ăn, nhưng chỉ là các ngày trong tuần, còn cuối tuần thì đều do Hương mua sắm. Các hóa đơn điện nước và nhiều chi phí khác Hương đều phải chi trả.

Hàng ngày, mẹ chồng ở nhà rảnh rỗi đi tập thể dục, ngồi xem phim nhưng đến bữa tối bà chỉ cắm nồi cơm, còn lại để con dâu đi làm về nấu nướng. Sau đó Hương lại bộn bề lo quần áo, lau dọn nhà cửa đến tận đêm, trong khi cô em chồng thì không bao giờ xắn tay làm việc gì.

Thế nhưng, lúc nào cô cũng tỏ thái độ coi thường chị dâu, luôn miệng nói: “Chị may mắn có bố mẹ chồng thoải mái để sống chung đấy. Đỡ tốn bao nhiêu tiền còn gì”. Những lúc ấy, Hương thầm nghĩ: “Mỗi tháng cũng hết gần 20 triệu chứ ít ỏi gì”.

Sau một thời gian, em chồng Hương lên kế hoạch kết hôn. Bố mẹ chồng giao trách nhiệm cho vợ chồng cô phải lo từ 5 chỉ để mừng cưới em. Sợ Hương từ chối, mẹ chồng cô còn nhấn mạnh: “Cả đời em gái mới cưới một lần, chẳng lẽ anh trai và chị dâu lại không cho em chút làm vốn, hơn nữa, thông gia người ta cũng không coi thường”.

Với vợ chồng Hương, tiền bạc không quá dư giả nhưng mua số lượng vàng như mẹ chồng nói vẫn có thể lo được. Hương rút sổ tiết kiệm mua vàng để chờ ngày trao cho em chồng. Thế nhưng, trước ngày cưới, Hương lại vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con khiến cô như bừng tỉnh. Khi thấy em chồng hỏi: “Mẹ cứ bắt con ra ngoài ở riêng nhưng sao trước đây mẹ lại nhất quyết không đồng ý cho anh chị? Vợ chồng con công việc chưa ổn định nên lại tốn một khoản thuê nhà đấy”.

Lời từ chối của con dâu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mẹ chồng Hương liền nói: "Sống chung với nhà chồng vất vả lắm. Cái Hương chăm chỉ, nghe lời nên mới ở được. Con có biết làm gì đâu, với lại, có biết thì đừng việc gì cũng làm, dành thời gian mà dưỡng nhan sắc để giữ chồng. Nếu khó khăn quá, mẹ sẽ cho tiền thuê nhà. Tiền ăn mỗi tháng cái Hương đóng góp với tiền lương của bố mẹ tháng nào cũng còn dư. Ngày cuối tuần cứ để nó tự đi mua đồ ăn là mẹ cũng tiết kiệm được một khoản đấy”.

Nghe lời khuyên của mẹ chồng dành cho con gái trước ngày cưới, Hương không khỏi chạnh lòng. Từ ngày về làm dâu, cô luôn cố gắng làm tròn bổn phận của mình, thế nhưng mẹ chồng lại chỉ coi cô như osin trong nhà. Trong khi đó, bà coi em rể là khách quý, cưng chiều, nể trọng lắm.

Gia đình em rể tuy không khá giả nhưng lại ở thành phố, bố mẹ là viên chức về hưu. Sau khi cưới, cậu ta đầu tư làm ăn cũng kiếm ra tiền, hay mua quà cáp, biếu xén nên mẹ chồng Hương lại càng hết lời ca ngợi. Thế nhưng, kiểu kinh doanh “lướt sóng” không bền, hai vợ chồng cậu ta lại chi tiêu hoang phí, sống sang chảnh thế nên khi thua lỗ là đổ nợ lúc nào không hay.

Nghĩ lại chuyện cũ, Hương đã có câu trả lời cho mẹ chồng. Cô bàn bạc với chồng và anh cũng thấu hiểu. Hôm sau, Hương gặp mẹ chồng nói chuyện. Uống một ngụm nước, cô ngẩng lên nhìn cả nhà rồi nhẹ nhàng thưa:

- Bố mẹ ạ, mảnh đất ấy là số tiền bọn con tích cóp, bòn nhặt suốt 6 năm trời, vay thêm ngân hàng một ít giờ vẫn chưa trả hết nên con không thể bán ngay lúc này được. Con nhớ lúc ấy thiếu tiền, con có hỏi nhưng cô chú ấy không cho mượn một đồng nào! Mẹ bảo là không chạy vạy được ở đâu nên chúng con phải giúp các em.

Nhưng con thấy còn căn hộ rộng hơn 80m2 đó mà, có thể bán đi để mua căn khoảng 60m2 ở tạm, rồi khi làm ăn được, đổi lại sau. Ngoài ra, con sẽ cố gắng vay mượn khoảng 50 triệu giúp cô chú ấy trang trải bớt nợ nần”.

Cả nhà nín thinh trước thái độ dứt khoát của Hương. Mẹ chồng tức lắm nhưng có lẽ không phản bác được lời con dâu nên cũng im lặng. Hương nghĩ từ chối thẳng thừng là cách tốt nhất trong trường hợp này. Cô không muốn bản thân tiếp tục dại dột, làm mọi việc vì nhà chồng để rồi nhận về sự đối xử cay đắng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

(PNTĐ) - Năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời, được hội viên phụ nữ và người dân đồng tình hưởng ứng.
Món quà Giáng sinh cho con

Món quà Giáng sinh cho con

(PNTĐ) - Noel đã đến thật gần, nhiều bạn nhỏ thích thú, không bỏ lỡ dịp lễ đặc biệt này để tham gia hoạt động làm bánh mừng Giáng sinh ý nghĩa, đặc biệt khi được tự tay trang trí những chiếc bánh ngọt dưới sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ.
Bà Nhàn “biết tuốt”

Bà Nhàn “biết tuốt”

(PNTĐ) - 23 năm làm cộng tác viên dân số, bà Bùi Thị Nhàn, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ trong Tổ dân phố được đảm bảo quyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thêm hiểu biết về Kế hoạch hoá gia đình.
Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

(PNTĐ) - Chị Tạ Thị Năm ở thôn Mồ Đồi, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con. Chị cũng là nữ nông dân duy nhất của Thủ đô được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.