Lòng bao dung

Chia sẻ

Hơn hai mươi năm đã qua nhưng tôi vẫn không sao quên được lần con tôi về quê ăn giỗ hụt trước đây. Sớm mùa hè năm 2000 đó, tôi mở cửa tiễn con trai về quê ăn giỗ họ. Con dâu đi làm công ty, tôi vỗ về cháu nội ngủ. Bài tôi hay hát nhất là: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay…” .

Năm 1973, khi có được đứa con trai, tài sản vô giá mà ông trời ban tặng cho, tôi đã hay hát ru con. Đến năm 1998 được lên chức bà nội, tôi lại hát ru cháu bài đó. Tôi thấy lời ca và giai điệu bài hát như đã nói hộ nỗi lòng và cảnh ngộ của tôi... Đợi cháu ngủ sâu, tôi dậy làm việc dọn dẹp nhà cửa và tranh thủ đi nghỉ. Giữa lúc tôi đang chợp ngủ thì có tiếng chuông reo, tôi vội ra mở cửa và ngạc nhiên thấy con trai tôi tên là Quang trở về, mặt đỏ bừng vì cái nắng nóng trưa hè hầm hập như trong chảo lửa. Cháu Quang liền giãi bày với tôi nguồn cơn…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Những năm qua, vì nhiều lý do mà chủ yếu là mải lo mưu sinh nên con tôi chưa có điều kiện về quê ngày giỗ chạp họ. Sau khi tôi có đứa cháu trai đầu lòng, con trai tôi tâm sự:

- Bây giờ con đã được làm bố nên năm nay và cả sau này, con sẽ về tham dự ngày giỗ họ mẹ ạ. Tương lai rồi con sẽ đưa cả cháu đích tôn về quê dịp giỗ, Tết để cháu biết rõ tổ tông, cội nguồn…

Hôm đó, con tôi lên xe máy từ Hà Nội về quê ở xã V.X huyện Phúc Thọ từ lúc 5 giờ sáng. Đến nhà ông trưởng họ, cháu xăng xái sắn tay áo vào hỗ trợ việc nấu cỗ. Song, một lát sau, cháu được ông trưởng họ gọi ra một chỗ, nói: “Hôm trước trong buổi họp trù bị, chú Ba, bố anh, đã đến đây, yêu cầu tôi và các bậc tiền bối không được cho anh tham gia giỗ họ. Là vì bố anh nhất quyết không nhận anh là con, anh không phải huyết thống dòng họ này. Tí nữa bố anh đến, thấy anh chắc sẽ xảy ra xung đột. Theo tôi, anh Quang không nên ở lại thì hơn”.

Nghe vậy, con tôi buồn quá, lên xe về luôn.

Tôi vốn là người phụ nữ không được tạo hóa ưu ái về hình thức, chỉ thường thường bậc trung với nước da bánh mật, khiêm tốn chiều cao, vóc người nhỏ nhắn. Đầu năm 1973, khi tôi học xong lớp Sư phạm 7 + 3 của tỉnh, mới vừa 20 tuổi thì bố mẹ tôi đã nhận lời gả tôi cho anh con trai độc nhất của một ông bạn đồng niên với bố, người cùng làng. Tôi chỉ biết im lặng chấp thuận cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy vì vẫn thường nghe mẹ nói: “Có con mà gả chồng gần/ có bát canh cần nó cũng mang cho”. Đám cưới của tôi được tổ chức thật gọn nhẹ vì khi ấy đang còn chiến tranh. Cưới nhau được 3 ngày thì chồng tôi phải xa nhà. Mình tôi ở lại, làm tròn phận sự của dâu con. Tôi chửa lên tháng, mười tháng bầu bí mà chưa sinh. Quê tôi mọi người bảo là chửa trâu. Làm theo lời mẹ đẻ mách, tôi lén đi cắt sẹo trâu nhà người ta, chừng mươi ngày sau tôi sinh mẹ tròn con vuông. Đứa con trai đầu lòng và cũng là duy nhất của đời mình chào đời khiến tôi rất vui. Vì vậy, tôi đặt tên cháu là Quang, nguồn ánh sáng hạnh phúc của đời mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế rồi, một ngày kia, tôi nghe được tin chồng tôi đã có người mới bên ngoài, tôi bủn rủn tay chân. Nhiều đêm tôi chỉ biết ôm con khóc thầm. Nỗi đau khi thì âm ỉ, khi thì trỗi dậy vò xé, tim tôi như bị bóp đến nghẹt thở. Nhiều lúc đau khổ đến mức tôi không thiết sống nữa… Song ngắm nhìn con trai hồn nhiên, ăn ngoan, mau lớn, ngủ ngon, lòng tôi thấy ấm lại. Chính con là niềm an ủi, nguồn động lực lớn nhất giúp tôi không gục ngã. Bên cạnh đó, tôi còn được đồng nghiệp, bạn bè và nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ nên khó khăn cũng dần vượt qua.

Khi con tôi vào học lớp mầm non 5 tuổi thì chồng tôi trở về. Ngày con tôi lần đầu được nhìn thấy bố cũng là ngày trước mặt cả gia đình, chồng tôi không thừa nhận con, cho rằng tôi không chung thủy, có con với người khác khi anh xa nhà và yêu cầu tôi ký đơn ly dị. Lòng tôi khá bình thản vì đã lường tính trước tình huống này. Mặc dù bị buộc tiếng ác, tuy tôi đã thanh minh là tôi chửa già tháng… nhưng chồng tôi không chịu nghe. Bố mẹ chồng bênh tôi cũng không nổi vì tính anh rất độc đoán. Thôi kệ, đã đau một lần thì đứt luôn cho rồi, tôi đồng ý và ký đơn. Đó là năm 1981. Tòa xử tôi nuôi con và tôi cũng không yêu cầu bố nó chu cấp bất cứ thứ gì.

Tôi cùng con về sống tại gian nhà tạm trong khu vườn của bố mẹ đẻ. Con tôi cứ thế mỗi ngày một lớn trong tình yêu thương và chăm sóc của mẹ và bên ngoại. Cháu tốt nghiệp trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và kết hôn với cô bạn cùng học. Khi các con có con đầu lòng, cũng là lúc tôi được nghỉ chế độ hưu và tạm xa quê ra Hà Nội trông cháu. 6 năm đầu, các con tôi thuê nhà ở. Sau đó các cháu đăng ký mua được căn cung cư 60m2 trả góp theo chính sách nhà ở xã hội. Bây giờ thì cháu đã trả hết nợ rồi, còn mua sắm thêm được nhiều đồ nội thất và sắm cả xe máy mới nữa.

Còn chồng tôi, khi tòa xử ly hôn với tôi được mấy tuần, anh ta cưới luôn cô vợ mới kém mình hàng chục tuổi, vốn là người tình từ nhiều năm trước. Hai người có với nhau hai con gái và kinh tế hồi đó rất khá. Song vì khát con trai, chồng cũ tôi muốn cô vợ đẻ nữa nhưng cô ấy không chịu. Thế là vợ chồng họ cứ lục đục luôn, nhiều lần anh ta uống rượu say khướt, còn đánh đuổi vợ con. Thế là cô ta gửi lại tờ đơn ly hôn đã ký sẵn rồi mang theo con bỏ về hẳn quê ngoại dưới Thái Bình để sinh sống. Ly dị với vợ sau rồi, anh ta chỉ còn trơ lại một thân một mình, sức khỏe lại yếu…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày giỗ họ năm ngoái, chồng tôi đã sắm lễ vật dâng lên cụ Tổ và xin lỗi cả họ cho phép nhận lại cháu Quang làm con. Ông ấy tỏ ra rất hối hận về việc đã xử tệ với mẹ con tôi. Rất nhiều lần, chồng cũ tìm cách tiếp cận, muốn được đi lại với mẹ con tôi và nhận lại con và cháu…

Riêng tôi, thú thực vẫn còn rất giận chồng cũ. Mẹ tôi khuyên tôi: “Đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”. Bà muốn tôi hãy bao dung mà tha thứ để con trai tôi và cháu tôi có cội nguồn tổ tông rõ ràng, con cháu có cơ hội báo hiếu với cả ông bà, cha mẹ.

Cuối cùng tôi đã nghe lời mẹ chỉ dạy, các con tôi cũng rất vui vì thấy tôi đã dẹp bỏ tự ái và nỗi buồn từ quá khứ. Từ hôm đó tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm…

NGUYỄN THỊ THIỆN
(Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.