Lòng tin

Hồng Lam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nó không biết vì sao mà cả làng gọi nó là thằng Kiểm xì ke. Người ta truyền miệng nhau về cái biệt danh chẳng mấy tốt lành của nó.

Người thì bảo nó chuyên trộm cắp đầu đường xó chợ. Người thì bảo nó là thằng nghiện. Họ coi nó như cái gai trong mắt, thấy bóng nó là họ bảo nhau đóng chặt cửa lại, họ còn lấy nó ra doạ trẻ con: “Đứa nào không ngoan thì cho thằng Kiểm xì ke nó bắt”.

Thân hình nó gầy ốm lúc nào cũng đi vất va vất vưởng như bóng ma. Nó chẳng có bạn bè, không người thân thích. Nó kiếm sống bằng nghề đồng nát nhưng vì cái bộ dạng ấy nên chả ai gọi bán cho nó những món hàng nào ra tấm, ra món, thành ra nó cứ đi bới hết bãi rác làng này, lại sang bãi rác làng khác. Người nó lúc nào cũng ám mùi hôi hám chả ai muốn gần. Cả làng chỉ có bà Năm bán nước ở đầu làng là còn trò chuyện với nó.

Trong xóm nhà ai mất bất cứ vật gì, người đầu tiên nằm trong diện khả nghi chẳng ai khác, chính là nó. Cứ như nó là một kẻ nguy hiểm phải đề phòng hoặc một tên siêu trộm có thể ăn cắp cùng lúc mấy nhà. Có lần nó bới rác nhặt được cái ví. Mở ra thấy giấy tờ ghi tên thằng Hùng con ông Mạnh cùng xóm, nó mò đến tận nhà để trả.

Vừa mới nhìn thấy cái ví trên tay nó mấy đứa con nhà ông Mạnh đã đánh cho nó một trận thừa sống thiếu chết. Họ bảo nó là thằng ăn trộm ví, còn mang đến để đòi tiền chuộc. Từ đó nó càng trở nên lầm lì hơn.

Buồn thì nó đến quán bà Năm uống rượu. Ở cái làng này có mỗi bà Năm là không sợ nó. Bà bảo nó còn đàng hoàng bằng mấy kẻ khác. Nó chưa bao giờ bùng nợ của bà bao giờ.

Hôm ấy, thằng Kiểm đang hì hục bới thùng rác thì thấy ông Lành đi đâu về. Người ông đầy hơi men, bước thấp bước cao rồi té nằm ngoài đường giữa lúc trời bắt đầu đổ mưa. Thằng Kiểm thấy thương, sợ chuyện chẳng lành xảy ra với ông. Nó nhớ năm nọ có ông Điểu làng bên uống rượu say ngã nằm ngoài đường rồi trúng gió mà chết. Nó liền đưa ông Lành về nhà. Chiều bà Lành đi làm về phát hiện trong tủ mất một số tiền khá lớn, Bà chạy đến nhà thằng Kiểm. Vừa tới bà đã hét lên om sòm:

- Mày trả ngay tiền lại cho tao! Mày lợi dụng ông Lành say để vào nhà tao ăn cắp à? Khôn hồn thì trả tao tiền không tao báo công an!

Thằng Kiểm ngơ ngác:

- Tiền gì vậy bà Lành?

- Còn tiền gì nữa hả? Tiền của tao để trong cái túi đỏ, tao để ở trong tủ, mày ăn cắp! - bà Lành hét lên.

- Tôi đâu biết tiền gì, tôi không lấy - thằng Kiểm đáp.

- Không mày thì là ai? Mày vừa đến thì nhà tao bị mất tiền, không mày chẳng lẽ ma tới lấy chắc?

- Tôi nói rồi, tôi không lấy, đưa ông Lành vào giường là tôi đi ngay, không tin bà về hỏi ông nhà mà xem.

- Ông ấy say mèm thì còn biết gì? - bà Lành gào lên.

Lòng tin - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Hàng xóm kéo lại đứng xem rất đông, họ xì xào bàn tán với nhau. Người ta bảo nó:

- Lấy của người ta thì mau trả lại đi.

Có người lại hét lên:

- Báo công an đi chị Lành. Ăn cắp riết quen tật. Gọi là thằng xì ke chẳng sai tí nào, đi tới đâu chôm chỉa tới đó.

Thằng Kiểm im lặng trong nỗi oan ức. Biết giờ nói gì cũng chẳng có một ai tin. Nó đứng im vẻ lì lợm. Bà Lành chỉ thẳng tay vào mặt nó quát lớn:

- Giờ mày có chịu trả lại tiền không? Cấm từ nay về sau bén mảng tới nhà tao. Dù gia đình tao có chuyện gì cũng không cần mày xía vào!

Có ai đó đã báo công an xã nên một lúc sau mấy anh công an xã tới. Chưa bao giờ thằng Kiểm thấy nhục nhã như lúc này. Nó bị đưa lên trụ sở công an xã chẳng khác gì một tội phạm nguy hiểm.

Mấy anh công xã điều tra cũng không có chứng cứ gì là nó ăn trộm nên thả nó về. Buồn quá nó ra quán bà Năm.

- Mày về rồi đấy hả Kiểm? Tao đã bảo rồi mà không có nghe, lần sau thì bớt lo chuyện bao đồng đi nghe chưa con. Khổ, làm ơn mắc oán.

Thằng Kiểm rưng rưng:

- Con không lấy số tiền đó, bà Năm có tin con không?

- Tao tin mày, nhưng ở cái làng này ngoài tao ra thì ai tin mày?

Thằng Kiểm lắc lắc cái đầu:

- Bà Năm tin con là được rồi, con cóc cần đứa nào tin con cả.

Bà Năm mắng yêu nó:

- Cái thằng đến lạ.

Bà Năm ngồi bán hàng ở đầu làng đã hơn chục năm nay. Thằng Kiểm là khách quen của bà. Nó chưa bao giờ thiếu nợ bà đến một đồng. Mỗi khi kiếm được món tiền kha khá nó đều gửi bà trước. Nó bảo:

- Bà cầm lấy rồi trừ dần cho con, chứ chả may con lại không kiếm được, ăn nợ của bà không trả thì phải tội lắm.

Bà tin thằng Kiểm không phải chỉ vì nó sòng phẳng với bà, mà còn vì bà đã nhiều lần thấy nó giúp người khác. Khi là cứu thằng bé con anh Kha bị đuối nước, khi thì cho ông lão ăn mày vài đồng, có lần nó con mang cả con mèo ốm về nuôi. Nó bảo thấy con mèo giống hoàn cảnh của nó nên nó thương. Nhiều người thấy bà thân thiết với nó thì nhắc bà cẩn thận kẻo nó lại lấy hết tiền nong của bà. Nhưng bà bảo:

- Nó cũng chả đến nỗi nào. Tôi tin nó, cả làng nếu ai cũng không tin nó thì nó biết sống sao.

Bà Năm tin một đứa hay giúp người lại yêu động vật như nó không thể nào là một đứa đầu trộm đuôi cướp như người ta nói được. Nhiều lần bà tỉ tê bảo nó:

- Mày bỏ cái kiểu nói tục đi, rồi đi đứng ăn mặc đàng hoàng cho nó ra dáng con người. Mày cứ thế này thì mày có tốt cũng chả ai tin được.

Nó cười bảo:

- Ôi dào con sống thế quen rồi. Con chả cần ai tin. Bà Năm tin con là được

Lòng tin - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Nhưng lần này bà thấy nó có vẻ buồn. Tối hôm đó, bà Năm bảo nó ở lại ăn cơm với bà. Cơm nhà bà cũng chả có của ngon vật lạ gì, chỉ vài con tép, dăm miếng thịt và bát canh mồng tơi. Vậy mà hai bà cháu cùng ăn thấy ngon lắm. Ăn xong, thằng Kiểm bảo:

- Bà Năm nghỉ đi để con rửa bát cho.

Bà Năm gật đầu, nhưng nó vừa bê mâm bát ra cái ang nước thì nghe tiếng hô lớn:

- Cháy! Cháy rồi bà con ơi!

Mọi người nhốn nháo chạy. Tiếng gào thét lao xao:

- Nhà bà Lành bị cháy, nhanh lên bà con ơi.

Cả xóm nhốn nháo, người xách xô, người bê chậu chạy về phía ngôi nhà của bà Lành đang bị hoả hoạn. Thằng Kiểm xách cái xô chạy theo. Một cảnh tượng hỗn độn xảy ra trước mắt nó. Mấy gia đình gần nhà bà Lành lo di chuyển đồ đạc thấy nó họ có vẻ dè chừng. Ngọn lửa phừng phực bốc khói nghi ngút. Mọi người cùng lấy nước đổ vào mong dập tắt được ngọn lửa. Bỗng nó nghe có tiếng hét:

- Bên trong còn người.

Ngay lập tức nó lao vào. Có tiếng ai đó gọi to:

- Này thằng Kiểm xì ke, cháy thành tro hết rồi, không còn gì mà lấy được nữa đâu, cẩn thận bỏ mạng đấy!

Rồi có tiếng chép miệng:

- Rõ khổ, cái thằng to xác mà chả chịu làm ăn gì suốt ngày chỉ chơi bời lêu lổng, thấy nhà ai hở ra cái gì là lấy. Chắc lại định vào hôi của đây.

Bỏ ngoài tai tất cả những lời mỉa mai nó chạy vào trong ngôi nhà đang bốc cháy nghi ngút. Lát sau nó dìu ông Lành ra ngoài. Người được nó đưa ra tiếp theo là bà Lành đang sắp lả đi vì khói. Bà Lành mếu máo:

- Còn con Mai Anh đang ở trong phòng đọc sách làm ơn cứu nó, làm ơn cứu cháu tôi.

Thằng Kiểm lúc này đã thấm mệt nhưng vẫn lao vào trong đám cháy. Ngọn lửa càng cháy lớn hơn. Nó tiến sâu vào vị trí của đứa bé đang bị kẹt lại trong phòng. Con bé ngồi thu lu tay ôm chặt hộp đồ chơi gào khóc vì sợ hãi. Nó hét lớn:

- Lại đây, nhanh lên, anh đưa em ra.

Con bé tiếp tục gào khóc tay ôm chặt hộp đồ chơi, thằng Kiểm vội vàng nhảy qua đám kính vỡ ôm lấy con bé chạy ra ngoài. Khi tới cửa chính chuẩn bị thoát thân thì bỗng rầm, một cây kèo to đùng rơi xuống, nó vội xoay mình đỡ cho đứa bé. Nó gục xuống tay vẫn ôm chặt đứa bé trong tay. Chiếc hộp đồ chơi trong tay con bé văng ra ngoài lăn lông lốc. Cùng lúc đó xe cứu hoả đến nơi. Mấy anh lính cứu hoả kịp thời cứu cả đứa bé và thằng Kiểm ra khỏi ngọn lửa. Đứa bé an toàn nhưng thằng Kiểm thì bị thương khá nặng. Mọi người vội vã đưa nó đi bệnh viện. Bỗng có ai đó kêu lên:

- Ra đây mà xem này.

Theo tay người chỉ, từ trong hộp đồ chơi của con bé văng ra một cái túi đỏ. Bà Lành thảng thốt:

- Ôi túi tiền của tôi.

Mọi người ồ lên.

- Hoá ra là con bé nó nghịch, vậy mà nghi cho thằng Kiểm. Tội nó quá, giờ không biết sống chết ra sao, nó bị thương nặng lắm.

Người ta còn xì xào bàn tán nhiều lắm, bà Lành nghe thấy hết. Lòng bà đang nặng trĩu một cảm giác ân hận. Thì ra bà đã nghi oan cho nó, vậy mà nó không giận, nó vẫn lăn xả cứu cả nhà bà. Bây giờ bà phải ngay lập tức lên bệnh viện để chăm nó, mong cho nó mau khoẻ lại để bà nói với nó lời xin lỗi chân thành nhất.

Một tuần sau thằng Kiểm ra viện. Nó được cả làng đến thăm. Mấy anh công an còn mang cả giấy khen và phần thưởng đến trao cho nó. Nó vui lắm, mà vui nhất là khi nó nghe bà Lành nói với mọi người:

- Thôi từ nay đừng gọi là Kiểm xì ke nữa, hãy gọi là Kiểm tốt bụng mọi người ạ.

Mọi người cười ồ lên. Thằng Kiểm ứa nước mắt, có lẽ đó là những giọt nước mắt chữa lành nỗi đau trong trái tim của nó. Người vui nhất có lẽ là bà Năm, bấy lâu nay bà luôn tin tưởng nó và nó đã không phụ lòng tin của bà.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.