Lung linh sắc hoa giấy trên miền di sản Phù Đổng

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 20km, những ngày này xã nghề trồng hoa giấy xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đang nở rộ những sắc hoa. Quê hương của “Tứ bất tử” Thánh Gióng, vốn đã nổi tiếng với lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giờ đây đã được biết đến với sản phẩm hoa giấy thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Từ di sản văn hóa đến làng nghề, điểm du lịch

Là người tâm huyết với nghề trồng cây hoa giấy hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng phấn khởi chia sẻ: Để phục vụ cho mùa Noel, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới, chúng tôi hiện có những mẫu cây hoa giấy hình cây thông và hàng trăm dáng cây, phối sắc màu hoa độc đáo.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, làng hoa giấy Phù Đổng được hình thành 30 năm nay và phát triển mạnh nhất từ năm 2017 đến nay. Nghề trồng hoa giấy đã phát triển được nhờ sự khéo léo của bàn tay, khối óc người dân, cây hoa giấy gặp điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên cũng ngày càng phát triển. Nhiều gia đình từ chăn nuôi, trồng lúa… đã chuyển đổi sang trồng hoa giấy và nhanh chóng cùng nhau tạo dựng không gian “mát mắt” cho làng quê.

Lung linh sắc hoa giấy trên miền di sản Phù Đổng - ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng giới thiệu về hoa giấy.

“Chúng tôi chưa được công nhận nghệ nhân, chỉ là những người làm vườn có đam mê, đầy sáng tạo và nhạy bén, liên tục sáng tạo, uốn ghép, lai tạo thành nhiều kiểu dáng khác nhau, đáp ứng nhu cầu chơi hoa của khách hàng”- ông Hạnh nói.

Hoa giấy của các nhà vườn ở Phù Đổng được bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng, không chỉ tiêu thụ ở Hà Nội mà khắp các tỉnh thành trong cả nước và xuất sang Lào, Malaysia…

Ông Hạnh cho hay: “Hiện nay, 95ha đất nông nghiệp toàn thôn Phù Đổng 1 đã có đến 65ha trồng cây hoa giấy, còn lại là các loại cây cảnh và hoa màu. Nghề trồng hoa giấy vừa giúp kinh tế các hộ gia đình phát triển còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế, xã hội của địa phương”.

Đến với làng hoa giấy Phù Đổng, du khách có thể ngắm nhìn trên mỗi cây hoa giấy nở với 5-7 loại sắc màu khác nhau như: Đỏ, hồng, trắng, cam, tím… đầy ấn tượng và không khỏi trầm trồ về khả năng sáng tạo của người nông dân Phù Đổng. Những dáng, thế cây được uốn tỉa tạo kiểu tăng thêm giá trị của cây.

Trong không gian yên bình, lãng mạn, từ đường đê đến đường làng ngõ xóm, ngoài cánh đồng, trong vườn, trước cửa và cả trong nhà, toàn xã Phù Đổng được bao trùm những hoa là hoa. Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa các loại hoa, cây, cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu, sự rèn luyện kiên trì qua những tác phẩm. Có những tác phẩm phải mất nhiều năm tháng, thậm chí là nhiều chục năm đồng hành cùng cuộc đời của người đam mê nghệ thuật cây cảnh.

Cây hoa giấy cũng được tạo tác theo nhiều thế tự nhiên như: Dáng đổ, dáng trực, dáng hoành, dáng huyền; các dáng phụ tử nghinh phong, thế ngũ phúc, thế mẫu tử, thế huynh đệ…

Những năm trước, chị Lê Thuý ở thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) nhiều lần cùng con hoặc đồng nghiệp đến tham quan di tích lịch sử đền Phù Đổng vào dịp lễ hội Thánh Gióng đầu năm. Mấy năm gần đây, biết đến làng nghề hoa giấy, chị Thuý còn đến Phù Đổng vào dịp cuối tuần để tham quan, chụp ảnh và chọn mua cây.

Lung linh sắc hoa giấy trên miền di sản Phù Đổng - ảnh 2
Cây hoa giấy hình cây thông Noel của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh.

Để sắc hoa vươn xa

Năm 2020, Phù Đổng đã được thành phố công nhận là làng nghề hoa giấy. Năm 2022, xã đã được công nhận là Điểm du lịch của thành phố. Năm 2023, xã đã được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu, và nay đã hoàn thành các tiêu chí thành lập phường.

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, hiện nay, diện tích đất nông nghiệp toàn xã là 585,34ha, trong đó đã chuyển đổi được 292,49ha, trong đó có 139,23ha trồng hoa, cây cảnh; 153,26ha trồng cây ăn quả; giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt 930 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả đạt 330 triệu đồng/ha/năm. Toàn xã có cả 6/6 thôn đều có diện tích trồng cây cảnh, hoa giấy, với khoảng 460 hộ. Bình quân thu nhập đạt 73,9 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo.

Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Phù Đổng tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, tập trung hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt; xây dựng xã thành phường đạt 3/3 tiêu chí bắt buộc và 12/13 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Năm 2022, xã có sản phẩm du lịch đạt chứng nhận OCOP 4 sao là khu sinh thái Phù Đổng Green Park; năm 2023 xã có sản phẩm hoa giấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao…

Ngắm màu xanh của cây, các sắc màu của hoa đang độ nở rộ, làm tan biến đi những lo toan của cuộc sống thường ngày. Chính những sắc màu này vừa làm đẹp cho khung cảnh làng quê, mà còn là những sản phẩm, cây cảnh là những tác phẩm nghệ thuật cây cảnh mang đậm nét văn hóa và đem mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân làng nghề Phù Đổng.

Nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng được mở rộng, giúp cho người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chăn nuôi, trồng lúa sang cây hoa giấy, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa mang đến không gian đẹp, môi trường trong lành cho làng quê. Cũng từ đây, các nhà vườn đã góp phần thu hút đông đảo người dân và du khách về tham quan. Nhiều đơn vị du lịch đã đưa Phù Đổng vào một điểm đến trong các tour du lịch Hà Nội cùng với làng nghề gốm Bát Tràng, dát vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm), khu di tích đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, xã Dương Xá...

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, thời gian tới, xã sẽ tập trung mọi nguồn lực giữ vững những tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã đạt được, phấn đấu từng bước hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu toàn diện; xây dựng Phù Đổng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng xã thành phường và phát triển du lịch.

Đồng thời, tập trung nguồn lực cho xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn xã, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trồng hoa cây cảnh, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2021-2025.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.