Mai Trần Lâm - chàng trai người Tày nổi danh với dòng nhạc bolero

Chia sẻ

Mai Trần Lâm, giọng hát bolero từng gây ấn tượng qua cuộc thi “Solo cùng bolero” 2015 và “Tuyệt đỉnh song ca” 2017, vừa chính thức ra mắt dự án phim ca nhạc tiền tỉ “Yêu một mình”. Ai cũng cho rằng trong thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 này, việc thực hiện những dự án tiền tỉ là cú chơi “liều”.

Nhưng, Mai Trần Lâm lại quyết “tất tay” với dự án với mong muốn khai phá một lối đi riêng. Một lối đi khá “ngược đời”: Làm phim ca nhạc hành động hát bolero… 

Mang hết tiền gom góp, vay mượn để làm phim ca nhạc

“Yêu một mình” là bộ phim ca nhạc hành động có thời lượng tới 50 phút, là phim ca nhạc có độ dài hiếm có, xoay quanh tình yêu của một chàng trai nghèo, hiền lành. Anh dành cho bạn gái tình cảm mộc mạc, chân thành, tuy nhiên, ngang trái là cô gái lại là con của một trùm xã hội đen…

Trong phim, Mai Trần Lâm vào vai chàng trai nghèo tình cảm. Bên cạnh những hình ảnh lãng mạn, những phân cảnh xúc động, ấm áp tình người, “Yêu một mình” còn có rất nhiều pha hành động hấp dẫn cũng như những tình tiết, đối thoại hài hước. Điều quan trọng hơn nữa là yếu tố hành động trong phim được xây dựng sạch sẽ, văn minh, không câu khách kiểu “giang hồ mạng” và phần hài cũng rất duyên dáng, thú vị. Trên nền câu chuyện đầy hấp dẫn và kịch tính, Mai Trần Lâm thể hiện 3 ca khúc bolero quen thuộc: “Về quê ngoại”, “Yêu một mình”, “Nếu hai đứa mình”. Bằng giọng hát ngọt ngào và tình cảm, Mai Trần Lâm đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, khiến bộ phim ca nhạc dài gần 1 tiếng đồng hồ vẫn như là quá ngắn…

Ca sĩ Mai Trần Lâm trong buổi ra mắt dự ánCa sĩ Mai Trần Lâm trong buổi ra mắt dự án

Với “Yêu một mình”, Mai Trần Lâm là ca sĩ tiên phong trong việc thực hiện một bộ phim ca nhạc bolero gắn với hành động. Với độ dài đáng nể, ekip thực hiện đã làm việc ngày đêm suốt 20 ngày quay, vì vậy con số hơn 1 tỉ đầu tư cho bộ phim cũng có thể xem là dễ hiểu. Tuy nhiên, trong thời kỳ thị trường âm nhạc bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, ca sĩ ra sản phẩm đã hiếm, mà dám “chơi lớn” như Mai Trần Lâm lại càng hiếm hơn. Bản thân Mai Trần Lâm là một trong những ca sĩ bolero trẻ đắt “sô”, nhưng cả năm qua đi diễn cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ không có tích lũy.

Mai Trần Lâm đã ấp ủ dự án này nhiều năm trời, vì vậy, với quyết tâm thực hiện sản phẩm trong mơ ước, anh đã gom góp tiền từ việc đi hát, kinh doanh phòng thu, rồi vay mượn bạn bè, người thân. Với anh, việc thực hiện sản phẩm nghiêm túc, chất lượng là một cách trân trọng đáp lại tình cảm của khán giả, đồng nghiệp đã yêu mến mình. Nhiều năm qua, anh chỉ có khả năng làm những MV không có nội dung, chủ yếu là để chia sẻ giọng hát. Nhưng giờ đây, với yêu cầu ngày càng cao của khán giả, anh muốn “đứa con tinh thần” của mình phải thật sự khác biệt, đáng giá.

Chàng ca sĩ người Tày giàu nghị lực

Trong các nam ca sĩ bolero thế hệ 8x ở miền Bắc, Mai Trần Lâm là gương mặt quen thuộc với khán giả yêu bolero. Khán giả yêu mến anh vì giọng hát, vì sự nghiêm túc trong nghệ thuật, vì nghị lực và sự tử tế của một chàng trai người dân tộc thiểu số đã khẳng định được vị trí của mình.

Mai Trần Lâm là người dân tộc Tày, sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã vùng cao Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Gia đình vất vả, phải phụ bố mẹ công việc đồng áng sớm hôm nhưng không khiến anh chểnh mảng học hành. Tuy nhiên, do điều kiện nên Mai Trần Lâm không thể tiến xa trên con đường học hành. Tốt nghiệp cấp 3, anh quyết định dừng học, vào miền Nam làm công nhân.

“Bố mẹ tôi nghèo lắm, lại đang gồng sức để nuôi anh trai tôi theo học ngành y, làm sao có tiền cho tôi học đại học. Ngày đó thanh niên làng tôi rủ nhau vào miền Nam làm công nhân nhiều, mỗi tháng gửi 3 trăm, 5 trăm về cho gia đình, tôi quyết định đi theo”, Mai Trần Lâm chia sẻ.

Thời gian đầu vào Sài Gòn, anh mang hồ sơ đi hết công ty này đến công ty khác mà không nơi nào nhận. Bởi tuyển lao động phổ thông, các nơi yêu cầu sức khỏe, trong khi Mai Trần Lâm vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao 1,6m, nặng 43kg, gầy gò, đen nhẻm. Trong lúc chờ xin việc, anh đi làm phụ hồ kiếm cơm. Sau 1 tháng “Nam tiến”, anh vào làm công nhân một công ty gạch men. Ngày đầu tiên đi làm anh đã bật khóc vì quá sức. Ngày đó việc chăm lo cho người lao động còn nhiều bất cập. Suốt 12 tiếng đồng hồ, từ 6h sáng đến 6h tối anh đứng đóng gói gạch, không được ngưng nghỉ. Đi vệ sinh cũng có người giám sát, chỉ được nghỉ 5-10 phút, đến giờ cơm có người bê ra tận xưởng để ăn nhanh còn làm tiếp. “Tôi tự nhủ, cố làm 1 tháng đủ tiền xe rồi… chuồn. Nhưng sau 1 tháng thấy cũng quen tay, lại cố”, anh cho biết.

Một cảnh trong phim ca nhạc “Yêu một mình”Một cảnh trong phim ca nhạc “Yêu một mình”

Sau công ty gạch men, Mai Trần Lâm tiếp tục làm công nhân ở công ty giày da, gỗ, may mặc… Vừa đi làm vừa tằn tiện gửi tiền về phụ cho bố mẹ lo việc nhà, còn lại dành một ít để sinh sống. Những ngày tháng ấy là những ngày khó quên trong cuộc đời Mai Trần Lâm, khi mỗi ngày đều là lao động cực nhọc và ăn uống qua quýt.

Sài Gòn là nơi quá nhiều áp lực với anh công nhân nghèo, nhưng cũng là một vùng đất lung linh với một chàng trai miền núi nói tiếng phổ thông còn chưa chuẩn như Mai Trần Lâm. Bởi, nơi đó có rất nhiều âm thanh, vũ điệu. Mai Trần Lâm thích nghe nhạc từ nhỏ, thích hát, nhưng chỉ dám hát một mình. Phòng trọ của anh dán đầy ảnh của ca sĩ thần tượng. Mỗi khi có đêm nhạc ở gần, anh lại dành dụm tiền mua vé đi xem. Một lần, trong đêm nhạc có Đan Trường, đang hát thì “anh Bo” hỏi khán giả ai thuộc bài này mời lên hát cùng. Mai Trần Lâm lấy hết dũng khí lên sân khấu song ca cùng thần tượng. Tiếng vỗ tay vang dội của khán giả sau đó đã mang đến cho chàng công nhân một cảm xúc anh chưa từng có trong đời, nhen nhóm trong anh những mơ ước, khát khao…

Ban ngày Mai Trần Lâm đi làm công nhân, tối về làm bồi bàn, rồi đi hát ở các quán cà phê với cát-xê mỗi đêm 10 nghìn đồng. Dần dần tăng lên 15 nghìn, 20 nghìn, 25 nghìn… Hơn 4 năm sau, anh mới thôi không làm công nhân nữa, vừa đi hát vừa làm phòng thu, cho thuê loa đài, mở ảnh viện áo cưới…

Sau 7 năm ở Sài Gòn, Mai Trần Lâm quyết định thi lại đại học. Dù nhiều năm trời không động đến sách vở, nhưng với những nỗ lực đặc biệt, anh thi đỗ cùng lúc 2 trường đại học. Ngày nhận giấy báo nhập học đại học Văn hóa Hà Nội, anh phải đấu tranh rất nhiều với chính mình. Những năm tháng lăn lộn, bôn ba ở miền Nam đã cho anh công việc mang lại thu nhập tốt, mỗi tháng 20-30 triệu, một con số không nhỏ vào năm 2010. Chọn ra Hà Nội học đại học, nghĩa là anh phải bắt đầu từ con số 0…

“Đến bây giờ nhìn lại, tôi thấy lựa chọn của mình là sáng suốt. Đi học, tư duy của mình được mở ra rất nhiều. Cả một thế giới mênh mông bao la mở ra trước mắt tôi, khiến tôi như sống thêm một cuộc đời mới”, Mai Trần Lâm bày tỏ. Cũng vì thế, sau khi lấy bằng cử nhân, anh lại tiếp tục học lên thạc sĩ.

Ra Hà Nội, với một ít tiền còn lại từ Sài Gòn, anh mua 1 chiếc xe máy, 1 chiếc laptop, làm đủ việc để kiếm tiền ăn học, từ cài máy tính, cho thuê loa đài, bán nhạc beat, mở phòng thu, làm MC, hát tiệc… Thù lao đi hát của anh ở thủ đô từ 120 nghìn, rồi lên 150 nghìn, 200 nghìn, 500 nghìn… Anh bắt đầu nổi tiếng từ clip “Chàng nam sinh hát hay” tự quay ở sân trường, có tới 17 triệu lượt xem trên YouTube. Tuy nhiên, cái tên Mai Trần Lâm thực sự trở thành hiện tượng là từ cuộc thi “Solo cùng Bolero”. Dù không đoạt giải nhưng anh lại là gương mặt nổi bật hàng đầu của sân chơi này, có lượng khán giả ủng hộ đông đảo.

Sân chơi “Solo cùng Bolero” là động lực mạnh mẽ để Mai Trần Lâm quyết tâm bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Tình yêu nghề, sự kiên trì và nỗ lực của Mai Trần Lâm đã giúp anh được rất nhiều nghệ sĩ đàn anh yêu mến.

Cho đến khi trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, Mai Trần Lâm đã trải qua không dưới 15 nghề mưu sinh. Chính cuộc đời nhiều vất vả, lăn lộn đã khiến cho tiếng hát của anh thêm trải nghiệm, cảm xúc - điều vô cùng cần thiết với dòng nhạc gần gũi với cuộc sống như bolero.

THÚY THẢO

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.