Mang “mùa xuân” đến với người bệnh

NGỌC BẢO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với các y bác sĩ, thành tựu lớn nhất của y khoa không chỉ là nắm bắt kỹ thuật, làm chủ công nghệ… mà hơn hết là cứu chữa, đem lại cuộc đời mới, “hồi sinh” sự sống cho người bệnh. Bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tài năng của người làm y, họ thực sự đã đem đến “mùa xuân” cho biết bao con người, biết bao gia đình.

Tái sinh những cuộc đời

Tới giờ, khi nhớ lại cuộc “đại phẫu” lấy - ghép đa mô tạng được thực hiện vào ngày 30 Tết Giáp Thìn, nhất là khi thấy những nhịp tim đầu tiên ở người nhận tim đã chạy trên màn hình theo dõi liên tục (monitor), cùng với các mô, tạng khác đang dần “hồi sinh” trong cơ thể của các bệnh nhân nhận gan, thận - tuỵ, chi thể...

Thiếu tướng PGS.TS Phạm Nguyên Sơn - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 vẫn rưng rưng xúc động.

Để làm được điều đó, lần này, BV đã chủ động hoàn toàn về công tác tổ chức, điều phối và thực hiện; huy động hơn 150 cán bộ nhân viên tham gia gồm chuyên gia của các chuyên ngành, các cơ quan làm công tác tổ chức, điều phối, hậu cần, trang bị, công nghệ thông tin, công tác xã hội… Trong niềm hạnh phúc khôn tả, PGS.TS Sơn bày tỏ: “Có thể đây là ngày 30 Tết chỉ xảy ra một lần trong đời đối với người thầy thuốc của BV TƯQĐ 108 như tôi, kết thúc năm cũ để tiếp nối một năm mới, bắt đầu với nhiều cuộc đời được tái sinh”.

Mang “mùa xuân” đến với người bệnh - ảnh 1
Toàn cảnh phòng phẫu thuật lấy đa mô-tạng tại BV TWQĐ 108. ẢNh: BVCC

Còn đối với bệnh nhân và gia đình của họ, thành công ấy giống như một phép màu trong chuyện cổ tích. Cô P.T.T, mẹ của nữ bệnh nhân 21 tuổi được nhận 2 lá phổi hiến tặng bộc bạch sau khi ca ghép thành công: “Dù chưa được ôm con vào lòng nhưng tôi biết con gái tôi đang được các y bác sĩ thay nhau chăm sóc tận tình hàng ngày, hàng giờ. Các bác sĩ chính là người đã sinh ra con lần thứ 2”.

Và khi năm mới đã sang, mùa xuân mới đã đến, người mẹ ấy đã tìm lại được hy vọng về cuộc đời mới cho con gái mình.

Tất nhiên, những thành tựu này không bỗng dưng mà đến. Để có thể đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc và hy vọng cho người bệnh cũng như gia đình bệnh nhân, phải kể đến sự nỗ lực không ngừng của cả tập thể, sự hy sinh thầm lặng của từng nhân viên y tế.

Là một trong những bác sĩ điều trị của Khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng (BV TƯQĐ 108), BS Đỗ Văn Nam chia sẻ: Làm việc tại nơi chứng kiến những phận đời mong manh trước sự sống và cái chết, mỗi đêm trực tại khoa đều có những nỗi nhọc nhằn, đau thương, mất mát riêng. Nhưng cũng nhờ đó mỗi người lại học được cách trân trọng cuộc sống trong từng phút giây. Đó cũng là động lực để BS Nam và đồng nghiệp vượt qua áp lực, thách thức, gian khó để chăm sóc, cứu chữa tốt hơn cho người bệnh.

Kể về ca trực đặc biệt không thể quên của mình, BS Đỗ Văn Nam cho biết, đó là một ngày đầu tháng 12/2023. Vừa giao ca, anh nhận được cuộc điện thoại yêu cầu hỗ trợ cấp cứu từ khoa phẫu thuật khớp. Bệnh nhân đã 93 tuổi bị ngừng tim do nôn và hít sặc thức ăn vào trong đường thở. Cùng lúc đó, một cuộc gọi từ phòng mổ báo bệnh nhân sau phẫu thuật ghép gan chuẩn bị về.

Mang “mùa xuân” đến với người bệnh - ảnh 2
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và BV TƯQĐ 108 thăm bệnh nhân đầu tiên được ghép 2 tay. 
Ảnh: Thiên Lam

“Tôi và điều dưỡng đem theo vali cấp cứu nhanh chóng xuống cấp cứu cho người bệnh, đồng thời đưa bệnh nhân lên khoa Hồi sức điều trị. Ngay sau đó tôi tiếp nhận bệnh nhân ghép gan từ phòng mổ về, và cũng nhận được tin báo từ khoa cấp cứu có một bệnh nhân bị sốc chấn thương do đa chấn thương nặng, chuẩn bị chuyển lên. Bệnh nhân có chấn thương vỡ gan chảy máu nhiều trong ổ bụng, đã can thiệp nút động mạch gan để cầm máu. Tuy nhiên, khi lên khoa bệnh nhân tiếp tục biểu hiện mất máu, huyết áp tụt thấp, nguy cơ ngừng tim, bệnh nhân được truyền máu tối khẩn cấp và đưa đi phẫu thuật cấp cứu khâu cầm máu vết thương gan”- BS Nam kể.

Đến 22 giờ tình trạng bệnh nhân tạm ổn, cả kíp mới có thể thay phiên nhau vào ăn tối. Lúc này đồ ăn đã nguội lạnh, nhưng “chúng tôi lại thấy ấm lòng vì bà cụ 93 tuổi đã tỉnh trở lại và ca đa chấn thương tạm thời đã qua cơn nguy kịch và vì những lời cảm ơn từ tận đáy lòng của người thân những bệnh nhân đã được chúng tôi cứu thoát qua giai đoạn khó khăn nhất, mà tưởng chừng như không thể nào qua khỏi” - BS Nam hạnh phúc nói.

Dành cả thanh xuân để chăm sóc người bệnh

Được chăm sóc cho bệnh nhân, được cống hiến, thực hiện sứ mệnh cứu người cũng là điều ý nghĩa và cao quý nhất đối với ĐDCKI Bùi Thị Thanh Hải – Điều dưỡng trưởng khoa Xạ Vú-Phụ khoa (BV K). Chẳng thế mà đến nay, chị Hải đã gắn bó hơn 27 năm với bệnh viện, bất cứ lúc nào cũng không ngại khó, ngại khổ, tận tuỵ vì người bệnh ung thư.

Công việc của chị không chỉ dừng lại với hình ảnh quen thuộc khi nghĩ về người điều dưỡng là tiêm, truyền... mà còn là điểm tựa tinh thần với nhiều chị em, khi đa phần họ luôn ở trong tâm thế hụt hẫng, tiêu cực những ngày đầu phát hiện ra bệnh.

Bệnh nhân đến bệnh viện ai cũng bệnh cũng đau, nhưng bệnh nhân ung thư luôn là những người đặc biệt, nhất là các chị em phụ nữ, phía trước còn cả tương lai, cả thanh xuân tươi đẹp, mắc bệnh hiểm nghèo luôn khiến họ tự ti. Bởi họ phải đối diện với vấn đề sức khỏe, và cả những mặc cảm về cơ thể mình, để chữa lành vết thương ấy không chỉ có y học hiện đại, mà còn cả tấm lòng bao dung, ân cần, cảm thông.

Đến nay, nhiều câu chuyện, nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp giành giật sự sống mong manh cho người bệnh trong từng giây từng phút… chị Hải vẫn nhớ như in. Chị kể, đêm trực ấy đồng hồ điểm 11 giờ, người bệnh chảy máu rất nhiều, gương mặt tái xanh, diễn biến nặng ở trong khoa, tính mạng người bệnh bị đe doạ. 

Với kinh nghiệm của mình, chị cùng bác sĩ và ekip trực tiến hành truyền máu cho bệnh nhân, máu truyền 3 đơn vị vẫn chảy không ngưng, sau sự khẩn trương, chính xác, kịp thời xử lý, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Mang “mùa xuân” đến với người bệnh - ảnh 3
Điều dưỡng Bùi Thị Thanh Hải động viên người bệnh. Ảnh: BVCC

Khi mọi thứ đã ổn định, bệnh nhân tỉnh, chị và bác sĩ vào kiểm tra. Vừa định trở ra thì bệnh nhân với với, ý gọi chị lại gần nắm tay, nghẹn ngào nói: “Cảm ơn anh chị, cảm ơn các bác sĩ cho tôi được sống lại lần nữa”. Đó là khoảnh khắc chị và bệnh nhân cùng khóc, cùng xúc động. Giọt nước mắt khi ấy là giọt nước mắt của hạnh phúc.

Hơn ai hết chị Hải cũng hiểu rằng, làm nghề y, dù ở vị trí nào, dù ở chuyên môn lĩnh vực nào, thấy bệnh nhân khoẻ mạnh, có cơ hội sống tiếp là món quà quý giá nhất. Dù vất vả nhưng các y bác sĩ luôn sẵn sàng hy sinh thầm lặng, nhận thiệt thòi về mình, nhận gian khó về mình chỉ mong sao bệnh nhân có điều kiện chữa trị tốt nhất.

Bởi lẽ, với mỗi nhân viên y tế, khoác lên mình tấm áo blouse trắng không chỉ đơn thuần là khoác lên bộ trang phục, mà còn là khoác lên trách nhiệm và sứ mệnh cao cả chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thành công trong công việc, cứu sống được nhiều bệnh nhân trong giai đoạn nguy kịch là hạnh phúc vô bờ; cũng là động lực to lớn để các y bác sĩ tiếp tục yêu, gắn bó với nghề y đã chọn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.