Mảnh ghép cuộc sống

THU ĐÌNH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhà có bụi hoa sử quân tử uốn mình phủ lên trên cổng ngõ thơm lừng, mát rượi. Chiều chiều, Lang vẫn ngồi tần ngần nơi bậc tam cấp dưới hiên nhà, mắt đắm đuối vào từng chùm hoa đan xen trắng, hồng bung nở sáng cả lối vào. Anh nhớ bụi hoa này hôm nay mới tròn 4 tháng. Vậy mà bông đã đan cài rực rỡ khắp cổng.

Từng cánh hoa mỏng xinh, thuôn dài kiêu sa cứ rung rinh trong gió chiều man mác thổi vào lòng anh một cảm giác bồi hồi như thuở mới yêu. Mắt vẫn vin vào màu hoa, đầu anh gật gù, miệng anh réo rắt đôi ba tiếng huýt sáo cùng với cái nhịp chân nhẹ nhàng, đều đặn xuống nền sân đầy vẻ thích thú…

- Này! Làm gì mà ngồi mãi ở đó vậy. Chiều mát rồi, còn mười ký thịt bò của ông Bảy Thật ở Hòa Cư nữa, giao cho người ta đi, sáng mai nhà người ta chuẩn bị làm đình làm đám rồi. Còn nữa… tiện thể anh ghé qua nhà bà Tám Mập hỏi luôn tiền thịt bả còn thiếu. Kỳ cục thật! Lúc mua thì nhanh lắm, lúc trả tiền thì chậm như rùa!... Loan, vợ Lang đứng ngay sau lưng anh từ lúc nào chẳng biết. Tay chống nạnh, khuôn mặt hằn lên đôi ba nếp nhăn dồn lại, chị cứ sa sả nói như thể giục giã, trách cứ bất kỳ ai.

- Ừ. Thì từ từ cái đã. Làm gì mà ỏm tỏi lên thế! 

Mặt gầm gầm, chẳng nói chẳng rằng gì thêm, anh Lang uể oải đứng dậy, bước vào phòng xỏ vào cái quần dài, với lấy chiếc mũ bảo hiểm móc nơi góc tường rồi leo lên chiếc Cub 50 nổ máy chạy thẳng. 

Mảnh ghép cuộc sống - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Chiếc xe Cup cứ đều đều lăn bánh, bỏ lại phía sau những cung đường uốn lượn, những thửa ruộng lúa hãy còn thơm thơm mùi sữa. Gió chiều dàn dạt trên cỏ cây bên đường mát rượi… Vậy mà cứ nghĩ đến vợ, Lang lại thấy trong người tưng tức thế nào. Người gì suốt ngày chỉ biết thịt với tiền. Chẳng bao giờ để cho đầu óc được thư thái chút nào. Năm nào, tháng nào, ngày nào cũng thế. Cũng chỉ từng ấy công việc như đã được lập trình, lặp lại đơn điệu đến mức dù có nhắm mắt nó cũng vẫn hiện rõ như bức phù điêu chạm khắc trong đầu anh. Sáng thức dậy vào lúc 2 giờ. Dù đông hay hè, nắng hay mưa, anh vẫn lặn lội chở vợ đi lấy thịt bò từ lò mổ cách nhà chừng mười cây số rồi vòng về. Chị thì ngồi bán thịt trong chợ huyện. Số thịt còn lại anh mang giao cho các mối bạn hàng thân thuộc, nào quán bún phở, nào nhà hàng, đám xá đủ kiểu. Xong việc, anh phóng xe ngay về nhà tranh thủ cắt tỉa, ngắm nghía, tưới cây trong vườn rồi nấu nướng đâu vào đó. Trưa lại lên xe chạy ù ra chợ chở vợ về. Ăn trưa xong, anh làm một giấc đến 3 giờ chiều. Thức dậy lại tưới cây, ngắm hoa lá quanh nhà. Tối đến thì đi lấy tiền bạn hàng nợ rồi về ngủ sớm để mai còn tiếp tục hành trình. Dường như cả năm chỉ được ngơi tay ngày mồng Một Tết, còn lại dù có đau ốm vặt cũng ráng đứng dậy mà đi. “Nghỉ làm sao được! Nghỉ là khối kẻ chen chân vào ngay. Là mình mất mối. Mất tiền”. Anh nhớ rõ lời vợ cứ ca đi ca lại điệp khúc ấy. 

Trong đầu Lang đến tận bây giờ vẫn mơ hồ không thể hiểu hết vì sao mình và Loan lại thành vợ thành chồng. Yêu say đắm từ cái nhìn đầu tiên cũng chẳng phải. Bởi ngoài nước da tương đối trắng, Loan lại thấp người, đã thế vẻ mặt lúc nào cũng nằng nặng, đôi mắt cứ sầm sập như trời chuẩn bị đổ mưa. Bị ép gả cũng không đúng. Bởi thời đại nào rồi mà còn ép gả. Lang vốn là dân thành phố biển hẳn hoi. Học hết lớp 12, anh chẳng thiết tha gì với chuyện học tiếp mà thích đi làm để sớm được va chạm với cuộc sống bên ngoài. Lúc là nhân viên phục vụ trong khách sạn, khi lại đi biển lênh đênh cả mấy tháng trời mới về nhà, có thời điểm lại buôn bán này nọ. Hơn ba mươi tuổi vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Trong một lần cậu ruột của Lang được gia đình Loan mời đến ăn giỗ, thấy Loan cứ tất bật đầu tắt mặt tối lại ngoan ngoãn dạ vâng, ông đâm ra để ý rồi mạnh dạn ngỏ lời mai mối cho cháu mình. Một vài lần được cậu dắt lên gặp mặt Loan, Lang cũng thấy ưng ưng Loan ở đức tính cần cù, biết việc, hơn nữa cả hai cũng đều đã luống tuổi. Thế rồi chẳng bao lâu sau, hai anh chị đồng ý đi đến kết hôn.
Nhà Loan thì ở phố huyện, cách nhà Lang chừng hai chục cây số. Khi còn trẻ khỏe, ba mẹ Loan chuyên mổ bò, vừa bán sỉ tại nhà vừa bán lẻ ngoài chợ. Loan cũng chỉ học hết cấp ba rồi sớm theo nghiệp bán buôn, ngồi chợ cùng mẹ. Bởi thế, chẳng mối bỏ thịt bò nào của gia đình Loan lại không biết, chẳng việc gì liên quan đến thịt thà ngoài chợ Loan lại không làm được. Miệng mời chào khách, cò kè giá cả, tay chị cầm con dao sắc lẹm cắt một đường xuống tảng thịt bò là có ngay một miếng thịt đủ ký đủ lạng như ý muốn. Loan còn không quên nở nụ cười thật tươi, hào phóng lẻo thêm một miếng thịt nhỏ cho khách kèm theo lời nhắc khéo: 

- Lần sau có ăn thịt bò thì nhớ ghé hàng em mua nhé! Gì chứ, chỗ quen biết, em bán rẻ cho! 

Mà đúng thật. Thịt bò mẹ con Loan bán, khắp phố huyện một thời ai cũng khen rẻ mà ngon chứ đâu phải như một số cửa hàng thịt bò lấy lại rồi bán lẻ, nói là thịt bò mà toàn độn thịt heo nái. Đằng này nhà Loan tự tìm bò mua về mổ rồi đem bán luôn. Mua tận gốc bán tận ngọn, thành thử chất lượng là thế!

Cũng đã mười năm nay, gia đình Lang Loan không còn ở chung với bố mẹ chồng trong căn nhà nơi phố biển. Phần vì hai vợ chồng ngày nào cũng cứ phải chạy lên chạy xuống để làm việc bán buôn. Phần nữa, ba mẹ Loan cũng đã đau yếu, không còn mổ bò, ngồi chợ được nữa. Loan là chị cả trong nhà, lại cũng là người duy nhất theo nghiệp buôn bán của ba mẹ nên bao nhiêu mối hàng thân thuộc lâu nay cho đến cả chỗ ngồi bán thịt trong chợ, ba mẹ giao lại cho Loan hết. Đã thế, ba mẹ Loan còn cắt cho anh chị một miếng đất trong khuôn viên gia đình để cất nhà ở. Nhà gần chợ, gần ba mẹ, lại có công việc, thu nhập ổn định, vợ chồng Loan cứ yên tâm làm ăn, sinh con rồi còn mua được cả miếng đất sát nhà làm vườn.

Mảnh ghép cuộc sống - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Nói là làm vườn nhưng thực ra là trồng cây ăn quả, nhất là các loại hoa lá làm cảnh. Mà rồi chỉ có Lang mới là người luôn tay luôn chân với mảnh vườn ấy, còn Loan thì chẳng đời nào! Chẳng hiểu sao từ ngày có thêm mảnh vườn, Lang mê cây cỏ đến lạ. Vườn không lớn lắm, anh trồng dày đặc nào mít, nào ổi, cóc Thái, lựu. Hoa thì vô số kể, lan có, mai có, sứ có, bông giấy có… Đi ngoài đường hay đến nhà ai, anh lại ngó nghiêng hỏi cây này cây gì, hoa này hoa gì? Ưng một cái là anh mua về liền! Nếu không mua được, trong người anh cứ thấy bứt rứt, khó chịu, chẳng làm được gì. Có khi, hôm nay thích trồng ở chỗ này, ngày mai anh lại bứng cây trồng ở chỗ khác. Đó còn chưa kể đến chuyện chăm bón, tưới tắm, cắt tỉa cho cây. Bởi vậy, nhiều lần Loan cằn nhằn chồng:
- Công việc ngập đầu chẳng lo làm, lúc nào cũng cây với chẳng cối! Mấy cái cây đấy có mang ra ăn được không? Vừa tốn tiền của vừa mất công sức! 

Đó là lần cách đây đã 4 tháng. Vì mải mê đào một hố đất đầu góc vườn, cạnh cổng ngõ để trồng bụi hoa sử quân tử mới mua về, anh quên mất đã đến giờ chạy ra chợ chở vợ về. 

- Choang… Choang! Hai tiếng đập vỡ nghe giật mình đến chối tai đã diễn ra liên tiếp. Bực quá! Chẳng thể đánh vợ, Lang nện liền hai chậu bông sứ xuống nền sân ngay trước mặt Loan. Trong giây lát, da mặt Loan như tái lại. Không dám nói gì thêm, lẳng lặng bước vào nhà. Nhưng rồi vợ chồng cũng chỉ không nhìn mặt nhau lúc đó. Sáng sớm mai, Loan lại ngồi lên chiếc xe máy để Lang chở đi lấy thịt bò rồi lại về ngồi chợ bán. Sau khi giao thịt xong, Lang lại về nhà lo con cái, cơm nước, cây cảnh và không quên ghé lại một cửa hàng mua 2 chậu y chang như hai chậu hôm qua mình đã đập vỡ.
- Anh Lang! Xong việc chưa? Vào làm một ly cà phê cái đã. Mới sáng gì mà vội vã vậy? 
Tiếng thầy Thu dạy Văn, hàng xóm gọi với khi nghe tiếng xe Cub quen thuộc của Lang vụt qua. Lang quay đầu xe lại, mở cửa ngõ, thoăn thoắt bước vào nhà thầy Thu.

- Thầy sáng nay không có tiết dạy à? Sướng nhỉ! Tôi chỉ ước thỉnh thoảng có được một ngày nghỉ trọn vẹn ở nhà như thầy.

- Mỗi người mỗi nghiệp mà anh! Anh vất vả nhưng có tiền, còn giáo viên tụi em lương ba cọc ba đồng ăn thua gì!

- Ừ. Thì cái gì nó cũng có cái giá của nó. Nhưng mà tôi vẫn thích cuộc sống giáo viên như vợ chồng thầy, ổn định mà nhàn nhã, có thời gian lo cho con cái rồi đi đây đi đó nữa. Chứ như vợ chồng tôi đây cả năm cả đời cứ quanh quẩn nơi chợ búa, đã đi được chỗ nào đâu! Câu chuyện giữa hai người hàng xóm thỉnh thoảng cứ diễn ra chóng vánh như thế. Chỉ tầm 15 phút thôi, có khi chưa uống hết ly cà phê mới pha, tiếng điện thoại của vợ, của khách hàng gọi cho Lang lại réo lên inh ỏi từng hồi. Anh đứng dậy ngửa cổ làm cái ực cho hết ly cà phê rồi chào thầy Thu lên xe đi giao thịt bò. Tiếng xe máy của Lang ré lên một hồi gấp gáp rồi im bặt, mất hút cuối con đường.

Dạo này, Loan thường bị đau đầu, chóng mặt, có khi xây xẩm đến ói mửa ngay ngoài chợ. Mua thuốc ở mấy quầy thuốc Tây uống không bớt. Đi khám rồi uống thuốc của các phòng khám và bệnh viện đa khoa trong tỉnh suốt cả tháng cũng không khỏi bệnh. Lang đành phải cất công đưa vợ vào tận bệnh viện Chợ Rẫy để khám. Bác sĩ chẩn đoán Loan không phải bị rối loạn tiền đình như lời nói của các bác sĩ trước đó đã khám cho chị. Mà do suy nghĩ căng thẳng lại thiếu ngủ nên một dây thần kinh trong não bộ của chị bị tổn thương, hoạt động không bình thường dẫn đến xây xẩm, mất thăng bằng, thường xuyên buồn ói và không thể ăn uống bình thường. Bác sĩ kê đơn thuốc rồi khuyên Loan phải giảm bớt công việc, suy nghĩ; dành thời gian ngủ nghỉ và rèn luyện thể dục nhiều hơn.
Chiều nay, sau khi thức dậy, Lang vẫn ngồi dưới mái hiên nhà ngắm nghía mấy cây cảnh bên vườn, nhất là giàn hoa sử quân tử ngay trước ngõ. Tuy nhiên anh không thả hết hồn mình vào bóng hoa. Lang nghĩ đến vợ và thấy thương vợ thật nhiều. Cũng nhờ nghề gia truyền và sự chăm chỉ, hoạt bát của vợ mà vợ chồng anh mới có được căn nhà khang trang và cả mảnh vườn làm niềm vui hàng ngày của anh. Cũng nhờ nghề buôn bán của vợ mà các con mới có điều kiện được học hành đàng hoàng. Bỗng nhiên Lang thấy mình như có lỗi. Đang ngồi suy nghĩ vẩn vơ thì Loan cũng thức dậy từ lúc nào. Loan nhẹ nhàng bước đến ngồi tựa vào vai anh. Đôi mắt chị bỗng sáng lên khi thấy giàn hoa sử quân tử ngoài ngõ bung nở từng chùm, đưa hương vào nhà thơm dìu dịu. Nhìn thấy vẻ mặt thư thái, tươi vui của vợ, Lang chỉ còn biết nhìn vợ bằng cái nhìn âu yếm, yêu thương!  

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.