Mảnh ghép cuối đời

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đã từng dang dở hạnh phúc vợ chồng, nhưng cả ông và bà vẫn luôn sống vui vẻ, hướng tới ngày mai. Họ đặt niềm tin vào một tình yêu bền chặt cho dù đó là tình yêu ở tuổi xế chiều.

1.

Tối nay đúng như dự báo thời tiết, cơn mưa giông do không khí lạnh tràn về làm nhiệt độ hạ thấp hơn khiến cái lạnh đầu đông thêm sâu. Bỏ cành củi khô vào bếp, lửa bùng lên soi tỏ khuôn mặt thời gian đã khắc lên đó những nếp nhăn. Bà Xoan mắt đăm chiêu nhìn ra ngoài con ngõ nhỏ có ánh sáng mờ mờ của ánh đèn đường. Bà năm nay ngoài 60 tuổi - cái tuổi đã có thể nghỉ ngơi. Các con của bà cũng đã trưởng thành yên bề gia thất và cho bà những đứa cháu nội, ngoại đáng yêu. Hàng ngày bà vẫn thường giúp con đưa các cháu đi học, rồi dọn dẹp nhà cửa. Từ thời còn trẻ, bà đã nổi tiếng là người chăm chỉ, luôn chân, luôn tay làm việc ở cơ quan, tối về lại dọn dẹp nhà cửa tinh tươm. Người ngoài nhìn vào thường bảo bà là người ham việc, chỉ có bà mới hiểu, công việc giúp bà tạm quên nỗi buồn, tạm quên những kỷ niệm dưới mái nhà này với người bạn đời đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Ngày ấy cách đây 35 năm, cô gái tên Xoan hạnh phúc nên duyên với anh Hoàng. Chị khi ấy làm việc tại HTX nông nghiệp xã, còn anh đang công tác tại bệnh viện trên huyện. Hai người vốn là bạn học cấp 2, hai gia đình cũng cùng làng nên tường tận nhà nhau, cùng ủng hộ tình yêu của đôi trẻ. Khi chị sinh đứa con thứ 2 được hơn 1 tuổi, anh tình nguyện xin gia nhập vào một đơn vị quân y và chuyển công tác vào vùng Tây Nguyên 3 năm, nơi đó đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, cần lắm những thầy thuốc có chuyên môn như anh. Vậy là sau khi động viên vợ ở nhà yên tâm chăm lo cho con cái, anh tạm biệt vợ cùng con nhỏ lên đường công tác.

Mảnh ghép cuối đời - ảnh 1
Ảnh minh họa

Những tưởng thời gian trôi nhanh để anh về với vợ con, nhưng thời kỳ ấy vùng đất đó có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc sống người dân thiếu thốn, bệnh tật nhiều mà điều kiện được chăm sóc y tế khó khăn. Tại các bệnh viện, nhiều y bác sĩ không chịu được đã xin chuyển công tác hoặc xin ra khỏi ngành. Anh với bản tính đôn hậu, đã tình nguyện một lần nữa viết đơn xin ở lại dù ngoài Bắc vợ đợi, con mong được gặp chồng, gặp cha. Thế rồi, trong một lần khu vực anh ở có bạo loạn xảy ra, những phần tử nổi dậy đã xông cả vào bệnh viện xả súng bất chấp người bệnh hay y bác sĩ. Anh bị trúng đạn khi đang mổ cấp cứu cho một bệnh nhân. Máu ra nhiều và không được cấp cứu kịp thời, anh ra đi khi tuổi đời chưa tròn 30.

5 năm sau, chị và các con mới có điều kiện đưa anh về nghĩa trang quê nhà. Ngày đón anh về, chị không còn nước mắt để rơi. Từ ngày nhận tin anh hy sinh, đêm nào nước mắt chị cũng ướt gối. Thương mình, thương hai con thơ dại mất bố, chị phải quyết tâm mạnh mẽ thay anh nuôi dạy các con nên người. Ngày ấy, chị cũng nhiều người để mắt bởi cái tính hiền lành, chăm chỉ. Nhưng thương con, chị bỏ lại hết những lời ngỏ yêu thương, những mối se duyên cho chị. Trong số những người theo đuổi chị ngày ấy, có ông Bảo.

2.

Ông Bảo cũng là lính Trường Sơn những năm 71, 72. Trên đường dài chông gai của dãy Trường Sơn, ông Bảo cùng đồng đội vượt qua những vách đá tai mèo dựng đứng cheo leo, đêm đêm phải lo kiếm củi, hái rau rừng nấu ăn thay cơm, ngủ phải mắc võng giữa rừng già không lán trại… Đã có không ít cán bộ, bộ đội vì không chịu nổi gian khổ và sốt rét rừng nên nửa đường phải quay ra miền Bắc. Nhưng, ông Bảo với lòng yêu quê hương tha thiết và quyết tâm cùng đồng bào, đồng chí sát cánh kề vai chống Mỹ cứu nước. Một lần trong trận rải bom của quân Mỹ, ông Bảo bị thương cụt mất một chân phải ra Bắc điều trị hơn 1 năm mới lành và được xuất ngũ trở về quê hương.

Ông Bảo chuyển về bưu điện xã làm việc. Ông lấy vợ nhưng mãi chẳng có con. Rồi trong một trận dịch tả lây lan, vợ ông không may qua đời, bỏ ông ở lại một mình. Hàng ngày, ông cần mẫn trên chiếc xe đã được cải tiến để phù hợp cho người bị cụt chân như ông di chuyển, đưa đến từng nhà những cánh thư, những tờ báo cập nhật thông tin hàng ngày. Từ công việc đó, ông Bảo có điều kiện qua lại nhà bà Xoan, quan tâm mẹ con bà hơn. Thế nhưng, ngày đó bà chỉ cư xử với ông như người bạn, chẳng mảy may có tình cảm bởi gánh nặng nuôi hai con nhỏ khiến bà không dám nghĩ cho bản thân mình. Dù bà Xoan thờ ơ, song ông Bảo vẫn kiên trì qua lại, lúc giúp bà đi đón con nếu bà bận, lúc giúp sửa cái mái nhà, khi sửa đường điện bị hỏng. Không ở chung dưới một mái nhà, nhưng mọi việc trong nhà bà Xoan hầu như có bóng dáng của ông Bảo.

Mảnh ghép cuối đời - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thấy có người đàn ông tốt với mẹ mình như vậy các con của bà Xoan cũng thấy yên lòng. Thậm chí thỉnh thoảng họ còn mời ông Bảo xuống nhà ăn cơm, có việc gì liên quan đến bà Xoan cũng nhờ ông Bảo giúp đỡ. Sự kiên trì của ông Bảo đã làm bà Xoan động lòng. Tình yêu đã đến lúc nào bà cũng không hay. Những tưởng sẵn việc các con đang rất có cảm tình với ông Bảo thì việc ông nói yêu bà và muốn lấy bà làm vợ là việc đương nhiên được chúng ủng hộ. Nào ngờ, khi ông đưa ra đề xuất ấy, các con của bà đã không một đứa nào đồng ý. Thậm chí chúng còn kịch liệt phản đối.

Nhiều người cũng khuyên bảo ông, dù gì thì tuổi cũng đã cao rồi, sao ông và bà không ở vậy với nhau cần gì phải kết hôn cho phức tạp. Không ngờ ông vẫn quả quyết: “Nếu ở vậy thì cũng chả sao nhưng tôi muốn mọi chuyện phải kín kẽ. Nếu tôi đăng ký kết hôn danh chính ngôn thuận thì thiên hạ cũng không thể dị nghị gì về chuyện của chúng tôi. Tôi quá biết khi bà ấy quyết định sẽ chung sống với tôi thì đã có rất nhiều người lời ra tiếng vào. Cuộc đời bà ấy đã vất vả rồi. Tôi không muốn bà ấy buồn”.

Vậy là ông và bà vẫn ở nhà riêng, nhưng từng ấy năm, không ngày nào là ông Bảo không đạp xe sang nhà bà, cùng bà nhâm nhi tách trà, trò chuyện ôn lại chuyện xưa. Hôm nay là ngày giỗ chồng bà Xoan, các con bà dù không đồng ý cho ông Bảo kết hôn với mẹ mình nhưng cũng không phản đối hai ông bà qua lại.

Mấy hôm trước ngày giỗ, anh con trai cả bà Xoan đã mời ông Bảo đến nhà ăn cơm cùng gia đình. Sau bữa cơm, hai người con bà Xoan đã nói với ông Bảo những lời thật lòng: “Thời gian qua bác và mẹ cháu quan tâm nhau chúng con đã thấy rõ tình cảm của bác dành cho mẹ. Xin bác cũng hiểu cho chúng con khi trước phản đối là bởi chúng con lo lắng mẹ sẽ khổ, vất vả khi bước vào mối quan hệ mới ở tuổi xế chiều. Con cũng hiểu, chúng con có yêu thương mấy nhưng có những chuyện về tinh thần, tình cảm thì không thể bằng người già chia sẻ cùng nhau. Giờ chúng con nhất trí để mẹ ở cạnh bác và từ nay chúng con cũng xin được gọi bác là cha để nhà chúng ta thêm phần ấm áp trong mùa đông sắp tới”.

Ông bà nhìn nhau, cảm động trước lời nói chân tình của các con. Cuối cùng họ cũng đã đợi được cái ngày ghép lại hai mảng đời cô đơn. Dù muộn nhưng nó sẽ giúp những năm tháng cuối đời của họ ấm áp.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.