Mất mẹ rồi, anh em chỉ còn là “người quen”?

ĐÔNG VÂN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Anh trai tôi vào miền Nam lập nghiệp, kết hôn rồi sinh sống hẳn trong đó. Rất ít khi anh đưa vợ con về nhà, thậm chí tôi còn không nhớ nổi mặt vợ con anh trai mình.

 Mỗi lần anh về Hà Nội thăm nhà, thường chỉ là kết hợp công việc. Anh hỏi thăm bố mẹ qua quýt, biếu đồng quà tấm bánh rồi lại sấp ngửa gặp bạn bè, đối tác, có lần còn vội đến mức chẳng ăn cùng bố mẹ được một bữa cơm. 

Bố tôi qua đời sau một cơn bạo bệnh đến nhanh không ngờ. Đám tang của bố được mẹ và tôi lo chu toàn. Gia đình anh trai bắt xe ra sân bay ngay sau khi hoàn tất thủ tục cho bố ở đài hóa thân. Mẹ tôi khóc cạn nước mắt, thất vọng nhìn theo gia đình con trai túi to túi nhỏ vội vã ra đón xe. Ánh mắt mẹ đầy buồn tủi, đủ cho tôi thấy rằng bà đã sẵn sàng với việc “mất” con trai. Mẹ quay đi, cái bóng gầy gò liêu xiêu trên đoạn đường vắng khiến tôi đau khổ và giận anh mình ghê gớm. Tôi tự nhủ từ nay mình sẽ làm chỗ dựa duy nhất, vững chắc nhất cho mẹ.

Mất mẹ rồi, anh em chỉ còn là “người quen”? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thế nhưng, những khổ đau trong cuộc đời tôi đâu chỉ dừng lại ở đó. Sau vài năm, vì quá đau buồn và cô đơn, mẹ tôi tai biến. Bà liệt nửa người, miệng méo và không nói được nữa. Việc ăn uống, sinh hoạt của bà đành phải làm tại chỗ. Tôi bận rộn với hai đứa con sinh đôi mới vào lớp một, rồi công việc ở cơ quan, đèo thêm cả việc nhà. Nhiều hôm đi làm về mà tôi chẳng còn chút sức lực nào, cứ nằm dài ra ở ghế, ngủ thiếp đi li bì trong sự mệt mỏi quẩn quanh trong đầu.

Cả một thời gian dài, tôi chỉ đi đi về về duy nhất một lộ trình: Cơ quan - chợ - nhà mẹ - nhà mình. Nhiều khi tôi còn quên mất rằng mình còn có một người anh trai. Thế nhưng từ lúc mẹ tôi đổ bệnh, anh chỉ gọi về hỏi thăm duy nhất một lần. Chỉ là một cú điện thoại thôi nhưng cũng quá vội vàng, sau đó anh chị cũng không gửi gì về cho mẹ, thậm chí là một lon sữa cũng không.

Qua lời của một người họ hàng xa, tôi biết được gia đình anh trai cũng không mấy dư dả. Vậy mà chị dâu tôi lại là người đua đòi, nghiện mua quần áo, mốt nọ mốt kia, lúc nào cũng son phấn rồi nước hoa nước hoét thơm lừng. Khi tiền bạc trong nhà khánh kiệt cũng là lúc vợ chồng anh chị xảy ra lục đục. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là vợ chồng anh chửi mắng nhau, đánh nhau và rồi đường ai nấy đi. Đứa con trai ở với mẹ, nhưng vì mẹ cháu ham chơi, đua đòi không quan tâm con, nên cháu bữa đói bữa no, người ngợm bẩn thỉu, nhếch nhác. Anh trai tôi cũng vì thế mà bất đắc chí và sa chân vào con đường rượu chè cờ bạc.

Mất mẹ rồi, anh em chỉ còn là “người quen”? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Dần dần, tôi không còn mong chờ sự quan tâm của anh trai nữa, mà tự tay mình làm tất cả, từ cơm nước, dọn dẹp, đưa mẹ đi khám xét... Lo vợ bận bịu nhiều việc quá mà kiệt sức, chồng tôi đề xuất ý kiến thuê người giúp việc. Tôi còn đắn đo nhưng nghĩ rằng nếu mình không giữ sức khỏe tốt thì chẳng ai có thể chăm sóc được gia đình. Tôi đành đồng ý với chồng, nhưng vẫn sẽ qua lại thường xuyên nhà mẹ. Tôi nhắn cho anh trai một tin, nói rằng sắp xếp thuê giúp việc để hỗ trợ hai vợ chồng tôi chăm sóc mẹ.

Anh đùng đùng nổi giận, gọi điện lại rồi quát mắng tôi là loại con cái vô trách nhiệm, nghĩ rằng mình có tiền nên phó mặc hết tất cả mọi thứ cho người giúp việc. Nước mắt tôi trào ra, cay đắng. Trong chuyện này, ai mới là người vô trách nhiệm đây? Không bàn đến chuyện con trai hay con gái, con nào cũng là con, cũng đều phải có trách nhiệm với cha mẹ. Anh nói tôi bằng cái giọng lè nhè của một người nát rượu. Tôi khóc òa lên như một đứa trẻ. Cảm giác thất vọng và tủi thân xâm chiếm tinh thần. Trong làn nước mắt, tôi thấy mình đang ngụp lặn trong nỗi cô đơn đến tận cùng. Cha mất, mẹ bệnh, anh ruột bỏ bê cả mẹ cả em. Không ngờ người thân yêu của mình cứ lần lượt lìa xa tôi. Mẹ tôi nằm đó, nhưng bà không còn tỉnh táo. Anh tôi còn đó, nhưng còn lạnh lẽo hơn người dưng. Tôi không biết rằng sau này nếu mẹ tôi mất đi, tôi có còn anh trai để dựa vào như ngày thơ bé không, hay tôi chỉ còn một mình, đơn thương độc mã trên đường đời không người máu mủ?

Chồng tôi ân cần ôm lấy bờ vai đang run lên vì giận của tôi, nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Đã có anh rồi, anh chính là gia đình, là chỗ dựa cho em”. Tôi quyết định vực mình dậy sau lần cãi vã với người anh ruột. Tôi không quan tâm đến anh ấy muốn gì và cần gì nữa. Vợ chồng tôi thuê người giúp việc lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, thi thoảng vợ chồng tôi bận thì bác ấy có thể cho mẹ tôi ăn hoặc đỡ bà dậy đi vệ sinh. Cuộc sống dần dần đi vào quỹ đạo, tôi cũng đỡ mệt mỏi hơn.

Mất mẹ rồi, anh em chỉ còn là “người quen”? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thời tiết trở lạnh, mẹ tôi trở nên yếu hơn. Bà không trụ được và trút hơi thở cuối cùng trong một đêm mùa đông lạnh giá. Tôi nhắn tin, gọi điện, nhờ người đánh tiếng vào Nam để báo anh trai về chịu tang nhưng không nhận được phản hồi. Thất vọng đến tận cùng, tôi lại một lần nữa gạt nước mắt, nén chặt nỗi đau trong lòng để lo chu toàn việc của mẹ. Chồng tôi là người thân duy nhất ở bên cạnh cùng tôi cáng đáng mọi việc. Anh cần mẫn, chu đáo mà không một lời chỉ trích hay oán trách. Sự kiên nhẫn và thái độ điềm tĩnh của anh đem lại cho tôi cảm giác yên lòng lạ thường nhưng cũng không kém phần xấu hổ và ngại ngùng.

Vài tháng sau, tôi nhận được cú điện thoại từ số lạ. Là anh trai tôi gọi. Đầu dây bên kia cất lên cái giọng lè nhè xen lẫn tiếng nấc đầy khó chịu:

- Cô Hằng à?... hức...Mẹ... hức... khỏe không...?

Tôi không biết trả lời ra sao, cũng không biết nên tỏ thái độ thế nào. Có phải còn cha mẹ, anh em vẫn là ruột thịt. Cha mẹ mất, anh em chỉ còn là người quen? Người ruột thịt của tôi, anh ấy với tôi đều là núm ruột của mẹ, mà sao anh ấy đối xử với những người thân yêu của mình như thế? Tôi nên trút lên anh cơn giận điên cuồng, hay là nỗi coi thường khinh bỉ của người dưng dành cho nhau?

Trút tiếng thở dài đầy mệt mỏi, tôi tắt máy. Chồng tôi khuyên vợ nên nhắn lại cho anh trai rằng khi nào tỉnh táo hãy gọi lại, để hai anh em có thể nói hết mọi chuyện với nhau. Người dưng qua đường đụng phải còn chào nhau, huống chi anh em ruột lại chia lìa? Chồng tôi không muốn tôi mất đi người thân ruột thịt cuối cùng trong đời. Anh nói rằng, bằng mọi giá tôi và người anh trai phải dựa vào nhau, đoàn kết với nhau, vì đã là máu mủ sẽ không bao giờ rời bỏ nhau được.

Tôi quay người bước đi, lòng thầm cảm ơn chồng mình đã luôn là một người bao dung với tất cả những điều xảy ra trong cuộc sống của vợ. Chắc rằng tôi không thể vượt qua mọi bão giông, sóng gió nếu không có anh. Tôi sẽ nghe lời chồng, sẽ làm tất cả để thức tỉnh anh trai mình. Hơn ai hết tôi nhận ra một điều rằng chỉ có sự chân thành của máu mủ mới hàn gắn được mọi rạn nứt của mối quan hệ gia đình. Để sau này cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, tôi vẫn còn một mái nhà ấm áp, nơi đó vẫn có cha, có mẹ, có anh trai, có em gái...

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.