Mẹ chồng siêu kỹ tính

Chia sẻ

Ngày Vân về ra mắt nhà Huy, anh dặn dò cẩn thận: “Mẹ anh là người khá kỹ tính, em nhớ cẩn thận và khéo léo nhé”. Vân gật đầu nói sẽ cố gắng nhưng trong lòng cô thực sự e ngại.

Mẹ Huy đón tiếp nàng dâu tương lai nhiệt tình, nhưng ngay từ hôm đó bà đã khiến Vân “toát mồ hôi” vì những lời dạy bảo về nề nếp, thói quen sinh hoạt của gia đình. Ngồi nghe mẹ Huy nói suốt hơn hai tiếng, Vân thực sự choáng váng. Nghĩ đến những ngày làm dâu, phải sống chung với mẹ chồng, cô nén tiếng thở dài.

Vân tâm sự với mọi người làm cùng cơ quan. Vừa nghe cô dứt lời, các chị đã lắc đầu, chẹp miệng: “Chị nói thật cho em chuẩn bị sẵn tinh thần nhé Vân, mẹ chồng em như thế là khó sống lắm đấy. Vì chị em mình sống hiện đại, không cầu kỳ nhưng nhà chồng em thì kỹ tính quá mức, không phải mình cứ cố gắng là mọi chuyện êm đẹp đâu”.

Nghe các chị nói Vân càng thêm hoang mang. Tuy nhiên, trong lòng cô vẫn nghĩ rằng mình cứ sống chân thành, tình cảm, tiếp thu những lời dạy bảo thì mẹ chồng dù khó tính đến đâu cũng dần dần mở lòng, đón nhận con dâu. Thế nhưng, tới giờ này sau gần 1 năm kết hôn, Vân nghiệm ra, những lời mọi người nói chẳng hề sai.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày mới yêu khi đến nhà ăn cơm, mẹ chồng hầu như không để Vân làm việc gì, kể cả việc rửa bát. Nhưng sau ngày cưới, bà giao toàn bộ việc dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho Vân vì “con dâu trưởng thì phải lo gánh vác việc nhà chồng”. Hàng ngày, bà dẫn Vân đi chợ từ lúc 5 rưỡi sáng “vì đi sớm mới chọn được đồ tươi ngon”. Bà chỉ cho Vân những hàng bán hoa quả, rau củ, thịt cá cân đúng để nhớ mà mua.

Mỗi buổi sáng Vân đi chợ với mẹ thường mất đến cả tiếng đồng hồ, bà chọn từng bó rau, từng con cá, so sánh giá cả chỗ nọ với chỗ kia kỹ lưỡng. Vì phải dậy sớm nên Vân cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Nhưng sau đó về nhà lại phải vội vàng lao vào bếp nấu đồ ăn sáng, chuẩn bị cơm trưa mang đi làm.

Nhiều hôm Vân muốn mua món nọ, món kia làm sẵn về đổi bữa sáng nhưng mẹ chồng cô không chịu. Bà nói mua thức ăn ngoài hàng không đảm bảo vệ sinh nên phải hoàn toàn tự nấu, từ bún phở, cháo hay bánh cuốn… Bởi vậy, muốn ăn sáng món nào cầu kỳ cô lại phải lách cách chuẩn bị từ tối hôm trước và sáng sớm hôm sau dậy nấu.

Ngày Vân đi làm và ăn cơm ở cơ quan nên không phải lo bữa trưa, nhưng tối về cô vẫn phải lo cơm nước cho cả gia đình. Chiều nào cũng vậy, sau khi tan làm, Vân lại mải mốt chạy xe về nhà. Mẹ chồng cô ở nhà chỉ phụ giúp cắm nồi cơm vì đợt này bà còn bận trông cháu ngoại nhà ở gần đó.

Về tới nhà, Vân chỉ kịp thay bộ quần áo là chạy ngay xuống bếp. Vì mẹ chồng cô yêu cầu bữa ăn phải có ít nhất 3-4 món nên cô phải làm thật nhanh để ăn tối đúng 7h. Mặc dù bà không nấu, nhưng vẫn đi ra đi vào để nhìn con dâu làm xem có sạch sẽ, có đúng công thức bà dạy hay không.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhiều hôm luộc rau cải bắp, vì rau khá sạch nên Vân chỉ rửa 4 nước thì liền bị mẹ chồng nhắc nhở “rau nào thì cũng phải rửa 5 nước con ạ”. Có hôm ăn món rau sống, khi cả nhà đang ngồi bên mâm cơm vui vẻ, mẹ chồng Vân nhìn thấy cọng lá mùi nhỏ xíu úa vàng. Bà đứng lên, cầm đĩa rau sống đi rửa lại khiến Vân vừa sợ, vừa ngại.

Bà còn tỉ mỉ, kỹ tính đến mức nước chấm trong bữa ăn phải đúng món đúng vị. Ví dụ như rau lang luộc thì phải chấm mắm tỏi, cá chiên với nước mắm gừng, thịt gà luộc phải đi cùng với muối canh, tiêu, lá chanh. Nếu đến bữa mà thiếu gia vị cũng phải chạy xuống siêu thị gần đó để mua. Nếu có lỡ pha nước chấm bị chua, ngọt hay mặn quá cũng phải đổ đi pha lại.

Ngày cuối tuần, Vân cũng chẳng được nghỉ ngơi hay đi đâu đó. Hôm nào trời nắng, mẹ chồng cô lại mua nào là củ cải hay cá tươi về làm sạch sẽ rồi phơi khô để ăn dần. Không phải vì bà tiết kiệm mà bà muốn tự tay làm để đảm bảo sức khỏe. Thế nhưng điều khiến Vân oải nhất là chọn nguyên liệu phải đồng đều, cắt tỉa đẹp mắt. Có những ngày nghỉ, Vân dọn dẹp nhà cửa, làm những món đồ khô theo yêu cầu của mẹ chồng mà mệt hơn cả đi làm.

Vân than thở với Huy nhưng anh cũng chỉ biết an ủi vợ cố gắng và quan tâm đến vợ nhiều nhất có thể. Nhưng riêng việc nhà, nấu cơm thì anh lại không được phép. Thời gian đầu, chỉ vì Huy vào bếp nấu ăn, rửa bát giúp vợ mà bà khó chịu với con dâu, bà cho rằng vợ mà để chồng làm việc nhà là không biết thu vén, quán xuyên.

Mặc dù mệt mỏi nhưng Vân vẫn cố gắng hàng ngày để làm tròn bổn phận một người con dâu ưng ý trong mắt mẹ chồng. Đến khi Vân bầu bí, vì cô ốm nghén nên mẹ chồng không để cô dậy sớm đi chợ nữa. Tuy nhiên cứ 5 giờ sáng bà đã dậy lạch cạch xoong nồi, bật ti vi tập thể dục ầm ầm khiến Vân cũng chẳng thể ngủ thêm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi khi Vân nghén thèm ăn món nọ, món kia, Huy đi mua về đến nơi thì bà lại cấm không cho ăn vì sợ không an toàn, sạch sẽ. Vân ấm ức, khó chịu, tủi thân vì đang thèm vật vã mà lại phải bỏ đi. Đến hôm sau đi làm ở công ty có thể ăn thoải mái nhưng lại hết cơn thèm. Mấy tháng bầu bí, vì tâm lý không được thoải mái nên Vân ăn ngủ không ngon, sức khỏe yếu nên em bé bị thiếu cân.

Hôm đó chị chồng thứ hai của Huy về chơi, nhìn Vân gầy ốm mà chị xót xa. Được chị an ủi, Vân tủi thân kể hết với chị về những mệt mỏi khi sống chung với mẹ chồng và tâm sự muốn ra ở riêng. Chị gái Huy là người tâm lý nên đã tìm cách nói chuyện khéo léo với mẹ mình. Ban đầu bà cũng gạt đi vì cho rằng những việc bà làm đều là lo cho sức khỏe của cả gia đình. Nhưng chị Huy lại nhẹ nhàng phân tích: “Mọi người đều hiểu mẹ thế nhưng kỹ tính quá khiến ai cũng cảm thấy mệt mỏi.

Vân về làm dâu nhà mình con thấy con bé ngoan, đều nghe lời mẹ trong việc ăn uống, lo toan nhà cửa. Nhưng đợt này em ấy bầu bí mệt mỏi, không ăn uống được mà cứ nem nép sợ ý mẹ nên tinh thần không được thoải mái. Bà bầu lại hay tủi thân, nghĩ ngợi nữa nên ảnh hưởng đến cháu đích tôn của bà. Như con gái mẹ này, con đi làm dâu may mắn được mẹ chồng dễ tính nên mẹ thấy con lúc nào cũng vui vẻ đúng không?!

Con mong mẹ cũng mở lòng một chút với em nó. Thanh niên trẻ tuổi mà được như cái Vân bây giờ hiếm lắm đó mẹ. Không phải nàng dâu hiện đại nào cũng làm được như vậy đâu. Con là con gái mẹ nhưng cũng không làm theo ý mẹ được ấy”.

Mẹ chồng Vân nghe những lời con gái nói bà cũng thấm thía ra nhiều điều. Nhìn sang con dâu nhà hàng xóm và nghĩ đến những lời khen “cái Vân con dâu bà là ngoan và đảm nhất khu đấy” thì bà nhận thấy dường như mình đã quá khắt khe với con dâu. Bà sẽ cố gắng mở lòng để cho vợ chồng Vân được sống thoải mái hơn kẻo “hai đứa nó lại chuyển ra ở riêng”.

Nghĩ là làm, bà gọi vợ chồng Vân xuống phòng khách, tươi cười nói: “Tối nay bố mẹ ăn chay, hai đứa thích ăn gì thì dẫn nhau đi ăn nhé. Nhưng nhớ về sớm để nghỉ ngơi”. Vân ngạc nhiên nhìn Huy nhưng không giấu nổi niềm vui sướng. Cô cảm ơn mẹ chồng ríu rít rồi kéo chồng lên phòng để chuẩn bị đi “đổi gió”.

THU HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.