Mẹ chồng tằn tiện

Chia sẻ

Mẹ chồng mới lên chăm con dâu ở cữ một thời gian ngắn mà Hiên cảm thấy bức bối khó chịu, đến bữa ăn cũng không được thoải mái.

Hiên mặc dù là “gái quê chính hiệu” nhưng lại sở hữu sắc vóc xinh đẹp, hiện đại. Chính vì thế từ khi lên thành phố học đại học, cô được rất nhiều vệ tinh vây quanh, trong đó có không ít người thành đạt, giàu có.

Thế nhưng, Hiên lại từ chối hết thảy những anh chàng giàu có, con nhà có điều kiện để đến với Minh - một chàng trai hiền lành, tài giỏi, quê xa, đang chật vật lập nghiệp chốn thị thành.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hiên tâm sự, với cô, điều kiện gia đình không quan trọng, mà chủ yếu là cô chọn tính cách con người. Cô yêu Minh bởi sự quan tâm, yêu thương của anh đem lại cho cô cảm giác thật lòng và bình yên. Hơn nữa, cô muốn lấy chồng có điều kiện, hoàn cảnh giống nhà mình ở quê để được sống thoải mái, không bị soi mói. Chứ lấy nhà giàu, suốt ngày gồng mình lên để vừa lòng mọi người sẽ rất mệt mỏi.

Sau khi cưới, công việc kinh doanh của Minh bắt đầu khởi sắc nên kinh tế gia đình nhỏ bắt đầu dư dả. Không cần sự trợ giúp của hai bên nội ngoại, 2 năm sau cưới, hai vợ chồng cô cũng mua được một căn hộ xinh đẹp.

Với nhà nội, thỉnh thoảng vợ chồng Hiên mới về thăm và cô rất chu đáo trong việc quà cáp nên mối quan hệ đều tốt đẹp. Cho đến khi cô sinh con gái đầu lòng...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vì mẹ đẻ bán hàng bận rộn không có thời gian chăm cháu nên Hiên nhờ mẹ chồng lên chăm trong những tháng đầu ở cữ. Và chỉ sau một thời gian ngắn, Hiên mới nhận thấy mình không hợp với mẹ chồng, “sóng gió” lúc này cũng bắt đầu nổi lên. Mặc dù không muốn nghĩ nhiều nhưng có những điều khiến cô mệt mỏi, stress vô cùng.

Mẹ chồng Hiên giao hẹn rằng từ khi bà ra trông cháu là vườn tược bỏ không, mất đi khoản thu nhập từ những mớ rau xanh, củ quả… bán được hàng ngày. Vì thế, vợ chồng Hiên phải chu cấp cho bố chồng để ăn uống, chi tiêu. Trước đây, thỉnh thoảng khi về quê Hiên vẫn biếu mẹ chồng chút tiền, nhưng khi nghe mẹ chồng nói vậy, cô nói với chồng mỗi tháng gửi về 2 triệu để mọi việc êm ấm.

Mẹ chồng Hiên là người tháo vát, nhanh nhẹn, thế nhưng vì bà sống tằn tiện cả đời nên khi thấy con dâu tiêu xài thoải mái, bà rất khó chịu. Bà luôn để ý, soi mói chỉ sợ con dâu tiêu hết tiền do con trai làm ra khiến mâu thuẫn ngày càng phát sinh.

Hàng ngày Hiên đưa tiền để mẹ chồng đi chợ, mua đồ nấu ăn cho cả ngày, nhưng bà đều mua những món đơn giản, ít tiền, còn thừa bao nhiêu thì bà “bỏ túi” riêng. Tuần đầu tiên mẹ chồng đều cho Hiên ăn cữ với món đậu phụ rán, trứng gà luộc, ruốc heo... Đến khi tôi nói chuyện với chồng, chồng nói lại thì bà dỗi muốn bỏ về: “Người ta đều ăn cữ như vậy cho lành bụng, chứ có phải mỗi chị ấy ăn uống như vậy đâu mà kêu ca. Anh chị giỏi thì tự nấu mà ăn”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Để bà nguôi giận, Hiên đành nghe lời và chịu đựng những bữa ăn đạm bạc ấy. Thế nhưng đến tuần thứ 3 liên tiếp, cô không thể ăn nổi, sữa cũng ít đi nhiều nên đành bàn với chồng để anh lo luôn cả việc đi chợ. Nếu để tình trạng này kéo dài, Hiên sợ mình vừa mệt mỏi mà con cũng không có đủ sữa mẹ để bú.

Minh đi chợ, bà lại càng khó chịu vì con trai đi làm cả ngày mệt mỏi mà phải lo cả việc nhà. Cuối cùng, Hiên nghĩ ra một cách là nhờ mẹ đẻ gửi đồ ăn ở quê lên hàng tuần. Nào thịt lợn, thịt gà, tôm, cá, hoa quả, rau xanh… đồ sạch chất đầy tủ, đến bữa bà chỉ lấy ra nấu. Và cũng từ lúc đó, chuyện ăn uống trong nhà mới trở nên “êm thấm”.

Qua ở cữ, Hiên phải đi làm nhưng vì thuê vài lần giúp việc mà không ổn nên cô lại nhờ mẹ chồng lên chăm cháu. Lần này, để mẹ chồng yên tâm, cô mời cả bố chồng lên ở cùng. Thế nhưng, sống chung với cả bố mẹ chồng chẳng dễ chịu chút nào. Bố chồng Hiên rất khó tính nên cô phải để ý từng chút một từ lời ăn, tiếng nói đến mọi việc làm hàng ngày.

Sau một thời gian, bố chồng Hiên muốn về quê vì ở đây bức bối, không thoải mái, dễ chịu. Nhưng mẹ chồng Hiên vẫn giữ ông ở lại bằng được với lý do: “Ông về nhà có một mình tôi không yên tâm. Quan trọng nhất là để nó (tức là Hiên) có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng.

Con trai mình làm ra tiền thì nó phải biết điều với bố mẹ chồng chứ, đằng này thì cũng tính toán lắm, chưa đền đáp bố mẹ chồng đồng nào cả. Trong khi cả ông với tôi đều ở đây để làm việc nhà, chăm con cho nó”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Câu chuyện đó Hiên vô tình nghe được, cô suy nghĩ rất nhiều về cách ứng xử của mình có điều gì không phải mà bố mẹ chồng xét nét đến vậy. Ông bà hiện đang ở với vợ chồng Hiên, mọi việc ở quê từ A-Z vợ chồng cô đều lo hết, nên cô thấy mình đâu có tính toán như mẹ chồng nghĩ.

Nửa năm sau, đến khi con gái được hơn 1 tuổi, Hiên chuẩn bị cho con đi nhà trẻ. Bố mẹ chồng lúc này cũng ngỏ ý muốn trở về quê. Trước vài ngày bố mẹ chồng về, vợ chồng Hiên ngồi nói chuyện với ông bà. Hiên lễ phép: “Con cảm ơn bố mẹ đã vì cháu mà lên đây chăm lo cho bọn con, vợ chồng con cảm ơn bố mẹ nhiều lắm. Thời gian bố mẹ ở đây, con có điều gì không nên không phải mong bố mẹ bỏ qua cho ạ. Chúng con cũng chưa có điều kiện lắm, con làm cuốn sổ tiết kiệm 50 triệu để bố mẹ làm chút vốn dưỡng già. Mong bố mẹ nhận cho bọn con mừng”.

Nghe Hiên nói vậy, mẹ chồng đáp lại: “Thôi hai đứa chưa có thì để dành mà nuôi con, bố mẹ già rồi ăn tiêu gì mấy đâu. Lên chăm cháu lại mang cuốn sổ tiết kiệm về, người ngoài không biết đấy là đâu họ lại cười cho”.

Cuối cùng, với sự thuyết phục của vợ chồng Hiên, bố mẹ chồng cô cũng nhận số tiền đó. Nhưng vài tháng sau, bố mẹ chồng cô lại nhờ đứa cháu ở quê bắn vào tài khoản của Hiên 50 triệu đồng. Mẹ chồng nói rằng: “Mẹ hiểu được tấm lòng của hai đứa, bố mẹ nhận về cho vui vẻ đôi bên vậy thôi, chứ mẹ lấy của con cháu làm gì”.

Hiên bất ngờ và thực sự cảm động với những lời nói của mẹ chồng, vậy mà trước đây có nhiều lúc cô cảm thấy khó chịu với lối sống của bà. Cô tự hứa trong lòng từ nay sẽ quan tâm, chăm sóc bố mẹ chồng nhiều hơn nữa.

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.