Mẹ hãy cứ bình tĩnh

Chia sẻ

Sau khi đọc được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm về việc con gái chưa nộp bài tập Lịch sử, chị giận tím người. Về tới nhà, chẳng kịp đỗ chiếc xe máy cho thẳng thớm, chị vội lao đi tìm con, quát lớn: “Con kia, máy không muốn sống tử tế thì tao cho mày nghỉ học, nghỉ ngay và luôn từ bây giờ”.

Chị quên mất là mình đã gọi con là “mày”, xưng “tao” - những từ chị vẫn thường không cho phép xuất hiện trong nhà. Gương mặt chị lúc đó chắc cũng đỏ au căng thẳng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Con gái ngước lên nhìn chị, nói:

- Mẹ hãy cứ bình tĩnh, đừng có nóng giận quá như vậy.

- Tao… À mẹ quá mệt mỏi rồi, con không biết thương mẹ gì hết - chị dịu giọng, thực chất là đã không còn sức để mà to tiếng nữa.

- Vậy mẹ ngồi xuống và đừng nói gì nữa cả. Mẹ hãy để con con nói cho mẹ nghe mọi chuyện. Đúng là con đã sai khi nộp muộn bài tập Lịch sử, nhưng chỉ là nộp muộn thôi chứ không phải con không làm. Khi cô giáo chủ nhiệm thông báo với mẹ cũng là lúc con đã hoàn thiện bài tập gửi cho giáo bộ môn, chỉ là cô giáo chủ nhiệm chưa kịp cập nhật thông tin. Và con chưa từng nói mình muốn bỏ học, mẹ đừng nghiêm trọng hóa mọi việc lên như thế, được không mẹ?

Nghe con nói xong, chị bỗng thần người lại. Đúng rồi nhỉ, tại sao chị lại mất bình tĩnh đến như vậy. Có phải chỉ vì buồn bực khi đọc tin nhắn của nhà trường gửi tới không? Hay do chị đang phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống?

Là một người mẹ đơn thân, chị lúc nào cũng dặn mình “không được thất bại”. Chị rất sợ mọi người nhìn mình bằng ánh mắt thương hại, hay chặc lưỡi thông cảm chị nghèo túng, nuôi con không ngoan vì chị là mẹ đơn thân.

Vì thế, chị quyết tâm lo cho con một cuộc sống sung túc, đủ đầy về vật chất để bằng hoặc thậm chí hơn cả các đứa trẻ có cả bố và mẹ. Chị cũng muốn chứng minh cho cả thế giới thấy chị không thất bại.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Và rồi từ đó, chị lao vào làm việc như thiêu thân. Chị dồn áp lực lên mình và lên con. Chị muốn nó phải học thật giỏi. Nhưng không phải lúc nào chị cũng mang về được thật nhiều tiền, và con chị luôn gặt hái được điểm số cao. Điều đó khiến chị luôn thấy dằn vặt, sợ hãi và rơi vào trạng thái muốn bùng nổ.

- Con thấy cuộc sống của mẹ con mình rất ổn. Con không thấy xấu hổ vì làm con của một người mẹ đơn thân. Con không yêu cầu mẹ cho con nhiều của cải. Vì thế, mẹ đừng khổ sở để kiếm tiền nữa. Mẹ con mình hãy cứ là những người bình thường như tất cả mọi người đi mẹ.

Lần thứ hai, con gái lại nói hộ lòng chị. Chị bỗng thấy mình rõ là vô lý. Rất lâu rồi, chị chẳng có một ngày sống chậm. Nhiều hôm ngồi bên máy tính hàng tiếng trời tới kiệt sức, cơ thể rệu rã nhưng chị vẫn cố chịu đựng. Chị bị mất ngủ triền miên, uống bao nhiêu thuốc an thần cũng chẳng cải thiện được. Đã nhiều lần tự nhủ phải qua bác sĩ thăm khám, nhưng rồi chị lại lần lữa vì việc quá bộn bề.

Chị đã quên mất rằng, chị chỉ cần buông bỏ là có thể mọi việc có thể sẽ khác đi. Chị không cần phải chứng tỏ gì cho ai cả. Chị chỉ cần là chị với mặt mạnh, yếu, cả thành công lẫn thất bại. Chị là một người mẹ không hoàn hảo và cũng cho phép con mình được quyền mắc lỗi, thi thoảng nộp muộn bài tập hay là bị điểm kém.

Sao chị lại phải cố gồng mình lên như vậy? Có lẽ, đã đến lúc, chị sẽ phải điều chỉnh cuộc sống của cả hai mẹ con.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.