Mẹ kế “làm dâu” con chồng

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau gần 30 năm sống cảnh góa chồng, đứng lại nuôi con, bước sang tuổi 60, bà mới nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình. Ngày về làm vợ người đàn ông goá vợ, con đã trưởng thành, yên bề gia thất, bà cứ nghĩ mình tìm được hạnh phúc. Nào ngờ…

Tìm hạnh phúc xế chiều cho mẹ

Bà Hiền vốn là “khách quen” của CLB Tâm Giao (Báo Phụ nữ Thủ đô) bởi một thời gian dài bà thường lui tới để tìm thông tin kết nối với các thành viên trong CLB, mong muốn tìm được một người đàn ông tâm đầu ý hợp, cùng mình đi hết tuổi xế chiều. Chuyện bố mẹ già đi tìm bạn xế chiều như bà Hiền ở CLB Tâm Giao không hiếm, mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng điểm chung là ai cũng gặp khó khăn từ phía con cái ngăn cản. Riêng bà Hiền thì ngược lại, con trai, con gái, con dâu, con rể của bà đều ủng hộ mẹ tìm hạnh phúc xế chiều.

Tôi còn nhớ, ngày đó, chính con gái bà đưa mẹ đến CLB Tâm Giao, chủ động tìm chồng cho mẹ. Bà bảo, ban đầu không nghĩ đến chuyện này nhưng vì con gái gợi ý nhiều quá nên cũng thử đến “tìm duyên”. Tuy nhiên, dù nghĩ thông để mẹ lấy chồng ở tuổi xế chiều nhưng các con của bà lại rất kỹ tính trong chuyện tìm đối tượng cho mẹ. Những mã số mà CLB Tâm Giao giới thiệu cho bà Hiền, con gái, con trai của bà đều tìm hiểu rất kỹ. Chính họ chủ động gặp gỡ đối tượng, xem xét hoàn cảnh trước rồi mới để mẹ gặp gỡ, kết nối xem có tâm đầu ý hợp hay không.

Phải mất 8, 9 lần nhờ con cái “thẩm định”, cuối cùng bà Hiền cũng tìm được người đàn ông làm bạn tri kỷ. Ông là cán bộ về hưu, sống góa vợ 6 năm nay. Ông có ba con, hai con gái, một con trai cũng đều trưởng thành, yên bề gia thất. Đứa nào cũng có kinh tế nên chẳng tạo gánh nặng cho bố mẹ như một số gia đình khác.

Bà không có lương hưu nhưng có nghề truyền thống kinh doanh nhiều năm nên cũng tích lũy được số tiền tiết kiệm đủ để dưỡng già, không phụ thuộc con cái. Mấy đứa con của ông cũng ủng hộ chuyện bố đi bước nữa để có người bầu bạn sống vui tuổi già. Nhìn cơ bản, nếu đến với nhau, cuộc sống của ông bà không bị áp lực kinh tế lẫn áp lực từ con cái.

Mẹ kế “làm dâu” con chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thời gian ông bà hẹn hò tìm hiểu, con cháu hai bên đều vui vẻ, thậm chí, chúng còn thúc đẩy nhanh tiến độ để hai người sớm về chung một nhà. Nhất là hai đứa con gái của ông, lúc nào cũng một điều “mẹ” hai điều “mẹ” ngọt như mía lùi. Chúng còn bảo vì mất mẹ bao nhiêu năm nên bây giờ ngoài việc tìm vợ cho bố, còn là tìm mẹ cho mình. Bà nghe mà cảm động, vì mấy đứa con riêng của chồng nghĩ được như thế. Bên này, các con của bà cũng rất xem trọng ông, mong muốn ông trở thành người đàn ông khiến mẹ mình hạnh phúc sau những năm tháng vất vả vì con cháu.

Đám cưới của họ do con cái hai bên lên kế hoạch tổ chức, ngày trọng đại, ông bà như trẻ lại thời đôi mươi, e ấp trong vai trò cô dâu, chú rể trong sự chúc phúc của con cháu.

Nỗi khổ “làm dâu”… con chồng

Hai năm sau ngày về chung một nhà với ông, bà Hiền trở lại văn phòng Tâm Giao với nỗi buồn bó chặt trong lòng. Bà bảo, ở nhà chẳng thể than thở hay tâm sự với con cháu, người thân họ hàng vì sợ họ lo lắng hoặc chê cười. Do đó, những năm tháng qua, bà cứ ghim chặt nỗi buồn đó trong lòng chẳng thể ngỏ cùng ai. Cứ thế, mỗi ngày chất chứa thêm một ít, bà thấy bức bối nên tìm đến đây để tâm sự cho vơi bớt.

- Người ta bảo lấy chồng thì chuyện làm dâu là đương nhiên, nhưng hoàn cảnh làm dâu của tôi lại rất khác. Mang tiếng là “mẹ kế” nhưng phải đi “làm dâu” cho con riêng của chồng, bà nói trong ấm ức.

Mẹ kế “làm dâu” con chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hóa ra từ ngày bà về làm vợ ông, ba đứa con chồng dù không sống chung một nhà với ông bà nhưng chúng lúc nào cũng kiểm soát cuộc sống của họ. Việc chăm sóc ông thế nào, quán xuyến, lo việc nhà bên đó ra sao, chúng luôn để ý bà làm có tốt không. Nếu bà làm không tốt, chúng họp gia đình lại chỉ trích bà đủ điều. Ông hắt hơi sổ mũi, ông ốm phải vào viện điều trị, ba đứa con riêng mang tiền về để bà mua đồ chăm sóc, bồi bổ cho ông, nhưng kèm theo đó là vô vàn điều kiện kèm theo: Nào là “Mẹ phải nấu cho bố con ăn thế này mới đúng”, “Mẹ phải để ý đến bệnh hen của bố con chứ”; “Bố con không ăn được đồ cay nóng, mẹ phải để ý trong nấu nướng hàng ngày”…

Rồi việc họ hàng quê chồng: “Việc giỗ dưới quê, mẹ phải để ý để các bác dưới đó không phàn nàn”, “Bác cả dưới quê bảo mẹ ít khi về dưới đó để quyên góp việc xây dựng nhà thờ, xây mộ”; “Việc gì các bác ấy cũng nhắn bọn con là sao?”; “Trách nhiệm làm dâu của mẹ phải chu toàn như mẹ con trước đây thì mới được”… Thậm chí là việc chăm sóc mấy đứa cháu chồng ngày nghỉ nào cũng về nhà ông bà chơi: “Bọn trẻ con hạn chế ăn đồ rán, mẹ đừng cho các cháu ăn mấy đồ nhiều dầu mỡ nhé”; “Hôm nay, mẹ nấu phở cho cháu ăn, con đã mua sẵn đồ cho mẹ rồi đấy”; “Chiều mẹ tắm sớm cho cháu nhé”…

Nếu mấy đứa trẻ ăn không ngon hay đùa nghịch nhau ngã xước tay, chân là thế nào hết đứa này đến đứa khác trách móc bà. Điều đáng nói là ông chẳng bao giờ ra mặt bênh vợ. Cứ như thể đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của bà phải làm và con cháu của ông có quyền đòi hỏi, hạch sách lại mẹ kế.

Ban đầu, bà nghĩ mình là “trưởng bối” nên chẳng so đo tính toán gì với con cháu; thậm chí bà còn nghĩ mình hy sinh cho chúng một chút cũng không sao. Nhưng dần dần, bà thấy cách hành xử của mấy đứa con riêng của chồng giống như “mẹ chồng, bố chồng” của bà, và bà thì phải thực hiện nghĩa vụ “làm dâu” với chúng. Bà nói điều ấm ức đó ra với ông nhưng ông chẳng để tâm, bảo bà muốn sống hòa thuận với con cháu thì chịu khó chiều chúng nó một chút. Cùng như ông cũng đang chiều con cháu bà đấy thôi. Thế nhưng cái sự chiều con cháu bà của ông hoàn toàn khác bà. Chúng chẳng bao giờ bắt ông “làm rể” nhà bà mà lúc nào cũng đặt ông ở bậc trưởng bối mà hành xử.

Mẹ kế “làm dâu” con chồng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Yêu cầu duy nhất mà chúng đặt ra cho ông là làm thế nào để cuộc sống của bà được thoải mái, vui vẻ nhất. Vậy nên, thỉnh thoảng chúng lại tổ chức một buổi dã ngoại, hay đi du lịch đâu đó mấy ngày rồi bảo ông đưa bà tham gia cùng. Ông vốn hướng nội, chẳng ưa hướng ngoại nhưng vì sự nhiệt tình của con cháu bà nên cũng cố gắng tham gia, hòa đồng. Ông chấp nhận những đồ đồng phục gia đình mà con cháu bà mua về để cả nhà cùng mặc cho đẹp; lúc chụp ảnh, ông cũng cố gắng tạo dáng đủ kiểu để có những bức ảnh gia đình lung linh, ấm áp, hạnh phúc… Mỗi lần như thế  trở về cả người ông đau ê ẩm, thế nhưng lần nào con cháu bà tổ chức là ông vẫn chiều lòng chúng mà nhiệt tình tham gia.

Vì thế, đối với những đòi hỏi của con cháu mình bên này, ông cũng bảo bà cố gắng mà chiều chúng. Thế nhưng, ông không hiểu cái kiểu chiều đó vô hình khiến bà “đổi ngôi”, phải “làm dâu” cho con cháu chồng. Bà chẳng muốn con cái lo lắng cho cuộc sống của mình, cũng chẳng muốn đánh mất cuộc sống hôn nhân xế chiều khó khăn lắm mới có được, nên hết hàng này qua ngày khác âm thầm cam chịu.

Thế nhưng, sự cam chịu ấy cứ tích tụ mãi rồi cũng đầy trong lòng bà khiến cuộc sống của bà ngột ngạt, đôi khi như rơi vào bế tắc. Nếu cứ thế này, chẳng lẽ bà cứ phải chịu cảnh “làm dâu” cho con chồng mãi sao???

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bền bỉ với các hoạt động vì phụ nữ, trẻ em

Bền bỉ với các hoạt động vì phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Năm 2024, Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc đã nỗ lực triển khai thực hiện Kế hoạch thi đua, các nội dung, nhiệm vụ, phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội trong năm 2024; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị được các cấp ủy chính quyền ghi nhận đánh giá cao.
Góp sức để Hà Nội thêm xanh

Góp sức để Hà Nội thêm xanh

(PNTĐ) - Hơn 8 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Nam và cộng sự trong nhóm Xanh Hà Nội đã miệt mài trồng, trao tặng hàng nghìn cây xanh cho các cơ quan, đơn vị, không gian công cộng tại nhiều quận, huyện ở Thủ đô. Không tuyên truyền rầm rộ, thậm chí khi được hỏi, Xanh Hà Nội luôn nói việc làm của mình rất nhỏ bé, nhưng thực sự, việc nhỏ bé ấy lại đang góp phần bảo vệ, phát triển “lá phổi xanh” cho Hà Nội mến yêu.
Cách tiết kiệm chi phí khi du lịch

Cách tiết kiệm chi phí khi du lịch

(PNTĐ) - Tiết trời vào thu là dịp tốt cho các chuyến du lịch. Nhưng, làm sao để có những chuyến đi trọn vẹn và đáng nhớ mà chi phí không vượt quá ngân sách cho phép? Kiểm soát và quản lý tiền trong mỗi chuyến du lịch thế nào để đảm bảo không bị mất hoặc tiêu xài quá đà. Hãy tham khảo các cách sau.