Mẹ là dì... ghẻ

TẤN TUẤN (Quy Nhơn)
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Mẹ qua đời khi Hạnh tròn 7 tuổi. Trí óc non nớt của Hạnh bắt đầu lo sợ ba sẽ có vợ khác. Khi còn sống mẹ thường kể cho Hạnh nghe các chuyện đời xưa như: Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa… các bà mẹ ghẻ trong câu chuyện thường là gian ác.

Lúc ấy Hạnh nghĩ: Mẹ sẽ sống mãi bên Hạnh. Nhưng cuộc sống không như Hạnh nghĩ bây giờ mẹ đã đi xa rồi.

5 năm trôi qua, ba sống vậy nuôi Hạnh ăn học. Cứ tưởng cuộc đời sẽ êm ả. Hạnh dường như quên đi nỗi lo sợ ban đầu. Đến một hôm, ba dẫn về nhà một người phụ nữ lạ và giới thiệu đấy là mẹ tương lai của Hạnh, ba còn nói rất mong ngày cưới của ba, Hạnh sẽ có mặt.

Tinh thần Hạnh hụt hẫng hoàn toàn. Tìm đến cô giáo chủ nhiệm, Hạnh kể hết cho cô nghe những suy nghĩ của mình. Cô có vẻ suy tư đôi chút, nhưng cuối cùng cô vuốt tóc Hạnh an ủi:

- Đừng buồn con ạ! Đâu phải ai cũng ghét con riêng của chồng mình. Có khi cô ấy lại yêu quý con thì sao?

- Không! Không!… Mẹ ghẻ nào mà thương con chồng?

 Nói rồi Hạnh òa khóc và vùng bỏ chạy, mặc đằng sau có tiếng gọi với của cô giáo chủ nhiệm.

Mẹ là dì... ghẻ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngày cưới của ba được tổ chức tại nhà hàng, để cho ba vui, Hạnh nghe lời ba đến dự. Ôi! nhưng những bước chân của Hạnh lần này sao mà nặng đến vậy.

Hạnh bỗng đâm ra ghét ba, suốt buổi tiệc Hạnh không ăn uống gì, sau đó trốn về nhà khóc một mình. Không tìm thấy Hạnh trong buổi tiệc, nên khi về đến nhà gặp Hạnh, ba có vẻ băn khoăn:

- Con mệt à?

- Không!

- Tại sao con không ở lại với ba?

- Con không thích!

Ba vuốt tóc Hạnh:

- Con lại khóc à? Ba làm tất cả là vì con mà! 

Không còn nén được nữa, Hạnh gào lên:

- Ba, ba đâu có còn thương con, ba thương con mà làm vậy à?

Ba chưa hết ngạc nhiên vì những lời nói của Hạnh thì bỗng có giọng nói nhẹ nhàng của người mẹ kế nói với ba:

- Em nghe hết cả rồi! Em không buồn đâu! Bất cứ đứa trẻ nào cũng nghĩ vậy khi sống chung với mẹ kế lần đầu. Lẽ ra mình chuẩn bị tình cảm cho con trước, anh đừng gắt gỏng con, từ từ rồi con sẽ hiểu.

Thế là từ đó Hạnh phải sống chung với người mà mình không thương yêu. Biết Hạnh thích sách, mỗi lần đi xa về, dì đều mua sách làm quà. “Giả dối! Chuyện này chỉ có những ngày đầu thôi” – Hạnh nghĩ vậy.

Trường học cách nhà khá xa, vậy mà Hạnh ngày nào cũng đi bộ đến trường. Hạnh khao khát có một chiếc xe đạp điện để đi học biết bao. Biết được mơ ước của Hạnh. Dì xin ý kiến ba rồi mua cho Hạnh một chiếc xe đạp điện bằng số tiền tiết kiệm được của dì.

“Cũng giả dối nốt! Bà ta làm như vậy để ít bữa nữa mình giữ con cho bà ấy đó mà”- Hạnh nghĩ. Nhất nhất những việc mà dì chăm sóc cho Hạnh, Hạnh đều từ chối.

Mẹ là dì... ghẻ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Từ ngày mẹ mất, ba không còn quan tâm đến ngày sinh nhật của Hạnh nữa, Hạnh cũng vậy, nếu như… 

Chiều hôm ấy Hạnh đi học về thấy trên bàn học của mình một tấm thiệp xinh xắn gửi cho Hạnh. Hạnh vội mở tờ thiệp ra đọc:

“Chúc mừng sinh nhật thứ 13 của con. Dì mong con học giỏi, đạt được nhiều ước mơ”.
Dì, ôi! Sao dì biết được ngày sinh nhật của con, tại sao dì lại nhớ mà ba không nhớ.

Chợt có tiếng xe máy ngoài sân, Hạnh chạy ra, ba dừng xe rồi ôm chầm Hạnh vào lòng:

- Chúc mừng sinh nhật con gái của ba. Dì con mà không nhắc chắc ba cũng không nhớ. 

Hạnh nhìn dì, lúc này dì vừa ở dưới bếp lên, trên tay bưng chiếc bánh sinh nhật. Dì tươi cười âu yếm nói:

- Chúc mừng sinh nhật con! Đây là quà dì tự làm cho con. Con có thể mời thêm một vài đứa bạn thân cùng lớp đến dự nhé.

Thật bất ngờ. Hạnh thấy lồng ngực mình nghẹn ngào, nước mắt trào ra. Hạnh ôm chặt lấy dì lúc nào không biết, khe khẽ gọi:

- Mẹ ơi!

Dì khóc, những giọt nước mắt nồng ấm rơi xuống mặt Hạnh. Còn ba thì cười mà mắt đỏ hoe. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày mẹ mất, Hạnh thấy ba vui như vậy.

Cô giáo của Hạnh nói đúng, không phải người mẹ kế nào cũng độc ác. Hạnh đã tìm được tình thương của người mẹ, một người mẹ kế dịu dàng, hiền lành biết bao …

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

(PNTĐ) - Sau mỗi câu chuyện không hay trong gia đình, người ta thường nhắc đến kèm hai từ “giá như”. “Giá như hồi ấy không tham công tiếc việc quá”, “Giá như hồi ấy mình nghe chồng/vợ một chút”, hay “giá như hai vợ chồng không cố đẻ thằng con trai”… Ừ thì giá như được xoay chuyển quá khứ theo ý mình, thì chắc hẳn gia đình nào cũng sẽ hạnh phúc.
Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

(PNTĐ) - Với nhiều gia đình, hạnh phúc không phải là một con đường dễ đi. Thế nhưng, chỉ vì “chúng ta là một gia đình” mà họ sẵn sàng nắm tay nhau cùng vượt qua giông bão. Bởi khi nghĩ về một gia đình hạnh phúc, họ luôn nghĩ về cách mà họ cùng nhau bắt đầu một gia đình, là sự cam kết, tự nguyện hay mong muốn được san sẻ cuộc sống cùng nhau.
Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

(PNTĐ) -Hạnh phúc (happy) là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Kể từ khi Jayme Illien, chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra ý tưởng và được Liên hợp quốc phê duyệt, ngày 20/3, Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) đã trở thành một lời nhắn gửi đến mỗi chúng ta phải sống như thế nào để thấu hiểu, sẻ chia.
Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

(PNTĐ) - Vợ chồng không thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời, đó là duyên số. Nhưng cái nghĩa, cái tình và mối ràng buộc với con cái thì không thể chối bỏ. Sau ly hôn nhiều đôi coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Họ chặn hết mọi mối liên hệ, có khi còn cấm cản không cho gặp con. Rồi đôi bên thi nhau nhồi vào đầu bọn trẻ những điều không tốt đẹp về bố, mẹ của chúng. Vậy sau ly hôn liệu có thể là bạn?