Mẹ mong Tết đến...

Xanh Nguyên
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mới giữa tháng Chạp, mẹ đã chộn rộn dọn cửa nhà, đi chợ sắm sanh Tết nhất. Nào chuẩn bị gạo nếp để đùm bánh chưng. Nào vun xới, tưới chăm mấy luống rau mùi ngoài vườn. Nào dự mua thịt thà, bánh trái…

Mẹ ra ngõ vào sân rộn ràng, khấp khởi. Ai bảo chỉ có trẻ con mới nôn nao ngóng Tết. Mẹ cũng thấp thỏm mong Tết như mong những niềm vui tròn đầy.

Mẹ có mỗi một người em gái là dì Hương. Nhưng dì Hương theo con trai sang nước ngoài sống đã mấy năm. Cách xa biền biệt, chị em gái chỉ hỏi thăm trò chuyện với nhau qua điện thoại. Tiếng là nhìn thấy nhau mỗi ngày, thế nhưng mẹ vẫn mong dì về để chị em được hàn huyên, vui vẻ nói cười bên nhau như thuở trước. Ra đồng, ra chợ hay trò chuyện quanh xóm, ai nấy đều hồ hởi vì có người thân sắp sửa về ăn Tết khiến mẹ cũng mong Tết đến nao lòng.

Mẹ mong Tết đến... - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bố mẹ sinh được bốn người con nhưng đứa nào cũng lập nghiệp xa nhà. Phần vì kinh tế khó khăn, phần vì công việc bận rộn nên lời hứa mùa xuân với bố mẹ đành bỏ ngỏ. Mẹ buồn nhưng không nỡ trách hờn, bởi tại hoàn cảnh. Mẹ lẳng lặng cất giấu nỗi nhớ đằng sau những lời động viên, khích lệ, an ủi cháu con. Nhưng rồi, mẹ vẫn hỏi bố “Năm nay, mấy đứa có về ăn Tết không ông nhỉ?”. Mẹ nhìn bố, mắt nhòe cay đến tội nghiệp.
Hôm rồi, vợ chồng anh cả điện về hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ. Thằng cu Tí đích tôn tỏ ra háo hức khi nhắc về Tết quê mấy năm trước. Nó thèm được ăn chiếc bánh chưng bé xíu ông nội làm riêng cho nó. Nó muốn được theo bà đi chợ Tết, được bà tắm cho bằng nước cây mùi già chiều 30 Tết. Nó còn muốn được cùng các em nhà cậu, dì tung tăng dạo chơi Tết khắp làng... Nghe cháu kể, khóe mắt mẹ cứ thế cay xè. 

Mấy đứa cháu ngoại của mẹ, con của chị thứ hai, chị thứ ba cũng rộn ràng nhắc chuyện Tết quê. Bé Chíp học lớp 3, nói cho bà ngoại nghe về lời cô giáo đã dạy, rằng: “Tết là ngày đoàn tụ gia đình. Cho dù con cháu có đi đâu, ở đâu thì Tết cũng sẽ về với ông bà, bố mẹ. Vì niềm vui của gia đình mới thực sự làm nên hương vị Tết”. Mẹ nghe rồi gật gù, bởi đó cũng là tâm niệm, niềm mong ước bấy lâu nay của mẹ.

Mẹ mong Tết đến... - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mẹ luôn mong Tết có đủ đầy tình thân. Điều này bố là người hiểu và nhận ra rõ nhất. Nhiều lần mẹ nói với bố: “Chúng nó đã lớn, đã có tổ ấm riêng của mình. Cả năm bộn bề, đứa nào cũng vất vả, Tết là để dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Các con ăn Tết ở đâu thì tùy chúng, miễn là chúng nó cảm thấy thoải mái, vui vẻ”. Mẹ nói là nói vậy, nhưng kỳ thực, lòng mẹ lại nghĩ khác.

Mẹ cười: “Tết với mẹ là niềm vui bên con cháu, là tình thân”.

Trong số bốn chị em, tôi ở gần bố mẹ nhất. Ra trường, lập nghiệp trên phố, thi thoảng lại bắt xe về với bố mẹ. Mẹ khoe, năm nay dì Hương báo tin sẽ về quê ăn Tết. Và mẹ cũng mong các con, các cháu của mẹ ở Trung, ở Nam sẽ về đông đủ. Mẹ hồ hởi nói sẽ mừng tuổi cho các cháu dịp Tết đến. Đó là số tiền được anh em tôi gửi về biếu bố mẹ hàng tháng để mua thức ăn, quà vặt. Vậy mà… thay vì dùng hết số tiền ấy, mẹ lại vẫn tiết kiệm, gói ghém để trong chiếc túi vải đặt ở đầu giường. Chiếc áo len tôi mua cho mẹ từ đầu đông, mẹ cũng bảo, chờ con cháu về mới mặc. Mẹ cười: “Tết với mẹ là niềm vui bên con cháu, là tình thân”.

Sớm nay, lòng mẹ vui như trẩy hội. Là bởi, con cháu ở xa đều đã sắp xếp mọi việc, sửa soạn chuẩn bị về quê ăn tết cùng bố mẹ. Mẹ ra vào, đếm ngược thời gian, lòng mong ngóng Tết đến. Trong mắt mẹ, tôi nhận thấy dường như mùa xuân đã về!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.