Mẹ ốm

Chia sẻ

Chủ đề người mẹ đã và luôn là dòng chảy cảm hứng bất tận của thơ ca, nghệ thuật. Trong đó, tôi rất thích bài thơ “Mẹ ốm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa bởi nhan đề và nội dung thật độc đáo.

Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay

Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan

Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào

Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo

Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say

Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…
                                                          Trần Đăng Khoa

Chủ đề người mẹ đã và luôn là dòng chảy cảm hứng bất tận của thơ ca, nghệ thuật. Trong đó, tôi rất thích bài thơ “Mẹ ốm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa bởi nhan đề và nội dung thật độc đáo, không giãi bày cảm xúc với mẹ nói chung như nhiều thi sỹ khác mà viết về mẹ bị ốm. Mặt khác bài thơ được sáng tác bởi một tác giả nhí, khi viết Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi - toàn bộ cảm xúc, hình ảnh của bài thơ đều rất hồn nhiên.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Bài thơ là lời kể của một em bé về mẹ rất ngây thơ: “Mọi hôm mẹ thích vui chơi/ Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu”. Khác biệt giữa mọi hôm mẹ bình thường và hôm nay mẹ ốm mệt, đứa con đã cảm nhận bằng trực giác. Cách nói “mẹ thích vui chơi” đúng là cái nhìn của trẻ thơ khi thấy trước đó, hễ có thời gian ở nhà là mẹ vui đùa chơi cùng con – còn khi mẹ làm ngoài đồng con đâu thấy được?

Những câu thơ tiếp tưởng như vẫn cảm nhận về mẹ qua những gì con thấy: “Lá trầu khô giữa cơi trầu/ Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay” nhưng thực chất, câu thơ đã nói rõ hơn những việc yêu thích của mẹ thường ngày. Mẹ ăn trầu cũng là thói quen duy trì một phong tục từ lâu đời của người Việt. Mẹ rất thích đọc Truyện Kiều bởi mẹ thuộc nằm lòng. Mẹ kể Kiều, ngâm Kiều cho các con nghe, dùng thơ Kiều hát ru con ngủ...

Tuy nhỏ tuổi, tác giả đã biết nghĩ đến những vất vả của mẹ: “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”. Hình ảnh ẩn dụ ở đây thật gợi cảm, nhấn mạnh tính cần cù ở mẹ. Mẹ ốm mệt có lẽ vì quá vất vả chăm lo cho gia đình: thường ngày mẹ vẫn “cày cuốc” làm ruộng, chăm vườn từ sớm tới trưa bất kể mưa nắng. Là thiếu nhi nhưng tác giả đã sớm ý thức được những hy sinh thầm lặng đó của mẹ khiến mẹ và tất cả những ai đã đọc bài thơ đều cảm động.

Phần thơ tiếp cho thấy sự quan tâm thăm hỏi của cô bác qua những hình ảnh rất giản dị, mộc mạc: “...Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm/ Người cho trứng, người cho cam/ Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào”. Điều này cho thấy thường ngày mẹ sống rất nghĩa tình, giờ mẹ được nhận lại tình cảm ấm áp và sự quan tâm của xóm làng là xứng đáng. Nhờ người thân chăm sóc và xóm làng sẻ chia mẹ lui dần bệnh tật. Sự gượng dậy của mẹ được đứa con tái hiện sinh động và hồn nhiên làm sao: “Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”. Với mong ước mẹ vui và khoẻ lại, chủ thể trữ tình đã cố gắng hết mình, làm trò vui, diễn xuất đủ mọi hình thức: ngâm thơ, kể chuyện, múa ca, diễn chèo: “Mẹ vui, con có quản gì/ Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca/ Rồi con diễn kịch giữa nhà/ Một mình con sắm cả ba vai chèo”. Không chủ đích phản ánh nhưng các hoạt động cố gắng làm mẹ vui tỏ rõ người con có khả năng văn hóa, văn nghệ và bộc lộ rõ nhất tình yêu, lòng biết ơn đối với mẹ rất chân thành: “Vì con mẹ khổ đủ điều/ Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn/ Con mong mẹ khoẻ dần dần/ Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say”.

Khép lại bài thơ là những câu từ dung dị nhưng có tầm khái quát lớn “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con...”. Cho dù tác giả còn rất nhỏ nhưng với câu thơ này, tình yêu giành cho mẹ không chỉ hướng tới một cá nhân nữa mà đã mở ra không gian, thời gian cao xa, rộng lớn đã nâng giá trị bài thơ rất nhiều. Tình yêu mẹ cha gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.
Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

(PNTĐ) - Anima Anandkumar không chỉ là một nhà khoa học dữ liệu hàng đầu mà còn là một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sự cống hiến và những đóng góp của cô không chỉ nằm ở các nghiên cứu đột phá mà còn ở sự cam kết thúc đẩy sự phát triển có đạo đức và bao trùm của AI.
Trao con cơ hội hạnh phúc

Trao con cơ hội hạnh phúc

(PNTĐ) - Chị chỉ có một cô con gái duy nhất, năm nay 19 tuổi. Khi con thi đỗ trường đại học trên thành phố, chị dặn con: “Giờ con đi xa rồi, không có mẹ thường xuyên ở bên nhắc nhở. Con phải tập trung cho việc học, đừng có sao nhãng yêu đương gì cả. Ra trường có việc làm, mọi thứ ổn định thì yêu rồi cưới cũng chưa muộn”.
Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

(PNTĐ) - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, thanh niên với nhiệt huyết sáng tạo và bản lĩnh chính là lực lượng tiên phong mang trên vai sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay đang không ngừng nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước.
Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

(PNTĐ) - 60 năm đã trôi qua nhưng tinh thần cống hiến của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Phong trào là động lực để các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cùng dân tộc sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.