Mẹ (ps42)

Chia sẻ

Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau-ngọn xanh rờn
Mẹ-đầu bạc trắng

Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!

Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!

Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ

Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.
                                                      (Rút trong tập:
Đêm sông Cầu, NXB Quân đội nhân dân, 2003)
                                                      Đỗ Trung Lai

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

LỜI BÌNH
Khi nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc bài thơ Đêm sông Cầu của nhà thơ Đỗ Trung Lai, người ta biết đến anh như một thi sĩ của tình yêu. Còn khi anh viết về mẹ, anh lại giúp người đọc nhận ra một điều giản dị, chân phác với cặp biểu tượng sóng đôi: Mẹ và cây cau. Hai biểu tượng vừa tương đồng vừa khác biệt tạo nên sự độc đáo cho bài thơ này.

Bài thơ Mẹ được chia làm 5 khổ thì có đến 4 khổ thơ có sự xuất hiện của hai biểu tượng đẹp này. Ban đầu, là một tỉ lệ nghịch của hình hài và tuổi tác:

Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau-ngọn xanh rờn
Mẹ-đầu bạc trắng

Hoá ra, điều giản đơn như thế mà thật sâu sắc, ngậm ngùi. Con người có giới hạn của mình, thiên nhiên thì trường cửu. Đọc đến khổ thơ thứ hai, dáng mẹ và thân cau dường như bắt đầu có sự xa cách, tách rời và ngày càng xa nhau:

Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!

Điều khiến người ta thảng thốt là khi cau càng thêm tuổi càng gần trời xanh, mẹ càng già càng gần mặt đất. Một cao, một thấp, như hai ngả trên đường của quy luật hoá sinh. Và giờ đây, câu chuyện tuổi tác, thời gian của mẹ thể hiện qua miếng cau, điều nhỏ bé mà toát lên cái nhìn tinh tế:

Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Giờ với mẹ, chông gai, thách thức của tuổi tác, đôi khi chỉ từ miếng cau. Phải thương mẹ, hiếu thuận lắm, người con mới nhận ra điều nhỏ bé của ngày hôm qua đã thành to tát, trở ngại của hôm nay. Đến khổ thơ thứ 4 không còn sự đối nghịch, khác biệt giữa mẹ và cau nữa. Hai biểu tượng được nhất thể hoá:

Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ

Những ai có mẹ già sẽ luôn nhạy cảm với những hình ảnh ấy. Sự ngưng đọng của thời gian trong miếng cau khô gợi lối về miền cát bụi hư vô. Ai cũng biết đó là quy luật nhưng không dễ dàng chấp nhận:

Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.

Người phương Đông “có bệnh vái tứ phương”, gặp điều gì không thể lý giải được đành hỏi cao xanh, tra vấn ông trời. Nhưng lần này, chỉ có “Mây bay về xa”, không một lời đáp. Nhà thơ và chúng ta đều biết trước câu trả lời ấy: rồi một mai tất cả sẽ vô thường.

Đọc bài thơ thêm một lần nữa, hoá ra hàng cau có bầu trời của mình, mẹ có mặt đất của mẹ; trời xanh mây trắng trên kia, mẹ ở dưới này. Rồi một ngày mẹ sẽ nằm lại, mây bay đi… chỉ còn muôn vàn nuối tiếc. Chất thơ trong bài Mẹ của Đỗ Trung Lai nhẹ nhàng và tinh tế như thế đó.

Nhưng đó là những lo lắng cho mai sau. Hôm nay, chúng ta đang có mẹ, người phụ nữ cả một đời hy sinh vì ta, chăm chút, chở che cho ta lớn khôn. Người mẹ mà thi ca, nhạc, hoạ… đã bao lần khắc hoạ nhưng vẫn mãi mãi là đề tài bất tận bởi sự bình dị mà lớn lao của người trong cuộc đời này.

PHƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.