Mẹ vợ thương rể vì nghèo mà không hèn

Chia sẻ

Bà Mễ có ba cô con gái, hai cô đầu tốt phúc lấy chồng vào chỗ khá giả, cái Lành con út hẩm hiu lại lấy phải nơi sa sút nên cả hai vợ chồng “xách bị” sang nhờ mẹ vợ.

Thằng Sang, chồng cái Lành nom sáng sủa nhưng “hiền quá hóa đần”, được cái chăm chỉ bù lại, sống có trên có dưới, biết điều nên có ai lời ra tiếng vào gièm pha Sang đều bị bà Mễ nói át đi. Ai ghé qua quán bà Mễ ăn uống, nghỉ chân cũng nghĩ Sang là con trai bà chứ không biết đó là rể út.

Chồng bà Mễ mất sớm, từ khi cái Lành mới lên 8 tuổi, bà ở vậy nuôi ba cô con gái ăn học nên người, lấy chồng đâu vào đấy. Các cụ có câu: “Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”, chẳng phải nhà có ba con trai mới nghèo mà ba con gái thì cũng “bất phú” như ai nên bà Mễ làm việc quần quật sớm hôm để lo cho gia đình. Hôm nào cũng từ 4 giờ sáng tới 10 giờ đêm, ba cô con gái được “huy động” giúp mẹ việc này việc khác mà nhà bà vẫn kham khổ quanh năm: ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc. Cứ đến kỳ hàng tháng toát mồ hôi lo tiền đóng học cho ba đứa, tiền điện, tiền nước là hết sạch mọi đồng. Tiền ăn rau cháo mỗi ngày đều trông vào cái quán bé tí tẹo trước cửa: nào là rau dưa mắm muối, nào là bánh kẹo lặt vặt, nào trà đá nước nôi, lại còn xôi sớm, bún đậu trưa…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

May mắn sao, hai chị gái của cái Lành tốt nghiệp trung học là có người tới dạm hỏi, xin cưới. Cả hai được gả vào nhà khấm khá, vợ chồng chịu khó lam làm nên cũng đỡ được cho mẹ, cho em chút ít. Lành thành ra nhàn nhã hẳn ra sau khi hai chị lấy chồng. Vì bà Mễ không những “thoát” khỏi nỗi lo gom tiền đóng học, mua sách mua vở cho cả ba đứa con, mà tiền ăn, tiền mặc cũng không phải lo nữa. Thêm vào đó, hai cô chị còn thương em, thương mẹ, đỡ đần nay cái quần, mai tấm áo, ngày kia lại món tiền nho nhỏ thành ra gánh lo trên vai bà Mễ giảm gần hết.

Cái Lành đâm ra xinh xắn, đủ ăn, đủ mặc, không lóp ngóp dở giấc bị mẹ gọi giật dậy như khi xưa để dọn hàng nên da dẻ hồng hào, dáng vóc xinh tươi, tóc tai quần áo hợp thời trang nom cứ như tiểu thư. Rồi cũng có nhà khá giả đánh tiếng đến xin dạm hỏi. Chàng rể tương lai sáng sủa, mặt to tai lớn, dáng vóc đường bệ đúng là công tử con nhà đại gia. Ai cũng nói bà Mễ được trời thương, cuối đời gặp đại vận tốt nên cả ba cô con gái đều đàng hoàng hơn cả ước mong.

Nhưng dường như cuộc đời không suôn sẻ thế, cái Lành lấy chồng được hơn một năm thì nhà chồng bị vỡ nợ. Thằng Sang đúng là công tử chính hiệu: được bố mẹ chăm lo tới tận chân răng, không đụng chân đụng tay vào việc gì. Chỉ có đi học rồi về nhà, bị trông nom, đưa đón như của qúy. Nó lại ngoan ngoãn, hiền lành, không chơi bời, không đàn đúm, chẳng tiêu pha nên trong ngoài ai cũng khen đàn ông - con trai - thanh niên - công tử gì mà sao lành quá! Bởi vậy khi chẳng may gia đình bị vỡ nợ, Sang cũng cứ lơ nga lơ ngơ, lóng nga lóng ngóng đi ra đi vào chứ chẳng có sốt ruột gì. Cái Lành như phải duyên phải nợ, yêu thương, quý trọng chồng nhất mực nên từ lúc về nhà chồng là chăm thằng Sang còn hơn chăm mẹ. Gặp lúc khó khăn, bố mẹ thằng Sang trang trải không nổi, phải ra nước ngoài nhờ cậy bà con. Toàn bộ tài sản thanh lý, bán đi giải quyết nợ nần. Nhưng hai vợ chồng Lành không đi theo. Bởi Lành chỉ thích ở Việt Nam, không biết nước ngoài là gì. Thế là Lành “cắp” luôn chồng về nhà mẹ đẻ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lành có tin vui giữa khi gặp vận rủi. Vậy là thằng Sang phải lăn lưng ra giúp mẹ bán hàng. Lành bị nghén, nôn mửa suốt ngày như bị hành, không ăn được bất cứ món gì, người gày vêu vao, nằm bẹp một chỗ thoi thóp. Mẹ và chồng làm gì bên ngoài cũng chẳng còn thiết quan tâm. Đang khi đông khách, thằng Sang phải sắn tay áo lao vào rửa bát, đun nước, pha trà. Bà Mễ nhìn mà cảm kích lắm nhưng có lúc Sang lóng ngóng cũng bị bà mắng cho xanh mặt. Quát xong bà lại thương, nghĩ cũng tội, từ bé tới lớn không biết việc gì, giờ lấy vợ lại bị mẹ vợ sai bảo, quát nạt. Nhưng Sang chỉ xin lỗi, không tự ái, không hờn mát làm bà Mễ càng thương.

Có lão hàng xóm xấu tính, chuyên xỏ xiên người này người nọ. Dạo xưa còn trẻ, tính chuyện tòm tem qua lại nhấm nháy với bà Mễ bị bà quát cho tẽn mặt, vẫn “thù” từ dạo đó nên thi thoảng mượn cớ “tạt” qua quán bà chén trà, điếu thuốc để “tỉ” đểu rể bà. Lão ngồi chưa nóng mông đã nóng mồm: “Này, thằng kia, nhà mày dạo trước giàu có cũng kinh phết đấy nhỉ? Xe đưa xe đón cả bầy chả thèm chào hỏi ai, nhìn đời dưới tầm mắt mà giờ nghiệp báo thế nào lại phải sang nhà vợ hầu hạ, rửa bát, quét nhà thế?”. Sang nghe xong đỏ đần cả mặt, không nói được lời nào. Bà Mễ chống nạnh “đốp” lại: “Này nhá, lão hạ tiện kia, thế nhà lão phải cái nghiệp báo gì mà nảy nòi ra cái loại chỉ có hốc xong, đẫy tễ rồi không biết làm phúc, không tìm cái việc gì tử tế mà làm cứ rỗi hơi bới móc, nói xấu bà con, đồng bào thế hả? Là cái loại gì trà trộn tới đây?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lão xấu tính đó tên là Kiên, biết bà Mễ xưa nay là tay chẳng vừa nên từ dạo còn trẻ, xinh lung linh, suốt ngày dãi mặt ở lề đường bán quán mà chẳng thằng nào tán tỉnh được, nên lão cúp mắt, ngồi ngoảnh đít lại, rồi hắt chén trà uống dở ra đường như một kiểu bày tỏ thái độ tức tối. Lão Kiên còn cố “chua” thêm một câu: “Tên là Sang mà lại hóa ra hèn. Nom mặt thì to, tai thì lớn, người phốp pháp như tướng ông to bà lớn, ai dè chỉ là thằng bám váy vợ. Ra là nó mặt to tai lớn vì nó béo chứ chả phải tướng tá gì”. Bà Mễ ức quá, chỉ tay: “Tưởng lão nghe người ta chửi xong thì cuốn gói, không còn dám vác mặt sang chứ lại còn cố vuốt đuôi mà “thổ” ra câu vớ vẩn như vậy. Thế người ta tên Kiên người ta kiên cường, bất khuất ở chiến trường thời loạn, làm nên chuyện vẻ vang ở thời bình mà tại sao cũng tên Kiên lão lại chỉ loay hoay nghĩ mưu hèn kế bẩn hại người, nhòm ngó chỗ này, lân la chỗ kia, toàn gièm pha, nói xấu mất tự trọng như vậy hả? Con rể tôi sa cơ lỡ vận nhưng không vì thân phận sang trọng mà từ chối việc nhỏ mọn nhất thời, miễn là việc tử tế; nó giờ nghèo nhưng không hèn, tướng tá nó có xấu hay đẹp nó cũng không vì trông vào cái vẻ ngoài của mình mà nhìn thiên hạ tưởng lầm ai cũng “thấp” trong mắt nó”. Nghe xong câu ấy, lão Kiên đứng bật dậy, mặt tím bầm, về hẳn.

Sang chỉ biết đứng im quan sát và lắng nghe cuộc “đấu khẩu” của mẹ vợ. Bà Mễ quay sang con rể ân cần: “Nhà mình bán hàng, khách thập phương, đủ loại xấu tốt, mình không chọn được con ạ, nên phải học cách tùy người mà cư xử. Kẻ vừa nãy ở đây ai cũng ghét nhưng lão mặt trơ trán bóng cứ nhẫy ra mà tồn tại ở đời như thế, chắc chưa tới lúc nhận quả báo, con đừng mất hơi sức để ý, cứ mặc mẹ xử lý. Mẹ cũng mong vợ con sinh cháu xong, hai đứa nghĩ làm việc gì đó chứ không nên vất vả, mất thời gian ở đây, phí sức vóc đàn ông trai tráng con ạ”. Sang nhìn mẹ biết ơn, “Vâng!” gọn và lúi húi dọn dẹp tiếp. Bà Mễ ngồi thở, nhìn theo dáng con rể, ứa nước mắt.

THƯƠNG KIỀU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.