“Mị Nương” cưới “Trương Chi” vì mẹ chồng giỏi... xử lý rác

Chia sẻ

Là con gái một gia đình giàu có, Tuyết Lê ít khi phải vào bếp rửa bát, nấu cơm nhưng cô rất dị ứng với rác thải. Lý do cô chọn Thăng, chàng lính nghèo, có nước da đen nhẻm, nhà ở ngoại ô là do… mẹ chàng rất giỏi trong việc xử lý rác thải để có một vườn cây trĩu quả, thơm ngát hương hoa …

Tuyết Lê là tiểu thư độc nhất trong gia đình giàu có, bố cô là một vị tướng trong quân đội nên ai cũng nghĩ cô sẽ nên duyên cùng công tử “môn đăng hậu đối” nào đó. Nhưng thật bất ngờ khi người cô sánh đôi trong đám cưới là Thăng, một anh lính trong đơn vị bố, chàng trai ngoại thành, con nhà thường dân, có nước da đen nhẻm và theo chàng về vùng ngoại ô sinh sống. Lý do cô chọn chàng là vì… yêu quý mẹ chồng từ lần gặp đầu tiên.

Nhớ lại lần đầu, một cuộc gặp gỡ thoáng qua tại đơn vị bố, Tuyết Lê còn cảm thấy hơi thất vọng với lời khen ngợi của bố trên xe về Thăng. Bởi bề ngoài của anh không giống như hình mẫu về “chàng bạch mã hoàng tử” mà cô tưởng tượng bấy lâu. Đặc biệt nước da đen ấn tượng của Thăng càng khiến Tuyết Lê kinh ngạc, cô thầm kêu lên: “Sao lại có người con trai Việt Nam đen như người nước ngoài thế này?”. Bởi vậy, lúc trở về nhà, nghe bố tếu táo gán ghép, Tuyết Lê phì cười vì nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó xảy ra. Ông Trần Phương không hiểu ý con, vẫn nói rất dõng dạc: “Thăng được đấy chứ nhỉ. Rất thông minh, mẫn cán trong công việc và cực đàn ông. Những người như vậy sau này thành đạt không cần nhờ dựa vào ai. Bố thấy các con có vẻ đẹp đôi và rất hợp ý nhau”. Mẹ Tuyết Lê đã từng gặp gỡ và nói chuyện với Thăng, nghe chồng nói thế bà thốt lên: “Trời ơi, con gái ông rất nhiều đám muốn tìm hiểu, các chàng trai trẻ, thông minh và đẹp đẽ có thiếu gì, tôi còn đang giữ ý cân nhắc, tốt nghiệp ra trường có việc tốt lúc đó cơ hội tìm nơi ưng ý còn nhiều hơn. Sao lại định tác thành cho một người trên không có người đỡ, dưới không có người nâng, lại còn ở ngoại thành nữa. Ông nói khiến tôi thấy lo lắng đấy!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau bữa đó, những buổi đến giảng đường, học thêm ngoại ngữ và lu bu với đám bạn thân khiến Tuyết Lê gác chuyện về chàng lính mới của bố sang một bên, nhưng mẹ cô thì không. Bà dường như lo lắng thực sự nên bấy lâu quản thúc con mà không hỏi han gì, bây giờ bà nói gần, nói xa rồi chẳng qua nói thật là bà không ưng Thăng, bà gọi con lại bảo: “Mẹ có linh tính gì đó rất bất ổn! Từ hôm bố con nói vậy mẹ rất lo, vì mẹ hiểu tính bố con, đã nói là sẽ quan tâm và thực hiện lúc nào không ai biết. Nhà Thăng nghèo quá, nó học hành thì giỏi đấy, lại tự lập vươn lên nhưng phấn đấu đến bao giờ mới có cuộc sống dư giả. Mà Thăng nó đen quá con ạ, sao nó lại có nước da đen sậm như vậy, sau này có con trai còn đỡ, chứ có con gái, nó giống bố nó thì sao? Cứ nghĩ mẹ lại nẫu hết cả người!”.

Tuyết Lê không nói gì, chỉ phì cười vì thực ra cô và Thăng đã có gì đâu, mới chỉ thoáng qua và ấn tượng của Tuyết Lê không được tốt đẹp như bố cô nghĩ. Tuy vậy, qua nhiều bữa ăn nghe bố mẹ trao đổi, trò chuyện về Thăng, về gia đình Thăng, Tuyết Lê cũng phải thầm công nhận là Thăng không chinh phục người đối diện bởi vẻ bề ngoài nhưng anh khiến cho những ai ở bên cạnh tin cậy, tôn trọng và nhớ lâu bởi nét duyên thầm cuốn hút rất kỳ lạ.

Rồi linh tính của mẹ Lê đã đúng, bởi sau đó bố cô rủ con gái ra ngoại thành chơi, bố mẹ Thăng có bữa tiệc nhỏ tại trang trại gia đình mời sếp của con tới dự. Nghe tả về ngôi nhà ngoại ô của gia đình Thăng, Tuyết Lê háo hức theo bố đi, cô được phép rủ thêm hai ba người bạn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đó là một bữa tiệc đứng ngoài trời, trong khu vườn xinh đẹp, hoa trái tốt tươi với từng khu tiểu cảnh như khu lò nướng và tiệc vườn, đồi nhỏ có lầu thưởng trà, ngắm trăng bên “hồ treo” mini. Ai cũng nghĩ khu nhà xinh đẹp ấy phải được thiết kế bởi một kiến trúc sư tài ba nhưng hóa ra đó là do đôi bàn tay mẹ Thăng tạo dựng.

Từ vùng đất cằn bỏ không mấy chục năm trời của nhà chồng, bố mẹ Thăng đã mua lại rồi xây căn nhà nhỏ hai tầng. Đất đá và toàn bộ đất cằn “thau” vườn, đất đào móng mẹ Thăng cho đắp thành đồi nhỏ thay vì thuê thợ mang xe xúc đi đổ. Khu đất trũng hơn so với bề mặt đã xây dựng xung quanh được bà tôn cao: bà thuê người đi lấy đất phù sa về đổ làm vườn. Ngay từ đầu mẹ Thăng đã mất nhiều ngày để đưa ra bản thiết kế tổng thể, sau đó bà thuê thợ xây dựng dần trong nhiều năm. Đặc biệt, để tạo ra khu vườn sum suê quả ngọt, hoa lá tốt tươi và rau xanh ngon mắt bà đã xử lý toàn bộ rác thải hữu cơ của gia đình dùng làm phân bón sạch cho cây trồng. Bà cho đào hố sâu, cứ luân phiên cách nhau 2m, toàn bộ cọng rau, vỏ trái cây, thức ăn thừa đã chọn lựa và xử lý sạch bà cho đổ xuống hố. Cứ một lớp rác đó bà lại trải một lớp phân ủ, sau thời gian thích hợp, bà trộn đất phù sa cho đều và dùng một lớp đất sạch lấp đất dầy lên để chống gây mùi, ruồi, bọ. Rồi bà trồng cây ăn quả… Cứ như vậy bà làm miệt mài từ khi chuyển về đây.

Bà cười nói: “Bây giờ đối với bác, rác thải hữu cơ còn quý hơn cả đồ trang sức, nhà bác rất ít rác bỏ đi. Toàn bộ rau xanh, những cây ăn quả , hoa tươi nhà dùng đều là đồ sạch được gây dựng nên từ những thứ tưởng như bỏ đi ấy. Hoa quả nhà dùng không hết bác đem biếu hai bên nội ngoại, bạn bè và có những mối hàng tới lấy, bán cũng được kha khá”.

Tuyết Lê và nhóm bạn của cô rất ngạc nhiên. Họ khâm phục nhất là cách tận dụng triệt để nguồn rác thải hữu cơ của bà, trong khi ở thành phố, mỗi ngày, một nhà thải ra bịch to, bịch nhỏ tồn đống ở đầu ngõ gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị thì ở đây lại trở thành nguồn “năng lượng” quý giá không chỉ phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình mà còn tạo nên cảnh quan nên thơ, môi trường tràn đầy sức sống.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ bữa đó, Tuyết Lê và các bạn cô lưu luyến, nhớ nhung khu vườn ngoại ô lãng mạn với bà chủ vui tính, ôn hòa, mến khách. Qua những gì bà Nhàn chia sẻ về Thăng hôm đó, Tuyết Lê thấy cảm mến người lính mới của bố. Thi thoảng nghĩ tới cô bỗng thấy mặt mình hồng ửng lên, mắt sáng long lanh và hay cười tủm tỉm một mình.

Như duyên trời se, ra trường, Tuyết Lê “đầu quân” về cơ quan bố và rồi với sự se duyên của “ông ngoại tương lai”, đôi “lính mới” có cơ hội đến với nhau trong sự thở than của “bà ngoại” trẻ. Nhưng rồi, cùng với sự cố gắng trong công việc và sự quan tâm, chăm sóc của Thăng dành cho Tuyết Lê, lại có sự qua lại giữa hai gia đình cuối cùng mẹ Tuyết Lê đã yên tâm về chàng rể quý.

Ngày cưới con gái, trong giọt nước mắt vui mừng mẹ Tuyết Lê thốt lên: “Mẹ thực sự hạnh phúc vì các con đã có một khởi đầu hơn hẳn bố mẹ khi xưa. Nhìn Thăng, mẹ thấy thấp thoáng bóng hình bố con ngày đó. Có điều, ban đầu, vì nuông chiều con trong cảnh nhà khá giả mẹ đã không khỏi lo âu. Giờ đây, con có về bên đó, ở ngoại thành thật đấy nhưng trong khu vườn và ngôi nhà gần gũi với tính cách của con, có mẹ chồng con ân cần chu đáo, chồng con lại yêu thương con nhất mực mẹ rất an lòng”.

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.