Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ là một tuyên truyền viên an toàn giao thông
(PNTĐ) - Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ hãy là một tuyên truyền viên tích cực an toàn giao thông, tích cực chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; vận động người thân trong gia đình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đây là thông điệp của hội thi “Nữ tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức vừa qua.
Ùn tắc, tai nạn giao thông bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của người dân
Trong bài thuyết trình của mình, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Hội viên phụ nữ Công an TP Hà Nội cho biết, theo thống kê của cảnh sát giao thông TP Hà Nội, 1 ngày, thành phố Hà Nội có khoảng 650 xe máy, 230 ôtô phương tiện đăng ký mới. Tốc độ đô thị hoá ngày càng phát triển, gia tăng, học tập sinh sống làm việc, nhu cầu xe tăng cao nhưng hệ thống mặt đường không đảm bảo phương tiện và hệ thống cơ sở vật chất giao thông không đồng bộ. Một hiện trạng khác là lấn chiếm lòng đường vỉa hè, hành lang an toàn. Đây là thực trạng đáng báo động cần giải quyết. Tại Thủ đô Hà Nội, mỗi ngày có từ 106-112 vụ tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông tăng đột biến, số vụ vi phạm về tai nạn giao thông lên cao, vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Theo báo cáo quốc gia về an toàn giao thông năm 2022, toàn quốc có gần 15.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 6.000 người, bị thương hơn 9.000 người. Gần 9.000 người bị tai nạn giao thông nằm trong độ tuổi đến trường.
Đáng nói, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đang tăng cao. Theo thống kê, trong số 2,8 triệu trường hợp bị xử lý vì vi phạm giao thông thì có đến 308 nghìn vụ vi phạm nồng độ cồn, chiếm 11%; 1.818 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, chiếm 0,06%. Đáng chú ý, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 169 vụ với 2.836 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Do vậy, xây dựng văn hóa giao thông hay nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người chính là bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; đi bộ dưới lòng đường; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông…
Chị Trương Thị Thuý, Hội viên Hội LHPN huyện Hoài Đức lo ngại: Những hình ảnh ở những ngã ba, ngã tư luôn chật cứng phương tiện, chậm chạp ở giờ cao điểm; tiếng còi xe inh ỏi giữa làn khói bụi mịt mù; người khạc nhổ bừa bãi; thanh niên không nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ với tâm lý “mình không chen, thì người khác sẽ chen” đã sâu vào tiềm thức của người Việt khi tham gia giao thông. Những màn chen lấn xô đẩy đó đã được coi là “đặc sản” của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này cho thấy, những hành vi ứng xử thiếu văn hoá khi tham gia giao thông này khiến cho tình trạng ùn tắc trở nên trầm trọng hơn.
Nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong tuyên truyền an toàn giao thông
Trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội luôn xác định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp Hội đã tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền, kết hợp tuyên truyền trên diện rộng, có quy mô lớn với tuyên truyền chiều sâu đến hội viên, phụ nữ, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nhằm truyền tải thông tin, kiến thức pháp luật đến với đông đảo phụ nữ, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2012 đến nay, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND Thành phố phê duyệt các đề án, kế hoạch hỗ trợ cho sự phát triển của phụ nữ trong đó có Kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016, 2017-2021, 2022-2026; ký kết 4 chương trình phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và Thể thao, 3 cơ quan tố tụng (Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố), Hội Luật gia Thành phố về tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hòa giải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ.
Các cấp Hội tổ chức hàng trăm cuộc sự kiện truyền thông tuyên truyền pháp luật với quy mô lớn, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp phụ nữ và nhân dân; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật với các hình thức thi viết, thi sân khấu hóa, thi video clip, thi trực tuyến... tìm hiểu pháp luật thu hút hàng trăm ngàn hội viên, phụ nữ, nhân dân Thủ đô tham gia; sáng tạo, thành lập, nhân rộng các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng thiết thực, hiệu quả; thu hút vận động nam giới, các thành viên gia đình tham gia... góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã xây dựng 145 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ với pháp luật, 21 CLB phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông, 184 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật, tổ tư vấn tại cộng đồng.
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đề nghị các cấp Hội Phụ nữ Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam bằng nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến gắn với triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Hội; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hoạt động của các mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân chấp hành pháp luật tại địa bàn dân cư, phát hiện tố giác kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng thành phố an toàn thân thiện với phụ nữ trẻ em…
Với tinh thần “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông đường bộ”, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung kiến nghị: Để phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cần bồi dưỡng cung cấp kiến thức Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi khi tham gia giao thông; để mỗi cán bộ phụ nữ sẽ trở thành những nữ tuyên truyền viên ở cấp cơ sở; tổ chức các hoạt động giao lưu sáng kiến truyền thông, toạ đàm, lồng ghép hài hoà vào các cuộc thi để mọi người có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin; ngày càng có nhiều mô hình như gia đình có trách nhiệm về an toàn giao thông để mỗi gia đình, cộng đồng sẽ là điểm sáng về việc chấp hành Luật Giao thông; nâng cao vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong việc giám sát thực hiện an toàn giao thông tại các điểm nóng, điểm đen, kịp thời báo cho các cơ quan chức năng giải quyết; biểu dương, khen thưởng các gương điển hình trong công tác thực hiện giao thông đường bộ…
Chị Lâm Thị Ngọc Chủ tịch Hội LHPN xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm cho biết, nhiều năm qua, Hội LHPN xã đã coi việc xây dựng văn hoá giao thông là 1 trong những vấn đề quan trọng. Nhiều mô hình CLB được thành lập như CLB uống có trách nhiệm…; tuyên truyền hội viên phụ nữ tại zalo, facebook, hội nghị; phối hợp nhà trường quan tâm tuyên truyền văn hoá giao thông cho học sinh.
“Bản thân tôi cùng tập thể hội LHPN xã luôn cập nhật kiến thức về an toàn giao thông, tuyên truyền bổ sung kiến thức cho hội viên với mục tiêu “mỗi gia đình có 1 tuyên truyền viên về an toàn giao thông”, giúp xây dựng văn hoá giao thông bắt nguồn từ chính mỗi gia đình” - chị Ngọc nói.
Theo chị Trương Thị Thuý, với tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình", mỗi người dân cần tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ để đem lại hạnh phúc cho chính mình cũng như cho cộng đồng. Cụ thể như: Trước khi tham gia giao thông phải kiểm tra mức độ an toàn của phương tiện; phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định khi tham gia giao thông; phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Nói không với mũ bảo hiểm kém chất lượng. Đi đúng làn đường, phần đường, vạch đường… theo quy định, luôn luôn có thái độ chấp hành đúng luật lệ an toàn giao thông. Bảo đảm đi đúng tốc độ. Nêu cao ý thức nhường đường, rẽ trái, rẽ phải… đúng quy định. Rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường; phải biết giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; bảo dưỡng định kỳ các phương tiện cẩn thận.
Rèn luyện nếp sống văn hoá trong giao thông và thực hiện tốt quy ước “Bốn không, ba có” mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã kêu gọi toàn dân thực hiện khi tham gia giao thông. Bốn không gồm: Không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, vận hành phương tiện không đủ giấy tờ quy định; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ an toàn giao thông; không có thói hư tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra tai nạn giao thông; không để xảy ra tai nạn khi tham ra giao thông. Ba có gồm: Có hiểu biết đầy đủ pháp luật về giao thông; có ý thức trách nhiệm cao nhất với bản thân và cộng đồng; có hành vi ứng xử văn hoá, hợp tác giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông…