Món quà 8/3 yêu thương

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi mẹ chồng lên thành phố trông cháu, cuộc sống của gia đình Hương như đảo lộn. Những bất đồng nhỏ nhặt cứ tích tụ dần, tạo thành một bức tường vô hình ngăn cách hai mẹ con.

Cuối tuần rảnh rỗi, cả nhà Hương về quê chồng chơi, cô bế con trên tay, bước vào sân. Bà Nga đang lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa trưa, nghe tiếng cháu gọi thì vội vàng lau tay, chạy ra đón cháu nội. "Bin của bà, bà nhớ cháu quá!". Bà Nga ôm chầm lấy Bin, thơm chụt chụt lên má cháu. Bin cười tít mắt, giơ tay đòi bà bế. Hương và chồng cũng chào hỏi mẹ.

Hương lấy từ trong xe ra một chiếc hộp lớn, nói: "Mẹ ơi, sắp tới là ngày 8/3 nhưng hôm ấy nhà con không về được. Con có món quà đặc biệt tặng mẹ". Bà Nga ngạc nhiên: "Ôi giời, các con lại tốn kém làm gì. Mẹ già rồi, có thiếu thốn gì đâu". "Cái này rất hữu ích, con chắc chắn cả bố mẹ đều thích". Hương cùng chồng mở chiếc hộp để trên thùng xe bán tải, một chiếc ghế massage hiện ra. Bà Nga tròn mắt: "Ghế massage á? Cái này đắt tiền lắm đấy". "Mẹ cứ nhận cho chúng con vui. Mẹ ngồi thử đi, thích lắm đấy". Bà Nga ngồi xuống ghế, chiếc ghế bắt đầu hoạt động. Bà nhắm mắt, vẻ mặt thư thái: "Ừ, thích thật".

Bữa cơm trưa diễn ra ấm cúng. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Sau bữa cơm, Hương ngồi cạnh mẹ chồng, nhẹ nhàng nói: "Mẹ ơi, con có chuyện muốn nói với mẹ". Bà Nga nhìn con dâu, ánh mắt có chút ngạc nhiên: "Ừ, con nói đi". Nga ấp úng: "Con muốn nói lời xin lỗi mẹ. Thời gian trước, khi mẹ lên trông Bin giúp con, có nhiều chuyện khiến mẹ buồn lòng. Con biết con đã sai khi không hiểu cho mẹ, lại còn nói những lời không phải sau lưng mẹ. Con thật sự rất hối hận".

Món quà 8/3 yêu thương - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bà Nga nắm lấy tay con dâu, giọng xúc động: "Trong chuyện này mẹ cũng không đúng. Mẹ già rồi, tính tình khó chịu, lại hay giữ ý trong lòng. Những điều con nói khi mẹ nghĩ lại thì cũng thấy có lý". Hai mẹ con nhìn nhau thấu hiểu, những khúc mắc trong lòng họ cũng được giải tỏa.

Hương và bà Nga cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau chơi với bé Bin. Buổi chiều, cả nhà cùng nhau ra vườn hái rau, tưới cây. Không khí gia đình ấm áp, tràn ngập tiếng cười. Hương cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Cô biết rằng, mình đã có một người mẹ chồng tuyệt vời, và cô sẽ trân trọng tình cảm này mãi mãi.

Nhớ lại khoảng thời gian bà Nga lên trông cháu cho Hương, Hương vẫn còn cảm thấy áy náy. Khi đó, bé Bin được 6 tháng tuổi, Hương phải đi làm lại. Vì không yên tâm khi thuê người giúp việc, Hương đã nhờ bà Nga lên trông con giúp. Vốn dĩ, mẹ chồng nàng dâu ở xa, ít khi gặp nhau nên mối quan hệ khá tốt đẹp. Nhưng khi sống chung dưới một mái nhà, những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.

Bà Nga là người tiết kiệm, quen với nếp sống ở quê. Bà thường nấu những món ăn đơn giản, tiết kiệm, nhiều khi còn ăn lại đồ ăn thừa. Hương là người thành phố, quen với những món ăn cầu kỳ, đầy đủ dinh dưỡng. Hương cảm thấy khó chịu khi phải ăn những món ăn không hợp khẩu vị.

Bà Nga luôn nấu những món ăn mà Hương không quen. Nồi canh rau ngót nấu suông, bà ăn liền ba bữa, đến nỗi Hương nhìn thấy đã phát ngán. Bà bảo: "Nấu không dầu mỡ ăn mới tốt". Hương xót ruột, mua thêm thức ăn ngon về nấu, bà lại bảo cô hoang phí, rồi cả bữa chẳng động đũa vào miếng nào. Hương nhớ có lần mua thịt bò về để làm bít tết, bà Nga thấy vậy liền nhăn mặt: “Thịt bò chỉ mua 2-3 lạng về xào thôi, ai lại mua cả cân về ăn một bữa thế này. Rồi bà vẫn nấu nồi canh rau ngót và đậu phụ luộc để ăn cho qua bữa.

Đỉnh điểm là một buổi trưa, khi Hương tranh thủ về nhà lấy đồ nên có báo mẹ chồng nấu cơm. Lúc về, bà Nga đã ăn cơm xong và để dành cho Hương một bát canh cua hâm lại từ tối hôm trước. Hương mệt mỏi, không nuốt nổi. Cô buột miệng nói: "Mẹ ơi, đây là canh cua từ tối qua à. Món này không nên để qua đêm rồi nấu lại đâu, ăn lạnh bụng không tốt ạ". Bà Nga nói: “Mẹ vẫn ăn có sao đâu, con cẩn thận quá”. Đúng hôm ấy, bà Nga bị đau bụng và tự đi mua thuốc uống chứ không một lời than phiền với con trai và con dâu.

Chuyện chăm sóc bé Bin cũng là một cuộc chiến không hồi kết. Bà Nga luôn bế ẵm cháu, ít khi cho cháu nằm giường chơi. Bà bảo: "Trẻ nhỏ, trời lạnh thì phải ôm ấp nhiều mới cảm nhận được hơi ấm". Hương giải thích rằng “nằm giường bé sẽ thoải mái hơn và sẽ không bị quen hơi, sau này suốt ngày đòi bế”. Mỗi lần Hương muốn cho con nằm chơi, bà lại bế thốc cháu lên, dỗ dành: "Ngoan nào, bà thương", rồi ru cháu ngủ trên tay. Đến khi tay bà mỏi nhừ, đặt cháu xuống thì cháu lại giật mình tỉnh giấc.

Món quà 8/3 yêu thương - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mỗi khi Hương góp ý, bà Nga thường im lặng, không nói gì. Điều này khiến Hương khó chịu, vì không biết bà Nga có nghe mình nói hay không. Hương cảm thấy ngột ngạt, khó thở khi sống cùng mẹ chồng. Cô muốn nói chuyện thẳng thắn với bà, nhưng lại sợ làm bà buồn lòng. Cô chỉ biết im lặng, chịu đựng.

Hương nhớ có lần, khi Bin bị sốt, cô lo lắng muốn đưa con đi khám bác sĩ. Bà Nga lại gạt đi: "Trẻ con sốt là chuyện bình thường, cứ lau mát cho cháu là được". Hương không yên tâm, vẫn lén đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận Bin bị viêm họng, cần uống thuốc. Bà Nga nghe vậy liền trách móc: "Con cứ làm quá lên, trẻ con ốm vặt là chuyện thường tình".

 Một lần, Hương nói chuyện với chồng về những mâu thuẫn với mẹ chồng. Không may, bà Nga nghe thấy được. Bà Nga cảm thấy buồn và thất vọng vì con dâu không hiểu cho mình. Từ đó, mối quan hệ giữa hai người càng trở nên căng thẳng.

- Anh à, em thấy mẹ khó tính quá. Em không biết phải làm sao để mẹ hiểu ý em nữa - Hương nói với chồng.

- Em cứ từ từ nói chuyện với mẹ. Chắc là mẹ chưa quen với cuộc sống ở thành phố - Chồng Hương an ủi.

Không ngờ, bà Nga nghe thấy được cuộc trò chuyện đó. Bà cảm thấy đau lòng vì lời nói của con dâu. Bà không ngờ rằng, người con dâu mà bà yêu thương lại nghĩ về mình như vậy.

Từ đó, bà Nga càng ít nói chuyện với Hương hơn. Bà chỉ tập trung vào việc chăm sóc bé Bin, cố gắng làm tốt vai trò của một người bà. Hương cảm nhận được sự thay đổi của mẹ chồng, nhưng lại không biết làm thế nào để hàn gắn lại tình cảm..

Không khí căng thẳng, ngột ngạt trong gia đình cứ trôi qua. Khi bé Bin được 1 tuổi, Hương cho con đi học mẫu giáo. Bà Nga về quê. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Hương và mẹ chồng trở nên xa cách. Mỗi lần về quê, Hương đều cố gắng tỏ ra vui vẻ, nhưng trong lòng vẫn còn những khúc mắc chưa được giải quyết.

Hương và chồng bàn nhau mua tặng bà Nga một chiếc ghế massage nhân ngày 8/3. Hương hy vọng món quà này sẽ giúp mẹ chồng thư giãn, thoải mái hơn. Đồng thời, Hương cũng muốn nói hết ra suy nghĩ để mẹ chồng hiểu mình. Vì nếu cứ kéo dài như thế này, Hương sợ mình và mẹ chồng sẽ mãi “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Cuối cùng, sau bao nhiêu cố gắng, Hương và mẹ chồng đã hóa giải được những mâu thuẫn. Họ lại trở về với mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp như trước đây, thậm chí còn thấu hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn

Cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm trưa ấm cúng, tiếng cười nói rộn rã vang vọng khắp căn nhà. Hương cảm thấy hạnh phúc vì đã hàn gắn được mối quan hệ với mẹ chồng. Cô biết rằng, trong cuộc sống gia đình, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn. Quan trọng là cả hai bên phải biết lắng nghe, thấu hiểu và tha thứ cho nhau.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.